Đường sắt Việt Nam báo lãi giảm mạnh
Chủ tịch Đường sắt: 'Thu gọn bộ máy, cắt giảm trước tiên là cán bộ' | |
Tăng vốn điều lệ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lên 3.250 tỷ đồng |
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017 với diễn biến trái chiều về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất xấp xỉ 7.738 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm trước nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch đề ra. Hoạt động vận tải hành khách và hàng hoá tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng đóng góp doanh thu với gần 55%, tương đương 4.226 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ sửa chữa kết cấu hạ tầng, thông tin tín hiệu đường sắt, dịch vụ công nghiệp…
Do chi phí bán hàng tăng gấp năm lần, cộng thêm doanh thu tài chính giảm phân nửa khi không còn lợi nhuận bán các khoản đầu tư nên lãi sau thuế của Tổng công ty giảm đến 24%, còn 102 tỷ đồng. Tăng trưởng trái chiều khiến biên lợi nhuận ròng lùi về mức 1,3%, trong khi năm trước con số này khoảng 2%.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam. |
Tổng tài sản của doanh nghiệp này tính đến cuối năm đạt 20.370 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ đồng. Phần lớn trong số đó là tài sản cố định hữu hình như phương tiện vận tải, nhà cửa, máy móc…
Đầu năm 2017, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 7.800 tỷ đồng và 138 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, nhiệm vụ trọng tâm là phải điều chỉnh giá cước đảm bảo cạnh tranh với thị trường vận tải nội địa mà vẫn đảm bảo cân đối thu chi và có lãi, đa dạng hoá dịch vụ để phục vụ đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp. Công ty cũng yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động tiếp cận với các khu công nghiệp, chủ hàng lớn để nắm bắt nhu cầu vận chuyển, tăng cường dịch vụ hỗ trợ vận tải như cho thuê quảng cáo bên trong toa xe…
Trước đó, Tổng công ty được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ giai đoạn 2017-2019 từ 2.268 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải. Việc tăng vốn điều lệ giúp Đường sắt Việt Nam có thêm nguồn lực để đầu tư dự án 100 đầu máy công suất lớn nhằm giảm thời gian chạy tàu và nâng sản lượng vận chuyển hành khách đến năm 2020 lên gấp đôi hiện nay, qua đó góp phần tăng doanh thu và thị phần vận tải đường sắt.