|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dùng 3 chữ 'Đ', sếp Deloitte chỉ ra bức tranh các doanh nghiệp Việt trong 20 tháng khủng hoảng, nhấn mạnh cần có quản trị rủi ro nếu muốn phục hồi sau dịch

07:29 | 10/09/2021
Chia sẻ
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cũng khuyên các doanh nghiệp cần duy trì nguồn lực tài chính, duy trì kinh doanh liên tục và tăng cường tự động hóa, số hóa các quy trình, tác vụ.

Tại diễn đàn trực tuyến với chủ đề: Sáng tạo kinh doanh trong môi trường đổi mới, được dẫn dắt bởi Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam - VCCI, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam đã đề cập đến chủ đề: Chiến lược ứng phó, phục hồi và phát triển/hưng thịnh từ khủng hoảng.

Đứt – Đẩy – Đồng

Bà Thanh khẳng định việc sống chung với dịch và thực hiện sản xuất kinh doanh an toàn là xu thế tất yếu. Vì vậy, cuộc khủng hoảng COVID-19 giúp nhìn rõ hơn ba hành động liên tục của các doanh nghiệp, gồm: Ứng phó, phục hồi và phát triển.

Để tổng hợp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến doanh nghiệp trong 20 tháng qua, lãnh đạo Deloitte Việt Nam đề cập tới ba chữ "Đ". "Chữ Đ thứ nhất là Đứt, tương ứng với việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Thứ hai, thông qua chữ Đứt, chúng ta có chữ Đầy. Đây thực ra là một điều tốt, đại dịch COVID-19 được coi là chất xúc tác giúp thúc đẩy phương thức kinh doanh, tăng tốc chuyển đổi số. 

Chữ "Đ" cuối cùng là Đồng. Chưa bao giờ sự đồng chí hướng giữa nhân viên và lãnh đạo ở mức cao như bây giờ. Sự đồng lòng giữa nhân viên và ban lãnh đạo là điều tuyệt vời mà chúng ta đã thấy… Ngoài ra, chưa bao giờ sự đồng hành giữa doanh nghiệp và chính phủ mạnh mẽ hơn lúc này", bà Thanh chia sẻ.

Chủ tịch Deloitte Việt Nam: COVID-19 giống như 'Thiên nga đen', các doanh nghiệp cần xây dựng khung quản trị khủng hoảng nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững - Ảnh 1.

Bà Hà Thu Thanh cho rằng xu thế sống chung với dịch là tất yếu. (Nguồn: Ảnh tư liệu).

Bên cạnh đó, bà Thanh nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp phải tự đặt ra câu hỏi liệu rằng công ty đã có chiến lược phát triển bền vững hay chưa? Nếu có, chiến lược này nằm ở đâu? "Các doanh nghiệp cần một cái nhìn toàn diện hơn về quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng", Chủ tịch Deloitte Việt Nam khẳng định.

Bà Thanh dẫn lời và đồng tình với ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về việc các doanh nghiệp cần có một khung quản trị rủi ro cụ thể.

"Đối với các doanh nghiệp, muốn phát triển bền vững, cần phải có quản trị rủi ro. Một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững nếu họ không nhìn thấy những rủi ro và tác động của rủi ro đến hoạt động kinh doanh. 

Nếu chỉ đi mà chưa nghĩ tới hoặc chưa nghĩ đủ, các doanh nghiệp có thể rơi vào trạng thái sốc do không ứng phó một cách kịp thời và đầy đủ với các khủng hoảng", bà Thanh khẳng định.

COVID-19 – sự kiện "Thiên nga đen" với các doanh nghiệp

Bà Thanh đã đề cập tới thuật ngữ "Thiên nga đen". Tất cả mọi người đều biết thiên nga có màu trắng và không ai biết tới thiên nga đen. Rồi tới một ngày thiên nga đen xuất hiện thì tất cả mới sững sờ. Theo bà, "Thiên nga đen" là một sự kiện chưa từng xảy ra, tương tự như đại dịch COVID-19, đến khi bùng phát mới khiến các doanh nghiệp bất ngờ.

"Quản trị rủi ro của doanh nghiệp vốn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện, nay lại gặp phải một sự cố là đại dịch COVID-19, thứ chưa từng xảy ra", lãnh đạo Deloitte chia sẻ.

Theo khảo sát của Deloitte, các công ty mới chỉ thực hiện đánh giá rủi ro trong kinh doanh và sản xuất ở mức độ cơ bản, gần như chỉ ở mục tiêu ngắn hạn mà chưa hướng tới các mục tiêu dài hạn. Thậm chí, chiến lược phát triển của nhiều công ty còn không đề cập tới quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng.

Chủ tịch Deloitte Việt Nam: COVID-19 giống như 'Thiên nga đen', các doanh nghiệp cần xây dựng khung quản trị khủng hoảng nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững - Ảnh 2.

COVID-19 như sự kiện "thiên nga đen" với các doanh nghiệp. (Ảnh: Tư liệu).

