|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xuất khẩu Trung Quốc tệ nhất kể từ 2009

15:17 | 13/01/2017
Chia sẻ
Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc lao đao năm thứ hai liên tiếp.
cảng nước sâu Yangshan, nằm trong khu thương mại tự do Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc vừa đối mặt với một năm sụt giảm do nhu cầu thế giới ở mức thấp. Bên cạnh đó, nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ qua những gì Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tuyên bố khiến tương lai 2017 càng trở nên ảm đạm.

Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức trong vòng một tuần nữa. Đến lúc đó, Trung Quốc sẽ biết được những lời hăm dọa của Trump có thành hiện thực hay không. Khi còn trong chiến dịch tranh cử, Donald Trumpp cho biết việc đầu tiên sẽ làm trong ngày đầu tiên nhậm chức là liệt Trung Quốc vào dạng thao túng tiền tệ, sau đó sẽ là nhiều biện pháp khác như đánh thuế cao lên hàng hóa từ nước này,

Kể cả khi chính quyền Trump chưa có hành động cụ thể nào ngay lập tức, giới phân tích cho rằng nỗi ám ảnh về quan hệ thương mại hai chiều cùng quan hệ chính trị xấu đi sẽ gây áp lực lên các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư.

Trung Quốc, đất nước có nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu nhất thế giới, vừa công bố số liệu xuất khẩu hôm nay. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, còn nhập khẩu giảm 5,5%.

Thặng dư thương mại năm 2016 đi chậm lại, từ 594 tỷ USD năm 2015 xuống còn 510 tỷ USD.

Đây là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu đi xuống và là kết quả tệ nhất kể từ thời khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Cơ quan hải quan nước này nhận định 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, nhất là nếu Trump và nhiều chính quyền khác đưa ra các biện pháp bảo hộ.

"Xu hướng chống toàn cầu hóa đang ngày một rõ rệt, và Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất trong xu hướng này", người phát ngôn của hải quan Trung Quốc, Huang Songping nói với các phóng viên.

Ông Huang cũng cho biết, Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ chính sách thương mại quốc tế sau khi Trump chính thức nhậm chức.

Số liệu của Mỹ cho rằng năm 2015, Trung Quốc thặng dư 366 tỷ USD trong quan hệ thương mại với Mỹ. Giới chuyên gia của Bank of America Merrill Lynch mới đây viết rằng Donald Trump muốn giảm bớt con số này và đưa Bắc Kinh đến bàn đàm phán.

Hiện nay, theo quy định của Bộ Tài chính Mỹ, một quốc gia bị Mỹ xem là thao túng tiền tệ nếu có 3 yếu tố, trong đó có một yếu tố là duy trì thặng dư thương mại 20 tỷ USD trở lên so với Mỹ.

Về phía Trung Quốc, họ cho rằng năm 2015, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ thấp hơn con số nói trên, ở 260,91 tỷ USD, và giảm còn 250,79 tỷ USD trong năm 2016.

"Lập trường của Trump về vấn đề thương mại với Trung Quốc có thể gây hại về mặt cấu trúc trong dài hạn trong kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc", giới chuyên gia của ANZ viết trong một báo cáo gửi khách hàng.

"Chính sách của Trump có thể là khuyến khích doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nước này".

Xuất khẩu và nhập khẩu

Tháng cuối cùng của năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hơn dự báo. Trong khi đó, nhập khẩu vượt dự báo, tăng trưởng 3,1% do nhu cầu hàng hóa mạnh vào cuối năm như than đá, quặng sắt.

Thặng dư thương mại tháng 12 là 40,82 tỷ USD, so với con số 44,61 tỷ USD của tháng 11/2016.

Dù xuất khẩu vừa có một năm ảm đảm, trong 12 tháng chỉ có 2 tháng tăng trưởng dương, xu hướng nhập khẩu khá tích cực, cho thấy nhu cầu trong nước đang đi lên khi các công ty tăng cường nhập nguyên liệu thô như quặng sắt hay đồng để phục vụ đợt bùng nổ xây dựng.

Trên thực tế, lượng nhập khẩu một số mặt hàng còn tăng kỷ lục trong năm 2016 như dầu thô, quặng sắt, đồng và đậu tương.

"Trong khi xu hướng bảo hộ đang gia tăng, Trung Quốc có thể ngày càng phụ thuộc hơn vào thị trường trong nước", Wen Bin, chuyên gia kinh tế ở Ngân hàng Minsheng Bank ở Bắc Kinh nhận định.

Vân Vũ