Tỷ phú Elon Musk được đề nghị mua lại Silicon Valley Bank để biến Twitter thành 'siêu ứng dụng'
Việc Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ đã gây ra chấn động trong giới kinh doanh toàn cầu. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp vẫn đang tự hỏi làm thế nào mà ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ lại có thể sụp đổ đột ngột và nhanh chóng như vậy, theo The Street.
SVB (SIVB) từng là ngân hàng khởi nghiệp. “SVB là một ngân hàng rất quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm”, nhà đầu tư Ryan Gilbert, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm LaunchPad Capital cho biết. "Đó là một ngân hàng mà chúng tôi đã hợp tác rất nhiều. Họ giữ tiền gửi của chúng tôi khi chúng tôi gửi tiền vào họ, và họ đã mở rộng hạn mức tín dụng cũng như các khoản vay khác cho nhiều công ty”.
"SVB hiểu các công ty khởi nghiệp. Có lẽ họ là đơn vị thấu hiểu các công ty khởi nghiệp hơn bất kỳ ngân hàng nào khác. Vì vậy, sự sụp đổ này là một tổn thất lớn, không chỉ với các startup mà còn với cả giới kinh doanh”, ông nói thêm.
SVB là đơn vị cho vay của nhiều công ty công nghệ. Ngân hàng này là một nhân tố trung tâm trong nền kinh tế đổi mới. Đó là xương sống của ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon. SVB đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên biệt, chuyên môn trong ngành, mạng lưới có giá trị và có danh tiếng.
Sai lầm không thể cứu vãn
SVB cũng cung cấp một loạt dịch vụ tài chính, được thiết kế riêng cho nhu cầu của các công ty khởi nghiệp, chẳng hạn như quản lý tài sản. Các dịch vụ này được thiết kế để giúp các công ty khởi nghiệp quản lý tài chính, tối ưu hóa dòng tiền và mở rộng quy mô kinh doanh của họ.
Thông qua việc đóng cửa SVB, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Ngân hàng Liên bang (FDIC) đã nắm quyền kiểm soát và hiện là người quản lý 175 tỷ USD tiền gửi của khách hàng, bao gồm tiền từ một số công ty mới thành lập và từ một số tên tuổi lớn nhất trong thế giới công nghệ.
Cơ quan quản lý cũng đã tạo ra một thực thể mới và chỉ ra rằng những người gửi tiền không được bảo hiểm, nghĩa là những khách hàng của SVB có khoản tiền gửi có giá trị từ 250.000 USD trở lên trong tài khoản, hiện tại sẽ không có quyền truy cập vào tiền của họ.
Việc này đã mở ra một tương lai không chắc chắn về khả năng hoạt động của nhiều công ty khởi nghiệp trong những tuần tới, vì nguồn tiền của họ bị ảnh hưởng. Việc ngân hàng đóng cửa để lại khoảng trống lớn trong hệ sinh thái tài chính khởi nghiệp.
“Chính phủ có khoảng 48 giờ để khắc phục sai lầm sắp sửa không thể sửa chữa được”, nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng Bill Ackman đã cảnh báo trên Twitter vào ngày 11/3. “Việc SVB sụp đổ mà không có cách nào để bảo vệ tất cả những người gửi tiền, thế giới đã nhận ra định nghĩa chính xác về các khoản tiền gửi không được bảo hiểm”.
"Tôi cởi mở với ý tưởng này"
Một trong những giải pháp để tránh kịch bản tồi tệ nhất diễn ra là để bên thứ ba mua lại SVB. Tỷ phú Elon Musk, CEO Tesla và người đứng đầu Twitter, cho biết ông rất thích đóng vai “hiệp sĩ”. Đó là những gì mà vị tỷ phú này vừa đăng tải trên trang Twitter cá nhân, khi một người dùng đưa ra ý tưởng rằng Twitter, công ty mà Elon Musk đang sở hữu, nên mua lại những gì còn lại của SVB.
Kịch bản này sẽ cho phép tỷ phú giàu có bậc nhất thế giới hiện tại hiện thực hóa tham vọng biến nền tảng truyền thông xã hội này thành một “siêu ứng dụng” có tên X, cung cấp các dịch vụ tài chính và nhiều dịch vụ khác.
"Tôi nghĩ Twitter nên mua SVB và trở thành một ngân hàng kỹ thuật số", một người dùng Twitter cho biết. Đáp lại, tỷ phú Elon Musk chia sẻ: "Tôi cởi mở với ý tưởng này", nhưng không cho biết thêm bất kỳ chi tiết nào khác.
Giá trị tài sản ròng của Elon Musk, dựa trên lượng cổ phần mà ông đang nắm giữ tại Tesla và SpaceX, được định giá 165 tỷ USD tính đến ngày 10/3, theo Bloomberg Billionaires Index. Phía FDIC đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Được thành lập vào năm 1983, SVB, tự coi mình là "đối tác của nền kinh tế đổi mới", đưa ra mức lãi suất tiền gửi cao hơn so với các đối thủ lớn hơn, để thu hút khách hàng. Sau đó, công ty đầu tư tiền của khách hàng vào trái phiếu kho bạc dài hạn và trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản thế chấp với lợi nhuận cao.
Chiến lược này đã hoạt động tốt trong những năm gần đây. Giá trị lượng tiền gửi của ngân hàng đã tăng gấp đôi lên 102 tỷ USD vào cuối năm 2020 từ mức 49 tỷ USD vào năm 2018. Vào năm 2021, giá trị lượng tiền gửi đã tăng lên mức 189,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, mọi thứ đã đảo lộn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất, điều này làm cho giá trị các trái phiếu hiện tại do SVB nắm giữ giảm xuống. Do đó, ngân hàng đã phải bán trái phiếu với giá chiết khấu để trang trải cho việc rút tiền từ khách hàng của mình. Việc này đã khiến SVB phải chịu khoản lỗ khoảng 1,8 tỷ USD.
Trước khoản lỗ này, SVB bất ngờ thông báo cần huy động vốn thêm 2,25 tỷ USD bằng cách phát hành mới cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi được. Quyết định này gây ra sự hoảng loạn và một cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng đã diễn ra.