Nhà kinh tế đoạt giải Nobel: Fed cần giảm lãi suất 50 bps, mặc kệ dữ liệu việc làm ra sao
Nhà kinh tế nổi tiếng Joseph Stiglitz cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp sắp tới.
Trao đổi với hãng tin CNBC, vị chuyên gia nhấn mạnh ngân hàng trung ương Mỹ đã “đi quá xa và quá nhanh” khi thắt chặt chính sách tiền tệ và khiến vấn đề lạm phát trở nên tồi tệ hơn.
Nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2001 đưa ra bình luận trên trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 8, một dữ kiện quan trọng mà các nhà đầu tư theo dõi sát sao để tìm kiếm manh mối về quy mô cắt giảm lãi suất của Fed.
Theo báo cáo, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 142.000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn dự báo 161.000 của các chuyên gia. Ngoài ra, mức tăng việc làm của hai tháng trước đó được điều chỉnh giảm tổng cộng 86.000.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã tụt xuống còn 4,2% đúng như dự báo, nhờ lực lượng lao động mở rộng thêm 120.000 người.
“Tôi chỉ trích Fed vì họ đã đi quá xa, quá nhanh”, ông Stiglitz chia sẻ với CNBC tại Diễn đàn Ambrosetti vào ngày 6/9.
Ông cho biết các nhà hoạch định chính sách cần phải bình thường hoá lãi suất, đồng thời nói thêm rằng Fed đã sai lầm khi giữ lãi suất gần mức 0 trong một thời gian dài kể từ năm 2008.
“Nhưng sau đó, Fed mạnh tay đến mức lãi suất tăng cao như hiện nay. Tôi nghĩ cách làm của Fed khiến nền kinh tế gặp rủi ro chứ không mang lại lợi ích gì, thậm chí có thể khiến lạm phát trở nên tồi tệ hơn...
...thật trớ trêu, nếu quan sát kỹ hơn vào các nguyên nhân gây ra lạm phát, bạn sẽ phát hiện nhà ở là một động lực lớn”, ông Stiglitz nhấn mạnh.
Vị chuyên gia lưu ý rằng tăng lãi suất không giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở. “Bạn có nghĩ tăng lãi suất sẽ khiến các công ty địa ốc khó xây thêm nhà ở, chủ nhà khó mua thêm nhà hay không...?”, ông đặt câu hỏi.
“Vì vậy, tôi tin rằng Fed đã góp phần gây ra vấn đề lạm phát... Khi nhìn vào những điểm yếu trong nền kinh tế, tôi nghĩ chúng ta nên hạ lãi suất”, nhà kinh tế kỳ cựu khuyến nghị.
Nếu là một quan chức Fed, Stiglitz cho biết ông sẽ bỏ phiếu hạ lãi suất mạnh tay tại cuộc họp ngày 17 - 18/9. Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ giảm 50 bps bất luận dữ liệu việc làm tháng 8, nhà kinh tế đoạt giải Nobel đáp: “Đúng”.
Lãi suất quỹ liên bang đang nằm trong phạm vi mục tiêu 5,25 - 5,5%. Đây là mức lãi suất cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua.
Các chiến lược gia nhận định khả năng cao là Fed sẽ hạ 25 bps tại cuộc họp vào giữa tháng, mặc dù các ván cược cho mức giảm 50 bps đã tăng lên trong những ngày gần đây.
Bên cạnh ông Stiglitz, một số chuyên gia khác như ông Michael Feroli - nhà kinh tế trưởng của JPMorgan Chase tại thị trường Mỹ - cũng kêu gọi Fed giảm lãi suất mạnh tay.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng ủng hộ việc hạ lãi suất với quy mô lớn.
Ông George Lagarias, nhà kinh tế trưởng của Forvis Mazars, cho biết mặc dù không ai dám chắc về quy mô hạ lãi suất sắp tới của Fed, ông “kiên quyết” ủng hộ việc giảm 25 bps.
“Tôi không nghĩ ngân hàng trung ương Mỹ phải gấp rút hạ lãi suất 50 bps”, ông Lagarias nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với CNBC. “Hạ lãi suất 50 bps có thể gửi đi một thông điệp sai lầm đến thị trường và nền kinh tế”.
“Vì vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu Fed hành động như vậy mà không có lý do cụ thể. Trừ khi có một sự kiện nào đó, một điều gì đó gây rắc rối cho thị trường, còn không thì chẳng có lý do gì để Fed lo sợ”, ông tiếp lời.
“Chắc chắn nền kinh tế đang chững lại, không còn nghi ngờ gì nữa. Song, tôi nghĩ chúng ta còn lâu mới suy thoái. Tôi hiểu là thị trường việc làm đang suy yếu, một phần do nguồn cung lao động tăng chứ không phải do nhu cầu giảm”, ông nói.
Các quan chức Fed nói gì?
Hôm 6/9, các quan chức Fed đã phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp sắp tới. Một số lưu ý thị trường lao động đã bắt đầu suy yếu và có thể xấu đi hơn nữa nếu chính sách tiền tệ không thay đổi.
Phát biểu tại một sự kiện của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho hay: “Giờ đây, việc nới lỏng chính sách bằng cách hạ phạm vi mục tiêu của lãi suất là phù hợp”.
Theo Reuters, ở sự kiện khác của Đại học Notre Dame, Thống đốc Fed Christopher Waller còn mạnh bạo hơn. Ông cho biết mình có thể ủng hộ việc hạ lãi suất liên tiếp hoặc giảm mạnh lãi suất nếu cần.
“Tôi là người cực kỳ ủng hộ việc tăng lãi suất nhanh và mạnh khi áp lực lạm phát gia tăng vào năm 2022 và tôi sẽ tán thành giảm lãi suất trước nếu điều đó phù hợp”, vị thống đốc bày tỏ.
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee nhấn mạnh ông muốn điều chỉnh chính sách nếu dữ liệu củng cố kịch bản đó. Trong nhiều tháng qua, ông Goolsbee đã hàm ý rằng lãi suất cần phải giảm.
Hai tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã gây ra nhiều đồn đoán về quy mô của đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9 khi ông tuyên bố “đã đến lúc” nới lỏng chính sách.
“Đã đến lúc chúng tôi nên điều chỉnh chính sách tiền tệ”, lãnh đạo của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới chia sẻ trong bài phát biểu rất được mong chờ tại hội nghị Jackson Hole.
“Hướng đi đã rõ ràng, thời điểm và tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu, triển vọng tương lai và cán cân rủi ro”, ông nhấn mạnh.