|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nền kinh tế thế giới dường như đang thiếu thốn mọi thứ

19:05 | 20/06/2021
Chia sẻ
“Cách thu mua nguyên liệu vô tội vạ của các doanh nghiệp hoàn toàn không hiệu quả hay bình thường.” Nhu cầu về vật liệu của các tập đoàn trên toàn thế giới đang làm cạn kiệt chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nền kinh tế thế giới dường như đang thiếu thốn mọi thứ - Ảnh 1.

Các cửa hàng, cửa hiệu đều "cửa đóng, then cài," các tòa nhà văn phòng trống trơn, đại dịch COVID-19 biến các khu thương mại ở New York (Mỹ) rơi vào cảnh đìu hiu, vắng lặng. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Một năm trước, cơn đại dịch COVID-19 tàn phá từng quốc gia trên thế giới khiến kinh tế toàn cầu phải một phen rùng mình khi người tiêu dùng hoảng loạn mua hàng loạt sản phẩm trên thị trường. Để đáp ứng nhu cầu đó, các công ty bắt đầu thu mua một cách điên cuồng lượng nguyên liệu còn lại.

Từ những nhà sản xuất nệm, xe hơi, tới giấy bạc đều tìm mọi cách mua nguyên liệu nhiều hơn những gì họ cần với tốc độ chóng mặt khiến cho nhu cầu hàng hóa bắt đầu hồi phục và làm tiêu biến đi sự lo lắng về khả năng cạn kiệt.

Cơn thu mua điên cuồng này đang dần đóng băng chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự thiếu hụt, thắt cổ chai trong vận chuyển và sự tăng giá đột biến đang đạt đến đỉnh điểm trong những năm gần đây, gây nhiều lo ngại rằng một nền kinh tế toàn cầu được thúc đẩy quá mức sẽ dẫn đến lạm phát.

Đồng, sắt và thép. Ngô, cà phê, bột mì và đậu nành. Gỗ, chất bán dẫn, nhựa và bìa cứng dùng trong đóng gói. Toàn thế giới đang thiếu hụt mọi thứ. “Bất kỳ thứ gì có thể nhắc tới đều đang thiếu hụt,” Tom Linebarger, chủ tịch và giám đốc của công ty sản xuất động cơ và máy phát Cummins đề cập trong một cuộc gọi trong tháng này.

Khách hàng của họ đang “cố gắng mua tất cả mọi thứ có thể vì họ thấy những mặt hàng này có nhu cầu cao”, theo như Jennifer Rumsey, đồng chủ tịch của công ty này cho biết. “Họ tin rằng tình hình này sẽ kéo dài tới tận năm sau”.

Cơn thiếu hụt mọi nguyên liệu năm 2021 khác với những cơn gián đoạn trong quá khứ ở mức độ trầm trọng của nó, và thực tế rằng cơn thiếu hụt này gần như không có một kết thúc trong tương lai gần có thể thấy được. Mọi doanh nghiệp lớn và nhỏ đều bị cuốn vào guồng quay này.

Công ty vận chuyển với lượng phương tiện lớn nhất châu Âu, Girteka Logistics, cho biết họ đang rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hiện tại. Công ty nước giải khát Monsters ở Corona, California đang thiếu hụt nguồn lon nhôm. Công ty công nghệ MOMAX của Hồng Kông đang hoãn quy trình sản xuất một sản phẩm mới vì sự khan hiếm chất bán dẫn.

Một chuỗi những tai nạn gần đây cũng đã làm rung chuyển nguồn hàng quốc tế và càng làm nghiêm trọng hơn tình hình hiện tại. Một vụ tai nạn kỳ quặc ở kênh đào Suez vào tháng 3 vừa qua làm tắc nghẽn quá trình vận chuyển hàng quốc tế. Hạn hán tàn phá cây trồng nông nghiệp.

Nền kinh tế thế giới dường như đang thiếu thốn mọi thứ - Ảnh 2.

