Thu hút vốn nước ngoài: Con dao hai lưỡi của Trung Quốc
Con dao hai lưỡi
Kế hoạch thu hút dòng vốn nước ngoài kéo dài nhiều năm qua của Trung Quốc cuối cùng cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ cho đồng Nhân dân tệ trong lúc thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng giảm, Bloomberg đưa tin.
Lượng nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên mức kỷ lục hơn 260 tỉ USD, còn lượng nắm giữ cổ phiếu của họ ở mức 172 tỉ USD, dựa trên dữ liệu gần nhất.
Gần đây, ngày càng nhiều tài sản Trung Quốc được thêm vào các chỉ số trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu, nhờ đó sẽ thu hút nguồn vốn mới cho Trung Quốc.
Sự cần thiết của việc thu hút nguồn vốn đã được nhấn mạnh trong ngày 5/3, khi Chính phủ Trung Quốc nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách và đẩy mạnh các kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ bằng đồng Nhân dân tệ.
Dòng vốn vào cũng sẽ là "tấm đệm an toàn" làm giảm bớt tác động từ sự suy giảm của thặng dư tài khoản vãng lai – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thặng dư tài khoản vãng lai Trung Quốc sẽ giảm thêm trong vài năm tới.
Eswar Prasad, từng là trưởng bộ phận phụ trách kinh tế Trung Quốc tại IMF và hiện làm việc tại Đại học Cornell, cho hay: "Sự cởi mở nhiều hơn của Trung Quốc đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của các thị trường tài chính nước này. Tuy vậy, rủi ro về dòng vốn cũng gia tăng, qua đó sẽ làm phức tạp cơ chế quản lý tỷ giá của Trung Quốc".
Khối ngoại sở hữu chưa tới 3% trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc, tức chưa phải là "người chơi" lớn tại thời điểm này, mặc dù tầm ảnh hưởng của họ lên trái phiếu Chính phủ Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Khi tỷ trọng tài sản Trung Quốc trong các danh mục toàn cầu ngày càng tăng, sức ảnh hưởng của nhà đầu tư nước ngoài cũng vì thế mà tăng lên. Và ngược lại, sức ảnh hưởng của Trung Quốc tới các danh mục này cũng sẽ tăng.
Hui Feng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Châu Á Griffith và đồng tác giả của cuốn sách "The Rise of the People's Bank of China", cho hay: "Đây sẽ là con dao hai lưỡi. Khả năng tiếp cận thị trường cao hơn nhưng cũng là nguồn truyền dẫn sự biến động tới thị trường toàn cầu"
Tuần trước, MSCI tuyên bố nâng tỷ trọng của cổ phiếu Trung Quốc loại A trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI lên 3,3% trước tháng 11/2019, từ mức 0,72% tại thời điểm này.
Tháng tới, trái phiếu Chính phủ Trung Quốc và trái phiếu từ các ngân hàng chính sách đang chuẩn bị được thêm vào chỉ số Bloomberg Barclays Global Aggregate Index – tỷ trọng của tài sản Trung Quốc được ước tính ở 6%. Bloomberg LP sở hữu các chỉ số Bloomberg Barclays và là công ty mẹ của Bloomberg News.
Các quyết định này đánh dấu chiến thắng dành cho các quan chức Trung Quốc khi họ đang tìm kiếm một nguồn vốn vào ổn định để cân bằng các áp lực từ các công ty Trung Quốc và cá nhân đang bỏ tiền ở nước ngoài. Tầm quan trọng của các nỗ lực này càng gia tăngsau khi dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm 1 ngàn tỉ USD vì đợt phá giá đồng Nhân dân tệ trong năm 2015.
Dĩ nhiên, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tài khoản vốn sẽ giúp Chính phủ Trung Quốc quản lý dòng vốn chảy ra và chảy vào quốc gia. Các biện pháp kiểm soát vốn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng tháo chạy của dòng vốn, một yếu tố thường gây bất ổn ở những nền kinh tế mới nổi.
Truyền tải thông tin
Trung Quốc cần phải nỗ lực truyền tải về những sự thay đổi về pháp lý để cản bước tình trạng thoái vốn đột ngột của nhà đầu tư nước ngoài và tránh lặp lại tình trạng từng thấy trong năm 2015 và 2016. Nếu làm đúng, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể làm giảm bớt mức độ biến động bằng cách gia tăng sự đa dạng về người mua tài sản.
Rujing Meng, Giảng viên tài chính tại Đại học Hồng Kông, nhận định: "Thị trường chứng khoán Mỹ thu hút một lượng vốn lớn từ thế giới. Điều đó có làm thị trường Mỹ trở nên dễ tổn thương hơn trong vài thập kỷ qua hay không? Không, trên thực tế, điều này còn giúp Mỹ trở thành thị trường chứng khoán lớn nhất và tính hiệu quả rất cao".
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tại thời điểm này, Trung Quốc chẳng cần phải lo ngại vì họ có thể thu hút dòng vốn ròng bền vững trong tương lai gần.
Phần lớn hoạt động mua trái phiếu đến từ các ngân hàng trung ương và các quỹ quản lý tài sản quốc gia, trong đó các nhà quản lý quỹ tư nhân chỉ mới bắt đầu đa dạng hóa danh mục và thêm vào tài sản Trung Quốc.
Sức mạnh kinh tế và nguồn tiết kiệm nội địa dồi dào của Trung Quốc là những lợi thế mà những nước như Argentina và Indonesia không có.
Giai đoạn đầu
Các chuyên gia kinh tế và chiến lược gia tại Morgan Stanley viết trong một báo cáo về "sự chuyển đổi" của dòng chảy vốn Trung Quốc rằng: "Nhà đầu tư nước ngoài đang trong giai đoạn đầu của việc đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc".
Tương tự, dòng vốn đổ vào trái phiếu Trung Quốc có khả năng tăng mạnh trong vào năm tới, họ viết, đồng thời cho rằng đồng Nhân dân tệ sẽ tăng giá.
Để thu hút dòng vốn dài hạn, Chính phủ Trung Quốc cần phải xoa dịu nỗi lo của một số nhà đầu tư về chuyện Trung Quốc có thể chặn đứng lượng vốn của họ trong một vài trường hợp.
Jean-Louis Nakamura, Giám đốc đầu tư châu Á Thái Bình Dương tại Lombard Odier, cho hay: "Khi mức độ biến động tăng vọt, nếu nhà đầu tư không thể giao dịch trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc loại A một cách tự do thì họ sẽ rơi vào thế khó. Ở Trung Quốc, các quy định có thể thay đổi chỉ sau 1 đêm. Chúng tôi cần có sự an tâm và sự rõ ràng về chính sách".