|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kinh doanh hàng không: Khó không tưởng!

13:30 | 27/06/2018
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng như thế giới đã và đang chật vật với bài toán doanh thu - lợi nhuận. Nhiều hãng sập tiệm, phá sản. Trên quan điểm đầu tư, Warren Buffett cũng từng nhiều lần gọi cổ phiếu hàng không là "cái bẫy chết người". Vì sao lại có hiện tượng này?
kinh doanh hang khong kho khong tuong Thêm cơ hội đầu tư cổ phiếu dịch vụ hàng không
kinh doanh hang khong kho khong tuong Warren Buffett có thể mua một hãng hàng không

Ngành vận tải hàng không Việt Nam hiện nay có 4 thành viên, trong đó hai ông lớn là Vietnam Airlines và Vietjet Air chi phối tới hơn 80% thị phần, còn lại của hai hãng Jetstar Pacific và VASCO.

Trong quá khứ từng có một số hãng hàng không được thành lập nhưng "chết yểu" sau thời gian ngắn hoạt động, thậm chí khi chưa kịp hoạt động. Có thể kể đến những cái tên như:

Indochina Airlines (với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Hàng không Tăng Tốc của nhạc sỹ Hà Hùng Dũng là Chủ tịch) bay chuyến đầu tiên ngày 25/11/2008. Chỉ một năm sau, hãng gặp khó khăn trầm trọng chủ yếu do suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu dùng vào một mặt hàng xa xỉ như đi máy bay. Năm 2011, Indochina Airline nợ chi phí mua nhiên liệu, lương nhân viên và biến mất khỏi bản đồ bay Việt Nam.

Trai Thien Air Cargo được cấp phép hoạt động tháng 10/2009 nhưng sau đó không công bố kế hoạch sắm tàu bay hay lên lịch bay. Đến tháng 12/2011, hãng bị rút giấy phép.

Blue Sky Air được cấp phép bay vào tháng 8/2010 nhưng sau đó hãng không có hoạt động gì và không còn được nhắc tới.

Air Mekong được cấp phép kinh doanh vận tải hàng không ngày 30/10/2008 và khai trương chuyến bay đầu tiên ngày 9/10/2010. Như điềm gở báo trước con đường làm ăn của hãng, chuyến bay đầu tiên này gặp trục trặc kỹ thuật, buộc phải quay lại điểm xuất phát. Cuối năm 2013, Air Mekong ngừng bay vì thua lỗ và đến đầu năm 2015 bị thu hồi giấy phép do không thể tái cơ cấu.

kinh doanh hang khong kho khong tuong
Thị phần nội địa các hãng hàng không cuối năm 2017. Nguồn: CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Thua lỗ và phá sản đã trở thành tình trạng chung của rất nhiều các hãng hàng không trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Warren Buffett ước tính trong thế kỷ 20 có tới gần 100 vụ phá sản trong ngành hàng không của Mỹ.

Vì đâu mà các hãng hàng không thường làm ăn chật vật thậm chí sập tiệm?

Thua lỗ nhưng vẫn “cố đấm ăn xôi”

Nhiều hãng hàng không thua lỗ nhưng vẫn gắng gượng hoạt động, rốt cuộc chỉ làm cho “nỗi đau thêm dài”, gia tăng cạnh tranh và kéo tụt lợi nhuận toàn ngành.

Việc thành lập một hãng hàng không đòi hỏi nguồn lực rất lớn cả về tài chính, công sức, thời gian… Nhiều khi mất cả năm trời chuẩn bị mà chưa xin được giấy phép hoạt động.

Cổ đông sáng lập các hãng hàng không thường tiếc công sức đã bỏ ra mà cố tìm cách duy trì hoạt động, chờ ngày có lãi. Đây chính là sai lầm “chi phí chìm” (sunk cost fallacy) trong kinh tế học.

Thêm vào đó, các hãng hàng không thường có quy mô rất lớn so với các doanh nghiệp khác, là bộ mặt của quốc gia (nếu là hãng hàng không quốc gia) hoặc các tập đoàn lớn (nếu là hãng tư nhân). Do đó, các cổ đông không dễ gì để cho một hãng hàng không phá sản vì sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu.

Như trường hợp của Air Berlin – hãng hàng không lớn thứ 2 nước Đức, thua lỗ chồng chất nhiều năm liền lên tới 1,2 tỷ euro nhưng cổ đông lớn là Etihad Airways (nắm 29% vốn) vẫn liên tục bơm thêm tiền cho hãng hoạt động, riêng tháng 4/2017 đã cấp tới 250 triệu euro. Đến tháng 8/2017 Air Berlin mới nộp đơn phá sản.

kinh doanh hang khong kho khong tuong

Chi phí vận hành quá cao

Chi phí cố định của các hãng hàng không bao gồm tiền thuê, mua máy bay, tiền trả lãi vay, chi phí nhân công hàng nghìn người… đây là những chi phí rất lớn mà các hãng luôn phải trả đủ bất kể tình hình làm ăn có thuận lợi hay không.