Tàu cứu hộ nỗ lực giải cứu tàu chở hàng Ever Given mắc cạn tại Kênh đào Suez, Ai Cập, ngày 28/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Một đợt rét hại dẫn tới mất điện hàng loạt tại Texas và ngăn cản hoạt động sản xuất hóa dầu và năng lượng toàn trung Mỹ trong tháng 2. Và chỉ 2 tuần trước, một số hacker đã đánh sập đường dẫn dầu lớn nhất nước Mỹ, đẩy giá dầu lên 3 dollar một gallon, một con số kỷ lục kể từ 2014. Hiện tại, sự bùng phát COVID-19 ở Ấn Độ đang đe dọa những cảng hàng hải lớn nhất của quốc gia này.

Với những độc giả nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn định lại trong vài tháng tới, hãy cân nhắc tới Chỉ số quản lý hậu cần, một chỉ số kinh tế ít được nhắc tới (“Current index”).

Chỉ số này được xác định qua những khảo sát hàng tháng hướng tới những giám đốc của những công ty thuộc chuỗi cung ứng, hỏi về sự phán đoán của họ về tình hình lượng hàng tồn kho, vận chuyển và chi phí tồn kho - 3 yếu tố chính trong quản lý chuỗi cung ứng - hiện tại và trong 12 tháng tới.

Chỉ số này đang ở đỉnh điểm kể từ 2016, và chỉ số tiên đoán trong tương lai cho thấy có ít khả năng có sự cải thiện trong 1 năm kể từ hiện tại. Chỉ số này đã phán đoán chính xác một cách đáng bất ngờ trong quá khứ, với tỉ lệ chính xác thực tế tới 90%.

Đối với Zac Rogers, người biên dịch chỉ số báo cáo này tại Cao đẳng kinh doanh của Đại học bang Colorado, đây là sự chuyển đổi mô hình trên toàn cầu. Trong quá khứ, 3 khu vực này của chuỗi cung ứng được tối ưu hóa để hướng tới chi phí thấp và độ ổn định cao.

Ngày nay, với nhu cầu thương mại điện tử tăng vọt, những nhà kho chứa hàng đã di chuyển từ khu ngoại ô thành phố với chi phí thấp vào những nhà để xe trong thành phố hay những bách hóa có không gian lớn để thuận tiện hơn cho việc vận chuyển hàng nhanh chóng, với chi phí cao hơn khi chi trả cho mặt bằng, sức lao động và tiện ích.

Vốn được coi là gánh nặng trước đại dịch, những kho hàng lớn giờ đây được ưa thích hơn cả. Chi phí vận chuyển sẽ không giảm cho tới khi nhu cầu hàng hóa ổn định trở lại.

“Về cơ bản, mọi tín hiệu đang nói rằng sẽ rất khó để nguồn cung gặp được nhu cầu, và vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục thấy giá cả leo thang trong 12 tháng tới” Rogers cho biết.

Những số liệu thông dụng trên thị trường đang chỉ ra chi phí tăng cao của các hộ gia đình và các doanh nghiệp. Một chỉ số giá cả hàng tiêu dùng không bao gồm thực phẩm và nhiên liệu của Mỹ từ tháng 3 tới tháng 4 đã có bước nhảy lớn nhất kể từ 1982.

Về phía các nhà máy, chi phí đặt ra bởi những nhà sản xuất của Mỹ lớn gấp đôi so với dự đoán của những nhà kinh tế học. Các công ty buộc phải tăng giá thành sản phẩm tới người tiêu dùng để tránh bị thâm hụt lợi nhuận.

Một số nhà điều tra thị trường đã cảnh báo về cơn lạm phát leo thang. Sự lo ngại này đủ lớn để ảnh hưởng tới từng quốc gia, ngân hàng trung ương, nhà xưởng và siêu thị. Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang phải đối mặt với câu hỏi khi nào thì cơ quan này cần tăng lãi suất để giảm thiểu lạm phát, và những ảnh hưởng của nó tới kế hoạch chi tiêu của tổng thống Biden.

“Với những nhân tố này, chúng ta có một môi trường lý tưởng cho lạm phát trầm trọng xảy ra, với rất ít những kế hoạch đối phó” cho những cơ quan tiền tệ, David Landau, giám đốc sản xuất tại nhà cung cấp dịch vụ và phần mềm hậu cần BluJay Solutions của Anh cho biết.

