|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vụ sữa đậu nành: Bảo vệ doanh nghiệp Việt trước các thông tin sai lệch

23:42 | 13/04/2023
Chia sẻ
Bộ Công Thương chủ động tiếp cận, theo dõi thông tin từ các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các nguồn cảnh báo quốc tế để cảnh báo sớm đến doanh nghiệp.

Ngày 28/3, kênh NHK news (Nhật Bản) đưa tin sản phẩm sữa đậu nành Việt Nam bị nhiễm khuẩn coliform được yêu cầu tiêu hủy. Sau đó, một số kênh mạng xã hội lan truyền thông tin về việc sản phẩm Fami Calcium Soymilk phát hiện nhiễm khuẩn gây ung thư ở Nhật Bản.

Trước thông tin trên, đại diện Bộ Công Thương khẳng định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương được quy định cụ thể tại Điều 64 Luật An toàn thực phẩm và Điều 39, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Danh mục các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương được quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Công Thương quản lý về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa chế biến không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng do Bộ Y tế quản lý.

Cũng theo Bộ Công Thương, sản phẩm sữa đậu nành Fami Canxi là sản phẩm do Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi sản xuất, được công ty đăng tải theo quy định bản tự công bố sản phẩm số 12NS/QNS/2020 trên trang web của công ty (coduong.pdf (vinasoy.com) là thực phẩm bổ sung.

 Kết quả kiểm định của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia về sản phẩm sữa đậu nành Fami Calcium Soymilk. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN).

Đồng thời, tại bao bì công bố ghi nội dung "sữa đậu nành bổ sung vi chất FamiCanxi..." do đó căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP sản phẩm sữa đậu nành Fami Canxi không thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước được giao tại Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương luôn chủ động và phối hợp cùng các bộ, ngành trong việc chỉ đạo, điều hành, xử lý với mục tiêu bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định thêm rằng, đối với sự việc kênh NHK news (Nhật Bản) đưa tin sản phẩm sữa đậu nành Việt Nam bị nhiễm khuẩn coliform được yêu cầu tiêu hủy, Bộ Công Thương đã nắm được sự việc qua các kênh truyền thông.

Qua đó, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản (Thương vụ) đã nhanh chóng liên hệ với công ty nhập khẩu Next International và Công ty Vinasoy là công ty sản xuất, xuất khẩu để nắm thông tin.

Trên cơ sở trao đổi của Thương vụ, Next International và Vinasoy đã có thông cáo báo chí công bố kết quả kiểm định từ Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia trên mẫu lưu đối chứng của lô hàng sữa đậu nành xuất đi Nhật Bản âm tính với vi khuẩn coliform.

Bên cạnh đó, cơ quan Thương vụ tại Nhật Bản cũng đã xác minh thông báo việc thu hồi thực phẩm vi phạm của thành phố Chiba. Cụ thể, ngày 27/3/2023, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo Trạm kiểm dịch Osaka (ngày 20/3/2023) đã tiến hành kiểm tra giám sát và phát hiện lô hàng sữa đậu nành nhập khẩu dương tính với coliform.

Đến ngày 28/3/2023, Trưởng phòng Y tế thành phố Chiba ra thông báo và tiêu hủy lô hàng do vi phạm Khoản 2, Điều 13 Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật.

Thông báo của thành phố Chiba không có nội dung kết luận về nguy hại hoặc nguy hiểm cho sức khỏe do tiêu thụ sản phẩm này và cũng không nhắc đến nhiễm khuẩn gây ung thư.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất.

Căn cứ trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành, các doanh nghiệp chủ động công bố/tự công bố chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm về việc công bố này.

Vinasoy áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế FSSC 22000. (Ảnh: TTXVN phát).

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, việc quản lý hậu kiểm đối với chất lượng sản phẩm thực phẩm đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Điều này đảm bảo cho các sản phẩm thực phẩm được sản xuất, lưu thông, phân phối và được người tiêu dùng sử dụng một cách an toàn và phù hợp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra cảnh báo thu hồi do không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, Bộ Công Thương đã chủ động tiếp cận, theo dõi thông tin từ các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các nguồn cảnh báo quốc tế để cảnh báo sớm đến doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm hiểu, cập nhật thông tin quy định của các nước, đàm phán để hài hòa lợi ích của đôi bên trong việc áp dụng các quy định của nước sở tại nhằm giúp sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước ngoài nhanh chóng và đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu.

Cùng đó, Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo thông tin, yêu cầu của thị trường đến các doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như trang thông tin điện tử của Bộ, hệ thống báo chí ngành công thương…

Mặt khác, nghiên cứu, xây dựng quy trình chứng nhận cho các doanh nghiệp theo yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu; thông báo đến các Sở Công Thương tỉnh, thành phố để hướng dẫn, phổ biến rộng rãi tới doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng mạng lưới các cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm đạt chuẩn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, từng bước triển khai đánh giá công nghệ, nhận diện mối nguy đối với từng nhóm hàng hóa, sản phẩm thực phẩm, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm được phân công tại Luật An toàn thực phẩm nói chung, thực phẩm lưu thông trong nước và xuất khẩu nói riêng.

Do đó, Bộ Công Thương đặt ưu tiên hàng đầu là tăng cường rà soát, xem xét ban hành các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh tạo rào cản thương mại.

Điều này nhằm đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe không những đối với người tiêu dùng trong nước mà còn tại các nước nhập khẩu thực phẩm từ Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để kịp thời đấu tranh, bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trước những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng và tác động không tốt đối với hàng Việt Nam tại nước ngoài, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, Bộ thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại địa bàn bám sát, phát hiện sớm các vụ việc.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương vừa phối hợp với cơ quan chức năng của nước sở tại, các doanh nghiệp liên quan vừa làm truyền thông để bảo vệ sản phẩm xuất khẩu, thương hiệu Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu.

"Vụ việc trên cũng là một ví dụ về bảo vệ uy tín, chất lượng hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài mà Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ đang triển khai", đại diện Bộ Công Thương chia sẻ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Uyên Hương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.