Ngoài ra, giá nhiên liệu (ở Việt Nam là xăng Jet-A1) diễn biến thất thường cũng là một rủi ro rất lớn. Nhìn chung các hãng hàng không giá rẻ sẽ chịu tác động từ sự tăng giá nhiên liệu lớn hơn so với các hãng hàng không truyền thống do tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên tổng chi phí hoạt động lớn hơn (của Vietjet Air là 42%, của Vietnam Airlines là 26%).

kinh doanh hang khong kho khong tuong
Biến động ngược chiều của giá nhiên liệu và biên lợi nhuận ngành hàng không. Nguồn: BVSC.

Bên cạnh đó, các chi phí an ninh tăng đột biến sau các nhiều vụ khủng bố cũng khiến cho các hãng hàng không phải rất chật vật mới có thể hòa vốn rồi có lãi.

Chịu tác động mạnh bởi các yếu tố bên ngoài

Ngành vận tải hàng không rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ các sự kiện như khủng bố, thiên tai, dịch bệnh và bất ổn chính trị do nhu cầu khách hàng sụt giảm và hoạt động bị xáo trộn.

Chẳng hạn sau vụ khủng bố 11/9, ngành hàng không Mỹ, dù được chính phủ trợ cấp lớn nhưng vẫn thiệt hại hơn 7,7 tỷ USD do nhu cầu đi máy bay tụt dốc không phanh. Hay tháng 4/2010, ước tính các hãng hàng không thiệt hại tổng cộng hơn 2 tỷ USD khi không phận châu Âu đóng cửa do bụi núi lửa từ Iceland lan rộng.

Còn việc chuyến bay bị hoãn, hủy, bay lòng vòng làm tiêu tốn nhiên liệu... vì thời tiết xấu thì bình thường như cơm bữa.

kinh doanh hang khong kho khong tuong

Nhiều tiếng xấu đồn xa

Di chuyển bằng đường hàng không nhìn chung không phải là một trải nghiệm tuyệt vời đối với hành khách. Xếp hàng dài ở cửa check-in, chuyến bay liên tục bị “delay”, nhiều vật dụng không được mang theo, chỗ ngồi chật hẹp, chất lượng dịch vụ kém... tất cả thực tế bất lợi này đã khiến cho các hãng hàng không rất khó định giá cao hơn cho sản phẩm dịch vụ do mình cung cấp.

Warren Buffett và cổ phiếu hàng không

Vì những điểm yếu chí tử kể trên, trong suốt nhiều thập kỷ, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett luôn xa lánh các cổ phiếu hàng không, gọi các cổ phiếu này là “cái bẫy chết người của nhà đầu tư”. Ông thậm chí còn buông lời bông đùa ác ý với nhóm cổ phiếu này như: “Làm thế nào để trở thành triệu phú? Hãy trở thành tỷ phú sau đó mua cổ phiếu hàng không”.

kinh doanh hang khong kho khong tuong
Minh họa: Chu Toàn.

Một lần khác ông nói: “Ngành hàng không từ khi được anh em nhà Wright thành lập đến nay không hề có lợi thế cạnh tranh dài hạn" và "Đầu tư vào các hãng hàng không đúng là thảm họa".

Tuy nhiên cuối năm 2016, Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã quyết định đầu tư hàng tỷ USD vào 4 công ty hàng không lớn nhất nước Mỹ là American Airlines Group, United Continental Holdings, Delta Airlines và Southwest Airlines, đi ngược lại hoàn toàn phân tích của ông nhiều năm nay.

Về động thái này của Berkshire Hathaway, các nhà đầu tư đưa ra nhiều lý giải khác nhau. Trong đó một giả thuyết hợp lý là có lẽ Warren Buffett không trực tiếp đưa ra các quyết định đầu tư này!

Nhà tiên tri xứ Omaha đã gần 90 tuổi và nhiều quyết định đầu tư của Berkshire Hathaway là do những người kế nhiệm ông đưa ra. Suy luận này càng được củng cố khi trong đại hội cổ đông của Berkshire Hathaway năm 2017, Warren Buffett không đưa ra một lý do thực sự thuyết phục về quyết định đầu tư này, chỉ nói chung chung rằng số lượng hành khách sẽ tăng lên do quá trình toàn cầu hóa.

kinh doanh hang khong kho khong tuong
Diễn biến giá cổ phiếu 4 hãng hàng không lớn tại Mỹ từ đầu năm 2018 đến ngày 22/6. Nguồn: Yahoo Finance.

Năm 2018, những cổ phiếu hàng không mà Berkshire lựa chọn nhìn chung biến động tiêu cực khi có tới 3 trong tổng số 4 mã giảm giá, mã còn tăng 8%.

Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng Warren Buffett thực sự đã thay đổi quan điểm đầu tư đối với cổ phiếu hàng không. Nhưng cũng cần chỉ ra rằng đây là 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ, chiếm tổng cộng hơn 80% thị phần. Cổ phiếu của các hãng hàng không nhỏ, mới thành lập vẫn bị Buffett cho là quá rủi ro.

Xem thêm

Kiên Dương