|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đốt tiền cho hàng không thời đại dịch: Con đường biến các tỉ phú thành triệu phú

13:41 | 16/07/2020
Chia sẻ
Nhằm cứu nguy cho Virgin Atlantic, tỉ phú Richard Branson đã phải dốc ra hàng trăm triệu USD từ hầu bao của chính mình. Vốn hóa thị trường của rất nhiều hãng hàng không cũng đã lao dốc trong khủng hoảng COVID-19.
Con đường biến tỉ phú thành triệu phú: đầu tư vào hàng không - Ảnh 1.

Tỉ phú Richard Branson. Ảnh: Getty Images

Theo Bloomberg, tỉ phú Richard Branson đã phải bỏ ra 200 triệu bảng Anh (250 triệu USD) tiền túi để giải cứu hãng hàng không Virgin Atlantic Airways do ông sáng lập. 

Diễn biến này đánh dấu ví dụ mới nhất về "năng lực" đánh chìm các núi tiền khổng lồ của ngành hàng không, đúng như lời ông Branson từng nhận xét: "Nếu bạn muốn trở thành triệu phú, trước hết hãy kiếm 1 tỉ USD rồi mở một hãng hàng không mới".

Ngành hàng không từ lâu đã có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với giới tài phiệt khắp thế giới. Từ ông Tony Fernandes, CEO của AirAsia cho đến ông David Neeleman, nhà sáng lập JetBlue Airways, một vài doanh nhân nổi tiếng nhất thế giới đã xây dựng được gia tài khổng lồ nhờ vào việc đưa hành khách bay lên bầu trời.

Tuy nhiên, với số chuyến bay thưa thớt trong bối cảnh nhiều nước tiến hành phong tỏa, COVID-19 đã giáng đòn nặng nề lên các hãng hàng không. Đến tháng 4, số chuyến bay đã giảm đến 98% so với năm ngoái. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), hàng không toàn cầu sẽ lỗ 84 tỉ USD trong năm 2020. 

Vốn hóa thị trường của 10 công ty đại chúng lớn nhất có liên quan tới những nhà tài phiệt có tên trong Chỉ số Tỉ phú Bloomberg đã lao dốc tới 14 tỉ USD kể từ đầu năm tới nay.

Con đường biến tỉ phú thành triệu phú: đầu tư vào hàng không - Ảnh 2.

Rất nhiều tên tuổi lớn đã trở thành nạn nhân của khủng hoảng COVID-19. Trong cuộc họp cổ đông Berkshire Hathaway ngày 2/5, Warren Buffett tiết lộ đã bán sạch cổ phần của 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ, thừa nhận đã sai lầm khi đầu tư.

Warren Buffett cũng chỉ ra "cách" một người bình thường trở thành triệu phú tương tự như Richard Branson: Hãy trở thành tỉ phú sau đó mua cổ phiếu hàng không.

Đốt tiền cho hàng không thời đại dịch: Con đường biến các tỉ phú thành triệu phú - Ảnh 3.

Đồ họa: Alex Chu.

Latam Airlines Group – hãng bay lớn nhất của Mỹ Latinh phải nộp đơn xin phá sản vào tháng 5. Tháng 3/2020, ông Neeleman, nhà sáng lập JetBlue và WestJet Airlines buộc phải bán bớt hơn 80% cổ phiếu ưu đãi tại hãng hàng không Azul SA của Brazil để chi trả khoản vay cá nhân trị giá 30 triệu USD.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng làm lộ rõ những vấn đề về cấu trúc hoặc căng thẳng trong nội bộ công ty.

Khối nợ khổng lồ buộc hãng hàng không giá rẻ Norwegian Air Shuttle phải tái cấu trúc. Nhà đồng sáng lập của Norwegian, ông Bjorn Kos là một cựu phi công chiến đấu đã từng thách thức những gã khổng lồ như British Airways trên các tuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Hãng hàng không này cảnh báo nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục huy động vốn để duy trì hoạt động.

Hãng bay giá rẻ EasyJet của châu Âu đã phải trải qua xung đột nội bộ. Nhà sáng lập kiêm cổ đông lớn của EasyJet, ông Stelios Haji-Ioannou đã cố gắng sa thải ban lãnh đạo và ngăn chặn công ty mua thêm máy bay Airbus. Tuy nhiên, nỗ lực của ông đã không thành công.

Xung đột trong nội bộ lại mang đến tiền tài cho gia tộc họ Cho của Hàn Quốc. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty Hanjin Kal giữa Tổng giám đốc Cho Won-tae và chị gái đã đẩy giá cổ phiếu tăng 143% trong năm 2020. Trong khi đó, cổ phiếu hai hãng hàng không thuộc sở hữu của Hanjin Kal là Korean Air Lines và Jin Air lại sụt giá.

Có thể ngành hàng không sẽ phục hồi đủ nhanh để vớt vát được một số tổn thất. Đã có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu đi lại đã tăng lên, làm dấy lên hi vọng rằng sức ép lên các hãng hàng không sẽ giảm bớt.  

Nhưng ngày mà các hãng hàng không kinh doanh bình thường trở lại vẫn còn xa. Delta Air Lines đã xóa sổ kế hoạch khôi phục một số dịch vụ trở lại sau khi làn sóng COVID-19 mới ở Mỹ cuốn phăng sự phục hồi yếu ớt của nhu cầu đi lại.

Virgin Atlantic thừa nhận kể cả khi tái cấu trúc, công ty sẽ chỉ kiếm được lợi nhuận từ năm 2022 trở đi.

Giang