Tuy nhiên, những nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một số lý do họ không nghĩ rằng áp lực lạm phát sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Thống đốc liên bang Lael Brainard đã phát biểu rằng các quan chức cần phải “bình tĩnh trong cơn giá thành tăng vọt tạm thời”. Khi được hỏi lý do cho sự bình tĩnh này, ông cho biết: Sự tăng vọt gần đây phần lớn là hậu quả của việc so sánh khập khiễng với sự xuống giá từ một năm trước, nhiều công ty tồn tại qua những cơn giá cả leo thang suốt nhiều năm sẽ tiếp tục thận trọng với tình hình hiện tại.

Bên cạnh đó, hoạt động bán lẻ tại Mỹ đã chậm lại trong tháng 4 sau sự gia tăng đột biến một tháng trước đó, và giá cả hàng hóa đã giảm dần kể từ mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Phần nào chịu ảnh hưởng từ tình hình này là Dennis Wolkin, sống trong một gia đình sở hữu doanh nghiệp sản xuất nệm cũi suốt 3 thế hệ. Phát triển kinh tế thường có ảnh hưởng tốt tới khả năng bán giường và đệm trẻ em.

Nhưng doanh nghiệp của anh không thể cung cấp cho nhu cầu tăng đột biến này khi không có một nguồn nguyên liệu tối quan trọng: đệm xốp. Một cơn sốt thu mua xung quanh nguyên liệu này bùng lên gần đây, một phần vì cơn đại hàn trong tháng 2, phần khác vì “các doanh nghiệp đều đang đặt mua nhiều hơn cần thiết và tích trữ nhiều nhất có thể”.

“Mọi thứ đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát, nhất là trong tháng vừa rồi” Wolkin, phó giám đốc điều hành của Colgate Mattress tại Atlanta, một công ty gồm 35 nhân viên cung cấp sản phẩm cho Target và những nhà bán lẻ khác, cho biết. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy trường hợp nào như thế này”.

Mặc dù giá thành của xốp polyurethane tăng 50% so với trước đại dịch, Wolkin sẵn sàng mua gấp đôi lượng xốp mà doanh nghiệp của anh cần và tìm mặt bằng để tích trữ thay vì từ chối đơn hàng mới. “Mọi doanh nghiệp như chúng tôi đều sẽ mua quá mức cần thiết”.

Ngay cả những công ty đa quốc gia với hệ thống quản lý nguồn hàng điện tử và nhiều nhóm giám sát nguồn hàng đều đang phải tìm cách xoay sở. Giám đốc Marc Bitzer của Whirlpool Corp cho biết trong tháng này nguồn cung ứng “bị lật ngược” và công ty này đang phải dần tăng giá thành sản phẩm.

Thông thường Whirlpool và những nhà sản xuất lớn sản xuất mặt hàng theo lượng đơn hàng nhận được và dự đoán trước lượng hàng bán được. Hiện tại, công ty đang sản xuất dựa theo danh sách bộ phận có sẵn.

“Cách hoạt động này hoàn toàn không hiệu quả hay bình thường, nhưng hiện tại chúng tôi buộc phải điều hành công ty theo cách này” Bitzer cho biết. “Tôi biết rằng đã có những dự đoán về sự phục hồi tạm thời, nhưng chúng tôi thấy tình hình này sẽ tiếp tục trong một thời gian dài.”

Sự căng thẳng này bắt nguồn từ sản lượng nguyên liệu thô và có thể nó sẽ còn kéo dài, vì khả năng sản xuất nhiều hơn những nguyên liệu khan hiếm là rất chậm và tốn kém, bất kể thông qua gia tăng đầu tư hay gia tăng lao động. Giá gỗ, đồng, sắt và thép đều tăng vọt trong những tháng vừa rồi khi nguồn cung bị thu nhỏ nhằm đạt được nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dầu thô cũng đang lên giá, cũng như giá của vật liệu công nghiệp như nhựa và cao su và hóa chất. Một số sự gia tăng giá thành nguyên liệu này đã bắt đầu ảnh hưởng tới giá sản phẩm tiêu dùng. Reynolds Consumer Products, nhà sản xuất giấy bạc nổi tiếng và túi rác Hefty đang có kế hoạch gia tăng giá thành sản phẩm lần thứ 3 trong năm 2021.

