|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến tranh thương mại và tương lai Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ

14:11 | 07/03/2019
Chia sẻ
Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược kìm hãm Trung Quốc trong thời gian tới và trong vòng 10-20 năm tới, Trung Quốc có thể bắt kịp GDP của Mỹ. Đó là nhận định của TS.Phạm Huyền Trang tại Hội thảo Triển vọng kinh tế Mỹ - Trung sau ngày 1/3 và những tác động địa chiến lược diễn ra mới đây.
Chiến tranh thương mại và tương lai Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ - Ảnh 1.

Hội thảo Triển vọng kinh tế Mỹ - Trung sau ngày 1/3 và những tác động địa chiến lược trong khu vực do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế trung ương (VEPR) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VCES) phối hợp tổ chức. (Ảnh: Thu Hà)

Liên tục những cuộc "ăn miếng trả miếng", Mỹ và Trung đều bị thiệt hại

Tại hội thảo, diễn giả - TS Phạm Huyền Trang, Giảng viên trường ĐH Ngoại thương đã điểm lại những diễn biến nổi bật trong vòng một năm trở lại đây của cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, vòng áp thuế thứ nhất bắt đầu từ ngày 1/3/2018, Mỹ áp thuế tự vệ lên máy giặt, pin mặt trời, thép, nhôm nhập khẩu của Trung Quốc. Để đáp trả việc Mỹ áp thuế lên thép và nhôm, Trung Quốc đã điều tra chống trợ cấp với mặt hàng cao lương của Mỹ, đồng thời công bố áp thuế lên 3 tỷ hàng hóa của Mỹ.

Cũng để đáp trả lại Trung Quốc, Mỹ đã công bố áp thuế lên 50 tỷ hàng hóa của Trung Quốc…

Vòng áp thuế thứ hai bắt đầu từ ngày 23/8/2018  bằng việc thuế áp lên 16 tỷ hàng hóa của mỗi bên bắt đầu có hiệu lực. Và vòng áp thuế thứ ba bắt đầu từ ngày 24/9/2018 bằng việc thuế Mỹ áp lên gói 200 tỷ hàng hóa của Trung Quốc và thuế Trung Quốc áp lên gói 60 tỷ hàng hóa của Mỹ bắt đầu có hiệu lực.

Đặc biệt, ngày 1/12/2018, Tổng thống Mỹ Donal Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý một thỏa thuận đình chiến 90 ngày với thời hạn là ngày 1/3/2019.

Ngay sau đó, từ tháng 12 đến nay, một loạt các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đã diễn ra, Trung Quốc cam kết mua tới 1.200 tỷ hàng hóa Mỹ, Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố lùi thời hạn tăng thuế lên 25% đối với gói 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc cho đến khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ngày 3/3/2019, Tổng thống Trump đề nghị Trung Quốc dỡ bỏ ngay lập tức tất cả thuế quan đối với hàng hóa nông nghiệp Mỹ do các cuộc đàm phán thương mại đang tiến triển tốt.

Ngoài ra, tại hội thảo, TS. Phạm Huyền Trang cũng nêu một số vấn đề nổi cộm, gây tranh cãi trên bàn đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian vừa qua như vấn đề công bằng thương mại, vấn đề nông nghiệp, tỷ giá hối đoái, vấn đề cưỡng chế chuyển giao công nghệ và chính sách "Đổi công nghệ lấy thị trường", vấn đề trợ cấp chính phủ Trung Quốc và Chính sách công nghiệp mới Made in China 2025.

Đặc biệt, theo bà Trang, đằng sau cuộc chiến tranh thương mại, cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều bị thiệt hại. Cụ thể, về phía Mỹ, sự thiệt hại rõ nhất đó là sự suy giảm và tình trạng thất nghiệp tại ngành công nghệ chế tạo Mỹ do tác động từ hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng khoảng cách thu nhập của đất nước này. Còn về phía Trung Quốc cũng xuất hiện những thiệt hại do chiến tranh thương mại gây ra như thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều doanh nghiệp đã di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Kịch bản nào cho cuộc đàm phán thương mại sắp tới?

Theo TS. Phạm Huyền Trang, về mặt kinh tế, Mỹ sẽ có lợi thế hơn trong cuộc đàm phán thương mại sắp tới nhưng về sức ép chính trị, Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn.

Cụ thể, về vấn đề giải quyết thâm hụt thương mại và nông nghiệp, TS. Phạm Huyền Trang cho rằng, khả năng sẽ xử lý bằng việc Trung Quốc cam kết mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ, bao gồm hàng hóa nông sản. Về tỷ giá hối ngoại, có thể hai nước sẽ đạt được thỏa thuận.

Đặc biệt, bà Trang cũng nhận định, có hai vấn đề rất khó để đàm phán giữa hai nước đó là về vấn đề cưỡng chế chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và vấn đề về chính sánh nông nghiệp. Theo bà Trang, Trung Quốc khả năng sẽ không từ bỏ cuộc chạy đua về công nghệ cao nhưng có thể thay đổi hoặc giảm các hình thức trợ cấp trực tiếp. Bên cạnh đó, một thỏa thuận có thể đạt được trong vòng vài năm giữa hai nước nhưng sự cạnh tranh về công nghệ, kinh tế, địa chính trị,… sẽ không ngừng diễn ra.

Trung Quốc sẽ bắt kịp GDP của Mỹ trong vòng 10-20 năm tới?

Dự đoán về tương lai quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, TS. Phạm Huyền Trang cho rằng, về chính trị, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược kìm hãm Trung Quốc trong thời gian dài tới. Việc cạnh tranh để thống trị về kinh tế, công nghệ và vị thế địa chính trị.

Đặc biệt, trong vòng 20-20 năm tới, Trung Quốc có thể bắt kịp GDP của Mỹ.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc sẽ được cải thiện hơn khi Trung Quốc tiến dần từ quốc gia sử dụng, bắt chước trở thành nước sáng tạo ra các tài sản trí tuệ.

Cũng theo dự đoán của bà Trang, trong tương lai, Trung Quốc sẽ không còn được hưởng nhiều quyền lợi của một nước đang phát triển, hàng rào thuế sẽ dần dỡ bỏ nhưng thay vào đó, hàng rào phi thuế sẽ ngày càng cao.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cô lập, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới cũng sẽ có tác động đáng kể đến thương mại và đầu tư quốc tế.

Theo Reuters, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã họp hơn 7 giờ vào ngày 23/2 để giải quyết tranh chấp thương mại và tránh sự leo thang của thuế quan.

Hai bên gặp lại nhau vào sáng 24/2 để gấp rút chốt thỏa thuận trước hạn chót ngày 1/3 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra. Ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế đột ngột đối với hàng hóa Trung Quốc trừ khi có thỏa thuận.

Đây là vòng đàm phán thứ tư kể từ khi Washington và Bắc Kinh đồng ý hòa hoãn trong cuộc chiến thương mại.

Việc kéo dài thời hạn có nghĩa là trì hoãn mức tăng thuế theo lịch trình từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Trung Quốc cũng đã cam kết mua thêm 10 triệu tấn đậu nành của Mỹ. Cả hai bên không tiết lộ chi tiết của các cuộc đàm phán.

Thu Hà