|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dữ liệu thương mại của Trung Quốc xấu đi, xuất khẩu tháng 2 giảm hơn 20%

10:01 | 09/03/2019
Chia sẻ
Vào hôm 8/3, Trung Quốc đã công bố dữ liệu thương mại tháng 2 xấu hơn dự đoán bởi ảnh hưởng của tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, theo CNBC.

Dữ liệu thương mại của Trung Quốc xấu đi, xuất khẩu tháng 2 giảm hơn 20% - Ảnh 1.

Dữ liệu xuất, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 giảm.

Dữ liệu xuất, nhập khẩu xấu đi trong tháng 2/2019

CNBC dẫn tin từ cuộc thăm dò của Reuters, xuất khẩu (tính theo đồng USD) của Trung Quốc trong tháng 2 đã giảm 20,7% so với năm 2018, thấp hơn rất nhiều so với dự đoán giảm 4,8% của các nhà kinh tế. Trước đó, xuất khẩu tháng 1 của Trung Quốc tăng 9,1% so với năm 2018.

Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 giảm 5,2% so với năm 2018, vượt xa so với dự báo giảm 1,4% của các nhà kinh tế. Nhập khẩu tháng 1 cũng đã giảm 1,5% so với năm 2018.

Cán cân thương mại tháng 2 của Trung Quốc cũng yếu hơn đáng kể so với dự kiến 4,12 tỉ USD. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự đoán cán cân thương mại tổng thể ở mức 26,38 tỉ USD. Trước đó, cán cân thương mại của nước này trong tháng 1 là 39,16 tỉ USD.

Thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã giảm mạnh từ 27,3 tỉ USD vào tháng 1 xuống 14,72 tỉ USD trong tháng 2.

Mặc dù mức giảm 20,7% trong xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 2/2019 là một con số lớn và thị trường rõ ràng sẽ thất vọng, con số tiêu cực này không gây ngạc nhiên bởi các nhà đầu tư đã dự đoán trước một đợt suy yếu cả trên toàn cầu và Trung Quốc, bà Sarah Lien, giám đốc kiêm quản lí danh mục đầu tư của khách hàng tại Eastspring Invesments, cho hay.

Các nhà phân tích đã cảnh báo về việc xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chững lại mặc dù dữ liệu kinh tế tổng thể của nước này vẫn ổn định trong năm 2018.

Nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn đang tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Theo các nguồn tin thân cận với CNBC, Washington và Bắc Kinh dường như đang tiến gần đến đích của cuộc thỏa thuận trong tháng 3 này.

Dữ liệu có thể bị bóp méo bởi kì nghỉ Tết nguyên đán?

Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng dữ liệu của Trung Quốc vào đầu năm có thể bị bóp méo bởi dịp nghỉ lễ Tết nguyên đán kéo dài một tuần, bắt đầu vào tháng 2/2018.

Dữ liệu không mấy lạc quan được Trung Quốc công bố vào ngày 8/3 là bằng chứng cho thấy nhu cầu toàn cầu đang hạ nhiệt và phù hợp với việc nhu cầu nội địa tại Trung Quốc giảm, theo một ghi chú của ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cao cấp tại Capital Economics.

"Việc Mỹ tạm dừng áp mức thuế quan mới chỉ thúc đẩy nhẹ cho xuất khẩu Trung Quốc, tuy nhiên, không đủ để bù đắp cho những cơn gió ngược đang diễn ra bên ngoài. Trong khi đó, nếu kích thích chính sách không thể làm bệ đỡ cho tăng trưởng cho nửa cuối năm, nhập khẩu sẽ vẫn chịu áp lực trong thời gian tới", ông Pritchard nói thêm.

Mặc dù lo ngại về sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Eastspring vẫn lạc quan về nền kinh tế lớn thế giới thế giới bởi Trung Quốc có rất nhiều cách xoay chuyển tình thế, Sarah Lien, Giám đốc và quản lý danh mục khách hàng tại Eastspring Investments cho biết.

Bà Lien cho hay thị trường nội địa Trung Quốc là một mảng mà Eastspring tập trung vào.

"Nền kinh tế nội địa của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ và là một phần lớn của thị trường toàn cầu, có rất nhiều cơ hội ở đó", bà nói.

Trung Quốc đang tổ chức một cuộc họp thường niên kéo dài hai tuần, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, khai mạc vào ngày 5/3 và sẽ kết thúc vào ngày 15/3 tới.

Mở đầu cuộc họp tuần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cho biết nền kinh tế Trung Quốc có thể chậm lại trong năm 2019 và tiết lộ mục tiêu tăng trưởng chính thức cho năm 2019 là 6 – 6,5%, thấp hơn mức tăng 6,6% trong năm 2018 – vốn là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc kể từ năm 1990.

Thu hút vốn nước ngoài: Con dao hai lưỡi của Trung QuốcThu hút vốn nước ngoài: Con dao hai lưỡi của Trung Quốc Người Trung Quốc tràn vào Philippines, Thủ tướng Malaysia cảnh báoNgười Trung Quốc tràn vào Philippines, Thủ tướng Malaysia cảnh báo Xuất khẩu Trung Quốc giảm tốc là dấu hiệu kinh tế toàn cầu suy yếuXuất khẩu Trung Quốc giảm tốc là dấu hiệu kinh tế toàn cầu suy yếu

Trần Nam Thi