|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bước tiếp theo của Fed

10:14 | 16/09/2024
Chia sẻ
Trước thềm cuộc chính sách tuần này, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến gần hơn tới mục tiêu lạm phát của mình, nhưng họ sẽ hạ lãi suất bao nhiêu vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Dữ liệu lạm phát tuần trước cho thấy áp lực giá đã giảm đáng kể kể từ khi tăng vọt vào năm 2021 - 2022. Một thước đo về giá tiêu dùng đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Chỉ số về giá sản xuất cho thấy giá bán buôn vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Cả hai số liệu mới chắc chắn đủ sức để mở đường cho Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 17 - 18/9. Ở cuộc họp đó, ngoài đưa ra quyết định về lãi suất, Fed còn công bố các dự báo cập nhật khác.

“Chúng ta vừa có thêm hai tháng dữ liệu lạm phát tích cực kể từ cuộc họp chính sách trước. Đó là những gì Fed cần”, bà Claudia Sahm, nhà kinh tế trưởng của New Century Advisors, chia sẻ với CNBC.

Tuy nhiên, câu hỏi của các nhà đầu tư bây giờ là Fed sẽ hành động quyết liệt đến đâu. Thị trường tài chính nhìn chung không cung cấp manh mối đáng chú ý nào.

Trong phần lớn tuần trước, các nhà giao dịch đều nghiêng về khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps), theo CME Group.

Tuy nhiên, các dự đoán thay đổi vào ngày 13/9 khi các nhà giao dịch đặt cược gần bằng nhau cho hai khả năng giảm 25 bps và 50 bps.

Sahm, mẹ đẻ của chỉ báo suy thoái Quy tắc Sahm, là một trong những người ủng hộ Fed nên mạnh tay hạ lãi suất 50 bps để bảo vệ thị trường lao động.

“Ngân hàng trung ương đã giữ lãi suất trên mức 5% trong hơn một năm để chống lạm phát. Họ đã chiến thắng. Bây giờ, các quan chức cần phải tìm đường lui”, bà Sahm bày tỏ.

“Kể từ tháng 7, thị trường lao động đã yếu đi. Vì vậy, Fed cần phải điều chỉnh chính sách. Chúng ta đã có thêm một vài dữ kiện. Fed cần phải hành động, giảm lãi suất 50 bps và sẵn sàng nới lỏng chính sách hơn nữa”, bà nói.

Số việc làm mới mà nền kinh tế tạo ra trong vài tháng qua đã giảm đáng kể.

Niềm tin về lạm phát

Các báo cáo giá cho thấy cuộc chiến đưa lạm phát trở lại mức 2% vẫn chưa kết thúc, nhưng ít nhất mọi thứ đang đi đúng hướng.

Vào tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước và đi lên 2,5% so với cùng kỳ. Không tính chi phí thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 3,2% so với cùng kỳ, vẫn cách xa mục tiêu của Fed.

Mặc dù áp lực giá vẫn duy trì, các cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin rằng lạm phát đã được kiềm chế. Những người được Đại học Michigan phỏng vấn vào tháng 9 dự kiến lạm phát sẽ giảm còn 2,7% trong 12 tháng tới, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Xét đến tất cả các động lực lạm phát khác nhau, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát biểu vào cuối tháng 8 rằng ông “ngày càng tự tin” là lạm phát đang có xu hướng trở lại mức 2%.

Như vậy, mối bận tâm của Fed giờ đây sẽ tập trung vào thị trường việc làm. Trong cùng bài phát biểu tại hội nghị Jackson Hole ở Wyoming, ông Powell cho biết Fed “không tìm kiếm hay chào đón việc thị trường lao động yếu đi hơn nữa”.

“Nếu ông Powell muốn thực hiện lời tuyên bố của mình thì Fed nên thực sự hành động, vì xu hướng suy yếu đó đã xuất hiện”, nhà kinh tế Sahm lưu ý.

“Nếu xu hướng đó không tạm ngừng lại thì chúng ta sẽ tiếp tục thấy số liệu việc làm đi xuống và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên”, bà cảnh báo.

Lạm phát đang dần quay về mức mục tiêu 2% của Fed.

Kịch bản giảm 25 bps

ràng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Fed nên hạ lãi suất 25 bps tại cuộc họp tuần này. Nhiều chuyên gia nhận định Fed vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết lạm phát và không nên quá lo lắng về thị trường lao động hay sự suy yếu của nền kinh tế nói chung.

“Đó là chìa khoá mà các quan chức cần phải tập trung vào. Họ đang bình thường hoá chính sách chứ không phải cố gắng cung cấp hỗ trợ cho một nền kinh tế đang gặp khó khăn”, ông Tom Simons, nhà kinh tế tại Jefferies, cho hay.

Vị chuyên gia đánh giá ngân hàng trung ương Mỹ “đã làm rất tốt trong việc thể hiện quan điểm đó cho đến nay”. Theo ông Simons, ngay cả khi chỉ giảm 25 bps, Fed vẫn còn nhiều dư địa để hành động về sau.

“Lý do khiến Fed thận trọng như vậy là vì họ lo ngại lạm phát sẽ trở lại. Bây giờ, họ đã tự tin hơn về mặt lạm phát. Nhưng họ cần phải rất cẩn thận theo dõi các động lực có khả năng thay đổi”, ông nói thêm.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ông Phan Đức Hiếu: Sẽ có nhiều quyết sách lớn về kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khoá XV kỳ vọng từ nay đến cuối năm, các quyết sách lớn về kinh tế xã hội, các dự án đầu tư lớn và công cuộc về xây dựng, cải cách thể chế sẽ được khai thông, bứt phá.