Đua nhau làm siêu ứng dụng
Grab và Gojek là hai ứng dụng khởi đầu xu hướng "siêu ứng dụng" ở Đông Nam Á. Khởi đầu bằng việc cung cấp dịch vụ gọi xe, đến nay Gojek và Grab đều đã mở rộng sang nhiều mảng dịch vụ khác, bao gồm dịch vụ đời sống và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, cuộc chơi hiện đã có thêm ít nhất 5 cái tên khác, theo thống kê của TechInAsia.
Công ty mới nhất tham gia vào "cuộc chơi" là hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia. AirAsia có thể đang đàm phán kêu gọi 300 triệu USD đầu tư cho mảng kinh doanh các dịch vụ số của mình.
Vài tháng sau khi mở rộng dịch vụ ví điện tử BigPay sang Singapore, AirAsia ra mắt dịch vụ giao đồ ăn ở đây hồi tháng 3. Bên cạnh đó, AirAsia cũng đang ấp ủ triển khai dịch vụ gọi xe.
Mặc dù các dịch vụ cung cấp của "siêu ứng dụng" có thể khác nhau, các công ty đều đi theo chiến lược tương tự nhau: xây dựng một mạng lưới người dùng hoạt động đủ lớn xung quanh một dịch vụ cốt lõi ban đầu.
Sau đó, các công ty sẽ triển khai thêm một loạt các dịch vụ tăng thêm. Nền tảng cơ sở cho chúng là một ví điện tử. Trong trường hợp các quy định cho phép, các công ty cũng sẽ triển khai thêm các dịch vụ như cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản.
Tuần trước, Lazada khởi động dịch vụ gọi xe từ công ty gọi xe ComfortDelGro (Singapore) trong ứng dụng di động của mình. Động thái này cho thấy Lazada cũng đang sẵn sàng trở thành một nền tảng tất cả trong một.
Cùng thời điểm, Shopee đang dần chuyển đổi từ một nền tảng thương mại điện tử đơn thuần sang nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán số (ShopeePay), mua trước trả sau (SPayLater) và thậm chí cả giao đồ ăn (ShopeeFood).
Năm 2021, Sea, công ty mẹ của Shopee, muốn triển khai dịch vụ ngân hàng số ở Singapore dựa trên giấy phép đã được cấp cùng Singtel. Sea cũng muốn làm điều tương tự ở Indonesia trong tương lai gần.
Mặc dù AirAsia chưa có dấu ấn đậm nét ở mảng dịch vụ tài chính, thương hiệu này cũng có nhiều "đánh cược" lớn dành cho một ngân hàng số ở Malaysia. Hãng hàng không giá rẻ còn muốn triển khai dịch vụ bảo hiểm và quản lý tài sản ở Malaysia nếu như được các cơ quan quản lý phê duyệt.
Dù vậy, cuộc chơi "siêu ứng dụng" vẫn chưa ngã ngũ ở Đông Nam Á. Nhiều "ông lớn" nhận ra điểm mấu chốt của mô hình "siêu ứng dụng" nằm ở dịch vụ tài chính.
Trong một báo cáo quý, ông Reuben Lai, giám đốc điều hành tại Grab Financial Group nói rằng công ty này đã bán được hơn 100 triệu đơn bảo hiểm kể từ thời điểm thành lập vào tháng 4/2019.
"Đây là cột mốc quan trọng bởi nó cho thấy các dịch vụ tài chính được nhúng vào hệ sinh thái của Grab là rất hiệu qủa", ông Lai chia sẻ. Bên cạnh việc chung cấp bảo hiểm và các khoản vay nhỏ cho tài xế và các nhà bán hàng, Grab cũng triển khai dịch vụ mua trước, trả sau tại một số thị trường.
Trong khu vực, Grab có thể đang là "siêu ứng dụng" có độ phủ lớn nhất. Grab đã có mặt tại tất cả các thị trường quan trọng nhất Đông Nam Á. Tại 6 quốc gia, hãng này triển khai được 4 dịch vụ trở nên.
Trong khi Facebook có hiện diện đậm nét ở Đông Nam Á, mảng thương mại điện tử và tài chính công nghệ ở nó lại khá hạn chế.
Nhìn rộng ra toàn châu Á, WhatsApp Pay của Facebook là dịch vụ cho phép người dùng nhận tiện và gửi tiền thông qua ứng dụng WhatsApp, mới chỉ khả dụng ở Ấn Độ.
Facebook Pay, dù đã khả dụng với người dùng Facebook toàn thế giới, mới chỉ được áp dụng một cách có giới hạn tuỳ theo quốc gia. Ví dụ, ở Singapore, nó có thể được dùng để thanh toán cho các khoản mua sắm trong trò chơi và thanh toán tiền vé cho các sự kiện trực tuyến. Dùng Facebook Pay khi mua sắm trong Facebook Shops và Marketplace mới chỉ sử dụng được ở Mỹ.
Dù vậy, điều này có thể thay đổi khi các "ông lớn" như Facebook bắt đầu mở rộng tính ứng dụng của các công cụ nói trên. Các ứng dụng của Facebook đều nằm trong số các nền tảng được sử dụng nhiều nhất trong khu vực. Trong khi đó, Line và Zalo có số lượng người dùng khá lớn ở Thái Lan và Việt Nam.