|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự kiến 30 triệu liều vắc xin sẽ về Việt Nam trong 3 tháng tới, chủ yếu là AstraZeneca và Pfizer

11:35 | 29/06/2021
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ về tiến độ dự kiến của hàng triệu vắc xin COVID-19 sẽ về Việt Nam trong năm nay.

Theo thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ, ngay trong tháng 7, dự kiến sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc xin về Việt Nam. Ngoài ra, trong tháng 8 và tháng 9 tổng sẽ có thêm khoảng 20-21 triệu liều. Số vắc xin này chủ yếu là AstraZeneca và Pfizer, VietNamNet đưa tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho khoảng 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng. Thời gian quan Bộ Y tế đã chủ động kết nối, bàn trực tiếp với các nhà sản xuất trong và ngoài nước.

Chia sẻ về một số nguồn vắc xin mới, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, một số nước, tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, UNICEF và một số nước, tổ chức khác sẽ hỗ trợ Việt Nam với số lượng vắc xin từ 5-10 triệu liều.

Mới đây, Ấn Độ cũng đồng ý bán cho Việt Nam tổng cộng 15 triệu liều trong năm 2021, cụ thể, quý III sẽ bán 6 triệu, quý IV bán thêm 9 triệu. Một số nguồn khác Bộ Y tế vẫn đang đàm phán, hoàn thiện.

"Như vậy có thể nói, với một số nguồn tương đối chắc chắn thì chúng ta có khoảng 120 triệu liều và một nguồn đang đàm phán chúng tôi cho rằng sẽ về kịp trong năm nay đó là nguồn của Nga. Chúng ta đàm phán được 40 triệu liều và phần nhiều khoảng 20 triệu liều sẽ về trong năm 2021", VietNamNet dẫn lời Thứ trưởng Trần Văn Thuấn.

Trước đó, vào sáng 3/6, Bộ Y tế đã cho biết thông tin chi tiết về hơn 120 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 sẽ có tại Việt Nam trong năm 2021.

Theo đó, ngoài vắc xin AstraZeneca (30 triệu liều), trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vắc xin của Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều) và 20 triệu liều vắc xin Sputnik V. Bên cạnh đó, Covax Facility hỗ trợ Việt Nam khoảng 38,9 triệu liều.

Từ cuối tháng 2 đến nay, hơn 4,3 triệu liều vắc xin đã về Việt Nam để tiêm trước cho các đối tượng ưu tiên.

Dự kiến 30 triệu liều vắc xin sẽ về Việt Nam trong 3 tháng tới, chủ yếu là AstraZeneca và Pfizer - Ảnh 1.

Số lượng vắc xin về Việt Nam đến nay. (Đồ họa: Alex Chu).

Bên cạnh việc tìm các nguồn vắc xin trên thế giới, Việt Nam cũng đang tiếp tục thúc đẩy sản xuất, nghiên cứu vắc xin trong nước.

Đến nay, cả nước có hai nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19. Trong đó, một ứng viên vắc xin đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là vắc xin Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen. Vắc xin này vừa hoàn tất 1.000 mũi đầu tiên thử nghiệm giai đoạn 3 hôm 22/6. 

Trong cuộc họp khẩn mới đây, Bộ Y tế đã thống nhất với Viện Pasteur TP HCM và Học viện Quân y đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin này trên toàn bộ 13.000 tình nguyện viên. Bộ yêu cầu hoàn thành mũi thứ 1 trước 15/7 và mũi thứ 2 trước 15/8.

Ngoài ứng viên tiềm năng trên, một vắc xin khác đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một là Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC). Sáng nay, vắc xin này đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng trên người.

Phương Trang (tổng hợp)

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).