Câu hỏi được đặt ra: Liệu các doanh nghiệp Việt Nam đã có quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng hay chưa? Bà Thanh sau đó tự trả lời rằng, vừa có vừa chưa có. "Đa số doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng, những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ đã có quản trị rủi ro theo khung được định sẵn cho những ngành mang tính nhạy cảm, liên quan đến giá trị công chúng. 

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp khác có xây dựng quản trị rủi ro, nhưng chỉ dựa trên mức độ kinh nghiệm của lãnh đạo, mang tính tự phát. Thực chất, nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng cơ chế khung quản trị rủi ro, bao gồm quản trị khủng hoảng", bà Thanh cho biết.

Thậm chí, lãnh đạo Delloite chia sẻ rằng cả những doanh nghiệp trưởng thành, những đơn vị đã xây dựng khung quản trị rủi ro vẫn cảm thấy lúng túng khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Thực tế, COVID-19 chính là thước đo cho sự bền vững cho các doanh nghiệp.

Quản trị khủng hoảng là gì?

Nữ lãnh đạo chia sẻ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, quản trị khủng hoảng phải được đưa lên số một. "Khi những sự kiện lớn xảy ra, các doanh nghiệp sẽ tự hỏi nhau: Quản trị khủng hoảng là gì? Làm thế nào để quản trị khủng hoảng? Đó chính là lúc các doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, chỉ còn trông đợi vào sự cứu trợ từ phía bên ngoài để đứng vững", bà Thanh nhận định. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi nhận thức về quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng nếu thực sự muốn phát triển bền vững.

Khi xảy ra sự cố, cách doanh nghiệp ứng phó với sự cố thậm chí còn quan trọng hơn việc "phòng cháy, chữa cháy". Thậm chí, bà Thanh nhận định sự bùng cháy do đại dịch COVID-19 gây ra đây không thể dập được, có thể thiêu rụi hoàn toàn.

"Khả năng nối lại đứt gãy một cách nhanh hơn, bền hơn chính là vấn đề mà các doanh nghiệp cần làm một cách cụ thể. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần nghĩ tới việc khắc phục sau đại dịch, tập trung và đầu tư vào những phần cụ thể", lãnh đạo Deloitte cho biết.

Đề cập tới vấn đề tài chính, bà Thanh nhận định việc có đủ tiền chưa chắc giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bão. "Cách để chúng ta sống để tồn tại qua dịch bệnh với cách sống để tiếp tục tồn tại và phát triển là hai thứ khác nhau", bà Thanh chia sẻ.

Sự hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với đối tác, nhà cung cấp, người lao động cần được nhận diện rõ. Hiện tại, chính những mối quan hệ này giúp tạo ra một nguồn vốn không phải là tiền, nhưng có sức bền cao hơn tiền bạc.

Theo bà Thanh, quản trị khủng hoảng gồm ba nhóm: Cơ cấu ứng phó của tổ chức (đội ngũ ứng phó, kế hoạch ứng phó, phân quyền kiểm soát); Ứng phó (Quy trình phân tích tình huống, truyền thông toàn diện); Phương pháp ứng phó (Giám sát một cách liên tục, cập nhật kịp thời).

"Mọi quyết định quản trị khủng hoảng cần ứng phó với các vấn đề ngắn hạn, nhưng cần nghĩ đến kế hoạch trung hạn và dài hạn để phát triển. Đây mới là ứng phó để có cơ hội phục hồi và phát triển", bà Hà Thu Thanh chia sẻ.

Theo bà Thanh, cả doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ, bất kỳ ai có nhu cầu phát triển bền vững đều cần thay đổi nhận thức về quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng một cách kịp thời.

Doanh nghiệp "kiên cường" – lãnh đạo "kiên tâm"

Theo Deloitte, khi các doanh nghiệp có khung quản trị rủi ro, khả năng ứng phó và khả năng phục hồi cao gấp 3 lần so với các doanh nghiệp khác bất chấp việc vẫn bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Để xây dựng một doanh nghiệp "kiên cường", bà Thanh cho biết các doanh nghiệp cần 5 yếu tố: Có trách nhiệm, có chuẩn bị, biết thích nghi, biết hợp tác, có tín nhiệm.

Cuối cùng, bà Thanh đưa ra lời khuyên rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cần duy trì nguồn lực tài chính, duy trì kinh doanh liên tục và tăng cường tự động hóa, số hóa các quy trình, tác vụ.

"Một Ủy viên Ban chấp hành VCCI nói rằng doanh nghiệp không cần tiền của chính phủ, nhưng doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của chính phủ thông qua việc giãn, hoãn hoặc cho nợ tiền thuế đất hoặc các khoản khác trong vòng 2 – 3 năm. Vậy làm thế nào để biết chính phủ có đòi được tiền hay không, vấn đề nằm ở sự minh bạch tài chính. Sự minh bạch tài chính là cơ sở để chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp. Sự minh bạch tài chính là điều rất quan trọng", bà Thanh chia sẻ.

Quốc Anh