|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vị trí của Việt Nam trong BXH các nền kinh tế chống chịu tốt nhất trước COVID-19 thay đổi ra sao sau 2 tháng chống dịch?

06:27 | 29/06/2021
Chia sẻ
Vị trí các nền kinh tế chống chịu tốt nhất trước COVID-19 trong bảng xếp hạng theo tháng của Bloomberg có sự thay đổi đáng kể so với lần công bố trước đó, chủ yếu do làn sóng dịch mới với biến chủng Delta lây lan nhanh và chiến dịch tiêm chủng khác nhau giữa các nước.

Bloomberg vừa công bố bảng xếp hạng theo tháng, đánh giá khả năng phục hồi của 53 nền kinh tế, từ mức tốt nhất cho tới tồi tệ nhất. Bảng xếp hạng dựa trên các tiêu chí để tìm ra những nền kinh tế đang ứng phó hiệu quả nhất với dịch bệnh, với ít gián đoạn về kinh tế và xã hội nhất. Khác với những lần trước, đợt đánh giá lần này có thêm tiêu chí liên quan khả năng tái mở cửa của các nền kinh tế.

Theo đánh giá của Bloomberg, Việt Nam ở vị trí thứ 40, xếp ngay sau Thái Lan và trên Indonesia, Malaysia, Philippines. Về tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia của Bloomberg dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7% năm nay.

Vị trí của Việt Nam trong BXH các nền kinh tế chống chịu tốt nhất trước COVID-19 thay đổi ra sao sau 2 tháng chống dịch? - Ảnh 1.

Trong lần đánh giá tháng này, Việt Nam đứng thứ 40 trong các nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhất trước COVID-19. (Nguồn: Bloomberg).

Trong lần công bố hôm 27/4 (khi Việt Nam chưa đón làn sóng COVID-19 mới), thứ hạng của Việt Nam là 11/53 và được dự báo sẽ tăng trưởng 7,3%.

Dù tụt hạng trong lần này do đang phải ứng phó với đợt dịch thứ 4, nhưng các biện pháp chống dịch của Việt Nam vẫn được đánh giá là hiệu quả với số ca nhiễm trên 100.000 người trong một tháng chỉ là 9 và tỷ lệ tử vong vì COVID-19 là 0,3% - thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Vị trí của Việt Nam trong BXH các nền kinh tế chống chịu tốt nhất trước COVID-19 thay đổi ra sao sau 2 tháng chống dịch? - Ảnh 2.

Biểu đồ thay đổi thứ hạng theo tháng về khả năng chống chịu trước COVID-19 dựa trên đánh giá của Bloomberg. (Nguồn: Bloomberg).

Vị trí của Việt Nam trong BXH các nền kinh tế chống chịu tốt nhất trước COVID-19 thay đổi ra sao sau 2 tháng chống dịch? - Ảnh 3.

Mỹ đứng đầu trong bảng xếp hạng. (Nguồn: Bloomberg),

Vươn lên thần tốc lên vị trí đầu bảng là Mỹ, tháng trước, quốc gia này đứng ở vị trí thứ 17. Với chiến dịch tiêm chủng diện rộng, quyết liệt và nhanh chóng, đến nay khoảng 54% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19, số ca nhiễm và tử vong cũng giảm đáng kể.

Nhờ vắc xin, quá trình tái mở cửa của nền kinh tế hàng đầu thế giới trở nên suôn sẻ hơn. Người đã tiêm chủng không bị bắt buộc đeo khẩu trang và có thể đi du lịch, nghỉ mát trong nước, các nhà hàng cũng dần đông đúc hơn. Mỹ đang chuẩn bị cho con đường mở cửa và tăng trưởng kinh tế bùng nổ trong năm nay nhờ gói kích thích 1.900 tỷ USD và niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện.

Vị trí của Việt Nam trong BXH các nền kinh tế chống chịu tốt nhất trước COVID-19 thay đổi ra sao sau 2 tháng chống dịch? - Ảnh 4.

Người dân Mỹ tụ tập trong một nhà hàng ở Washington hôm 11/6. (Ảnh: Bloomberg).

Các quốc gia châu Âu như Thụy Sĩ, Pháp và Tây Ban Nha cũng nằm trong top 10. Đây cũng là những nước đã mở cửa biên giới cho khách du lịch đã tiêm chủng đầy đủ.

Châu Á có ba đại diện trong bảng xếp hạng gồm Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong top 10 này, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng cao nhất ở mức 8,5% năm nay.

Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương từng có thành tích nổi bật trong các lần xếp hạng trước đó thì lần này bị tụt hạng kha khá. Lý do chủ yếu vì đợt bùng phát mới của COVID-19 với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhanh gấp nhiều lần. Singapore cách đây hai tháng đứng ở vị trí số 1, nhưng lần này tụt xuống thứ 13. Australia từng ở vị trí thứ 3, nay tụt xuống thứ 7.

Ấn Độ, Philippines và một số quốc gia Mỹ Latinh chịu thứ hạng thấp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.

Đánh giá chung, Bloomberg cho rằng Mỹ, Anh và một số nước châu Âu là vùng dịch lớn nhất thế giới, có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên đầu người cao hơn các khu vực khác, nhưng ở giai đoạn này, lại đang đi nhanh hơn trong cuộc đua tái mở cửa, thoát khỏi đại dịch. Thành công ban đầu này chủ yếu nhờ vào nguồn cung vắc xin dồi dào. Ngược lại, các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn hơn.  

Anh Đào