|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khi nỗi đau của Trung Quốc cũng là nỗi đau của châu Á

17:01 | 05/03/2019
Chia sẻ
Với diễn biến của thị trường chứng khoán châu Á trước động thái hạ mục tiêu tăng trưởng mới nhất của Trung Quốc, các nước châu Á có lẽ cũng đang lao đao vì đà giảm tốc của Trung Quốc.

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 0,4% và dứt mạch hai ngày leo dốc liên tiếp khi các chỉ số cổ phiếu chính ở châu Á đồng loạt đi xuống.

Trong đó, chỉ số chứng khoán chuẩn của Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đầu đà giảm, qua đó đè nặng lên đà leo dốc đã mang 3 nghìn tỉ USD vào thị trường cổ phiếu châu Á trong năm 2019. Dù vậy, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tăng bất chấp đà giảm chung của thị trường châu Á và Phố Wall.

Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng xuống phạm vi 6 - 6,5% trong năm 2019, trích từ báo cáo thường niên của Thủ tướng Trung Quốc công bố vào sáng ngày thứ Ba (5/3). Mức dưới của phạm vi mục tiêu GDP sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập kỷ, là kết quả của chuỗi giảm tốc dài dăng dẳng của Trung Quốc. Trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, ông Lý Khắc Cường thông báo cắt giảm thuế với tổng giá trị 2 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 298 tỉ USD) trong năm 2019.

Đà giảm tốc ở Trung Quốc đã cho thấy phần nào sự phụ thuộc của nhiều quốc gia định hướng theo xuất khẩu ở châu Á vào nền kinh tế Trung Quốc dựa trên chỉ báo là diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á.

Khi nỗi đau của Trung Quốc cũng là nỗi đau của châu Á - Ảnh 2.

Trong năm 2017, tổng giá trị giao thương của các nước châu Á với Trung Quốc lên tới 1,6 nghìn tỉ USD, dẫn đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông – cả ba thị trường chìm trong sắc đỏ hoặc gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/3), dựa trên dữ liệu mới nhất của Bloomberg.

Không phải mọi yếu tố ở Trung Quốc đều đang "khoác" màu ảm đạm.

Nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào thị trường Trung Quốc trong năm nay, cụ thể họ đã rót 1,5 nghìn tỷ USD vào thị trường này trong năm 2019. Khi Trung Quốc đối đầu thương mại với Mỹ, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những thông tin rõ ràng hơn về các vấn đề cấu trúc dài hạn củng cố cho nền kinh tế Trung Quốc và các nỗ lực giải quyết những vấn đề này của các nhà hoạch định chính sách.

Các chuyên viên phân tích cổ phiếu tại Jefferies Financial Group, bao gồm cả Laban Yu và Patrick Yuan, vừa trở về sau chuyến đi viếng thăm tới châu Âu và nhận thấy rằng nhiều người vẫn cảm thấy lạc quan về thị trường Trung Quốc, dựa trên báo cáo công bố ngày 4/3.

Họ nhận định: "Nhà đầu tư dường như cho rằng Trung Quốc đã sẵn sàng kích thích và nền kinh tế đã hoặc sẽ sớm tạo đáy thôi. Chúng tôi đã chứng kiến ít nhất 4 đợt suy giảm về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 20 năm qua. Đợt suy giảm lần này có vẻ gây lo ngại ít nhất".

Các chuyên viên phân tích cho hay, vấn đề nội địa gây áp lực nhiều nhất lên nền kinh tế Trung Quốc, kế hoạch giảm bớt đòn bẩy, "hoàn toàn có thể được đảo ngược", còn các áp lực bên ngoài, bao gồm cuộc chiến thương mại và việc thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tác động rất hạn chế hoặc đã được xoa dịu phần nào.

Sau khi phân tích kỹ lưỡng, các chuyên viên này kết luận đây là "đợt suy yếu ít đáng sợ nhất của Trung Quốc từ trước đến nay".

Các nhà đầu tư chứng khoán châu Á cũng trông đợi vào điều đó.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm 0,4%.

Ở Nhật Bản, Topix giảm 0,5%, Nikkei 225 giảm 0,4%.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông gần như không đổi; chỉ số Hang Seng China Enterprises gần như không đổi, Shanghai Composite tăng 0,9%, CSI 300 tăng 0,6%.

Taiex của Đài Loan giảm 0,4%.

Ở Hàn Quốc, Kospi giảm 0,5%, Kospi 200 giảm 0,7%.

Chỉ số ASX 200 của Australia giảm 0,3%, còn NZX 50 của New Zealand giảm 0,1%.

Chỉ số S&P BSE Sensex tăng 0,6%, NSE Nifty 50 tiến 0,6%.

Straits Times của Singapore giảm 0,5%, KLCI của Malaysia giảm 0,3%, chỉ số Philippine Stock Exchange ít thay đổi, Jakarta Composite hạ 0,9%.


Minh Tuấn