Giá thực phẩm cũng đang tăng cao. Giá của loại dầu ăn thông dụng nhất thế giới được sản xuất từ quả của cây cọ dầu đã tăng kỷ lục 135% so với năm trước. Đậu nành lần đầu tiên đạt mức 16 dollar một giạ kể từ 2012. Giá ngô tăng kỷ lục trong 8 năm gần đây và giá bột mì được dự đoán sẽ tăng cao nhất kể từ 2013.

Một thước đo giá thực phẩm toàn cầu của Liên hợp quốc tiếp tục tăng suốt 11 tháng cho tới tháng 4, và đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm. Giá thành sản phẩm tăng lâu nhất trong hơn một thập kỷ nay giữa nhiều lo ngại về khí hậu cũng như cơn mua tháo lương thực của Trung Quốc dẫn tới nguồn cung càng cạn kiệt, đe dọa tăng tốc lạm phát. Đầu tháng này, chỉ số giá cả hàng hóa của Bloomberg đã đạt đỉnh điểm kể từ 2011.

Một lý do của sự tăng giá cả này là từ nền kinh tế Mỹ hồi phục nhanh hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới. Bằng chứng là hàng loạt những tàu chở hàng đang đỗ ngoài khơi California chờ đợi tới lượt dỡ hàng tại các cảng từ Oakland tới Los Angeles.

Phần lớn hàng hóa này bắt nguồn từ Trung Quốc, với số liệu tuần trước của chính phủ Trung Quốc cho thấy giá cả từ nhà sản xuất tăng mạnh nhất kể từ 2017 vào tháng 4 vừa rồi, và đây là bằng chứng rằng áp lực giá cả đặt lên những nhà xưởng của quốc gia này sẽ đặt ra một nguy cơ khác nếu như áp lực này được áp đặt lên những nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngoài nước.

Tại Đông Á, thủ phủ sản xuất toàn cầu, sự thiếu hụt nguyên liệu càng nặng nề. Sự khan hiếm chất bán dẫn đã lan tỏa từ lĩnh vực sản xuất ô tô tới chuỗi sản xuất cung ứng điện thoại thông minh vốn vô cùng phức tạp của châu Á.

John Cheng điều hành một công ty sản xuất hàng hóa điện tử tiêu dùng như sạc điện thoại không dây, hay máy lọc khí. Theo Cheng, giám đốc của công ty MOMAX Hồng Kông (Trung Quốc) với 2/3 trong số 300 nhân viên làm việc tại một nhà máy tại Thâm Quyến cho biết, sự tắc nghẽn nguồn cung ứng đã ngăn cản những nỗ lực phát triển một sản phẩm mới của công ty này.

Ví dụ như quá trình sản xuất một bộ sạc sử dụng cho các sản phẩm của Apple như iPhone, AirPod, iPad và Apple Watch đã bị hoãn lại vì sự thiếu hụt nguồn cung cấp chip điện tử.

Nền kinh tế thế giới dường như đang thiếu thốn mọi thứ - Ảnh 3.

Sự thiếu hụt nguồn cung cấp chip điện tử đã ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, trong đó có Apple. (Ảnh minh họa: Apple).

Vincent Tsui của nhóm nghiên cứu Gavekal cho biết: thay vì là một sự gián đoạn ngắn, sự thiếu hụt chất bán dẫn đang đe dọa chính ngành điện tử và có thể sẽ bắt đầu bóp nghẽn nền kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ của châu Á. Đây “không phải là kết quả của một số lỗi hệ thống nhỏ”, Tsui cho biết trong một báo cáo. “Sự thiếu hụt này có tính cấu trúc, và có ảnh hưởng tới nhiều nền công nghiệp khác nhau chứ không chỉ tới ngành sản xuất ô tô”.

Một dấu hiệu cho biết mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt chip điện tử: Hàn Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch đầu tư khoảng 450 tỷ dollar vào xây dựng cơ sở sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.

Trong khi đó, hoạt động hết công suất để vận chuyển giữa nhà xưởng và người tiêu dùng là những tàu thủy, tàu hỏa và xe tải chở hàng vận chuyển bộ phận trong dây chuyền sản xuất, và sản phẩm tới thị trường tiêu dùng.

Tàu thủy chở hàng đang hoạt động hết công suất, thúc đẩy lượng hàng vận chuyển qua đường thủy đạt mức kỷ lục và gây tắc nghẽn tại các cảng trên toàn thế giới. Một ví dụ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là đơn vận chuyển của Columbia Sportswear đã bị hoãn tới 3 tuần và công ty bán lẻ này đã tính trước rằng chuỗi sản phẩm mùa thu của họ cũng sẽ bị chậm giao.

