|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đồng yen mạnh nhất trong hơn một năm khi thị trường nâng triển vọng Fed hạ lãi suất 50 bps

17:22 | 16/09/2024
Chia sẻ
Tỷ giá USD/JPY đã phá vỡ ngưỡng 140, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Đồng yen mạnh lên so với USD trong bối cảnh thị trường nâng kỳ vọng Fed hạ lãi suất 50 bps trong cuộc họp tháng 9 lên khoảng 60%.

Theo Bloomberg, đồng yen (JPY) có thời điểm tăng 0,6% so với USD lên 139,96 JPY đổi 1 USD, mức mạnh nhất kể từ tháng 7/2023. Trong các đồng tiền của nhóm G10, đồng yen ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong quý III - khoảng 15% - trong bối cảnh các nhà đầu tư kỳ vọng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản được thu hẹp. 

Cập nhật đến 17h tại ngân hàng Vietcombank, yen Nhật đã tăng 1,54 đồng hay 0,85% ở chiều bán so với cuối tuần trước, lên 180,32 VND đổi 1 JPY. 

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp ngày 17 - 18/9. Câu hỏi duy nhất là Fed sẽ giảm 25 hay 50 điểm cơ bản (bps). Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được kỳ vọng sẽ giữa nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 19/9, sau khi đã nâng lãi suất hai lần trong năm nay. 

Việc thị trường điều chỉnh dự báo về quy mô hạ lãi suất của Fed trong những ngày gần đây đã khiến thị chỉ số USD (DXY) giảm xuống còn 100,62, quanh vùng thấp nhất kể từ tháng 8/2023. 

Theo công cụ FedWatch của CME Group, tính đến sáng ngày 16/9 (giờ Mỹ), thị trường tương lai đang đặt cược khả năng Fed hạ lãi suất 50 bps với xác suất 59%. Trước đó chỉ một tuần, kỳ vọng cho kịch bản này chỉ ở mức 30%. 

Dự báo về quy mô hạ lãi suất của Fed đã tăng vọt vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến thị trường tương lai thay đổi kỳ vọng vẫn chưa rõ ràng. Việc Fed hạ lãi suất nhiều hơn hơn có thể khiến chênh lệch lãi suất giữa hai nền kinh tế thu hẹp, từ đó giúp yen Nhật mạnh lên. 

 

Ông Gareth Berry, chiến lược gia tại Macquarie Group, nhận định yen Nhật đi lên “chủ yếu là do sắp đến thời điểm Fed đảo chiều chính sách và khả năng ngân hàng trung ương này giảm 50 bps, thay vì 25 bps”

“Chỉ riêng việc thời gian trôi đi cũng đã đủ để đẩy tỷ giá USD/JPY xuống thấp hơn, ngay cả khi kỳ vọng về quy mô nới lỏng của Fed không đổi”, ông nói.

Trước đó, vào ngày 3/7, tỷ giá USD/JPY từng đạt 161,95 - cao nhất kể từ năm 1986 (đồng yen yếu nhất trong 38 năm). Sau khi Nhật Bản nhiều lần can thiệp, đồng yen đã chuyển sang xu hướng tăng, khiến triển vọng của các nhà xuất khẩu và thị trường chứng khoán đi xuống. 

Mặc dù BoJ có thể sẽ không thay đổi lãi suất trong tuần này, phần lớn các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát đều dự báo một đợt tăng khác vào tháng 12. Việc BoJ nâng lãi suất chính sách lên 0,25% vào ngày 31/7 đã góp phần gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường toàn cầu hồi đầu tháng 8.

Đầu tháng 9, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda khẳng định sẽ nâng lãi suất nếu giá cả tăng phù hợp với dự báo. Sau đó vào ngày 11/9, thành viên hội đồng chính sách Junko Nakagawa cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách trong tương lai, miễn là nền kinh tế diễn biến đúng kỳ vọng. 

Ngoài sự xoay trục chính sách của BoJ, việc chiến lược carry trade đi đến hồi kết cũng đã góp phần vào đà tăng giá của yen Nhật. Carry trade là chiến lược giao dịch trong đó nhà đầu tư đi vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp và tái đầu tư vào tài sản của một quốc gia khác có tỷ suất sinh lời cao hơn, ví dụ như trái phiếu, cổ phiếu hoặc hàng hóa. 

Ông Richard Franulovich, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ tại Westpac Banking, đánh giá rằng tỷ giá USD/JPY có thể chạm đến mức bền vững khoảng 137 - 138 trong một đến ba tháng tới. 

Minh Quang