Những thành viên điều hành của A.P. Moller-Maersk A/S, công ty vận chuyển container lớn nhất thế giới, cho biết họ chỉ có thể thấy được sự ổn định nhẹ trong lượng hàng vận chuyển đường thủy trong phần còn lại của năm.

Ngay cả vậy, họ không tin rằng sẽ trở lại được mức giá dịch vụ vận chuyển đường thủy siêu rẻ trong thập kỷ vừa rồi. Công suất vận chuyển hàng sẽ được gia tăng với nhiều tàu vận chuyển đang được xây dựng, nhưng quá trình này phải mất từ 2 tới 3 năm.

Nhà kinh tế thương mại của HSBC, Shanella Rajanayagam ước tính rằng sự tăng vọt trong lượng container vận chuyển trong năm vừa rồi có thể tăng giá thành từ nhà sản xuất trong khu vực sử dụng đồng tiền Euro tới 2%.

Giá thành vận chuyển qua đường sắt và xe tải cũng tăng cao. Chỉ số vận chuyển hàng hóa Cass nhằm đo mức chi phí vận chuyển đạt kỷ lục trong tháng 4 vừa rồi - lần thứ 4 phá kỷ lục trong 5 tháng. Tỷ giá tức thời cho dịch vụ vận chuyển xe tải được dự đoán sẽ tăng 70% trong quý 2 so với năm trước đó, và sẽ tăng 30% trong năm nay so với 2020, theo như báo cáo 10/5 của Todd Fowler, một nhà phân tích của KeyBanc Capital Markets.

“Chúng tôi tin rằng giá cả sẽ tiếp tục cao với lượng hàng khan hiếm, nhu cầu theo mùa tăng cao, và hoạt động kinh tế được cải thiện, tất cả đều bị giới hạn bởi hạn chế trong sản xuất xe tải và khó khăn trong việc tìm tài xế” Fowler cho biết.

“Phần lớn phương pháp vận chuyển hàng đều có ảnh hưởng tới giá cả của mặt hàng vận chuyển. Sự mất cân bằng cung-cầu sẽ khiến cho giá thành tăng cao, nhưng sẽ dần ổn định trở lại khỏi mức độ không bền vững hiện tại khi chuỗi cung ứng bắt đầu cải thiện. Những tỷ giá leo thang này đang đặt áp lực lên mạng lưới kinh tế, gây tắc cổ chai đối với chuỗi cung ứng và hạn chế hàng hóa được gửi tới các nhà cung cấp”.

Với công ty gói hàng DS Smith Plc tại London, khó khăn đến từ nhiều phía khác nhau. Khi đại dịch bùng phát, khách hàng bắt đầu mua hàng online hàng loạt, tăng mạnh nhu cầu đối với hộp ePack và những nguyên liệu gói hàng khác lên mức 700%. Ngay sau đó, họ phải trả gấp đôi chi phí cung cấp lên mức 200 euro mỗi tấn để mua sợi tái chế sử dụng trong sản xuất những sản phẩm của họ.

Miles Robert, giám đốc của công ty này đã phát biểu, “đây là một lượng chi phí rất đáng kể cho một công ty mua tới 5 triệu tấn sợi tái chế mỗi năm. Anh không nghĩ rằng việc mua hàng online bắt nguồn từ lệnh đóng cửa là một xu hướng ngắn hạn. “Thương mại điện tử phát triển rất mạnh và điều đó sẽ không thay đổi trong tương lai gần”.

Tại Colgate Mattress, Wolkin từng có thể đặt hàng mua xốp vào thứ 4 và nhận hàng vào thứ 5. Những ngày gần đây, nhà cung cấp không thể đưa cho anh một con số chính xác. Một điều rõ ràng không thể chối cãi là anh không thể tiếp tục duy trì mức chi phí cao mà vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm. “Đây là một vấn đề dài hạn” Wolkin cho biết. “Lạm phát sắp xảy ra, và đến một lúc nào đó, chi phí này sẽ phản ánh trong giá thành sản phẩm”.

Nguyễn Quang Minh