Đồng yen đi ngược xu hướng, suy yếu sau trận động đất tại Nhật Bản
Theo Nikkei, trong quá khứ, đồng yen (JPY) thường tăng giá sau các thảm họa và khủng hoảng địa chính trị. Tuy nhiên, điều tương tự đã không xảy ra sau trận động đất đầu năm mới tại Nhật Bản.
Vào ngày 4/1, đồng tiền của Nhật Bản rớt xuống còn 145 JPY đổi 1 USD - mức thấp nhất trong khoảng hai tuần. Từ đầu năm 2024, đồng tiền này đã suy yếu khoảng 2,6%. Sang phiên 5/1, JPY chỉ phục hồi nhẹ.
Tương tự, tại Việt Nam, đồng yen cũng đã yếu đi đáng kể so với đầu năm. Ngày 2/1, tại Ngân hàng Vietcombank ghi nhận tỷ giá mua là 166,82 VND/JPY (166,82 đồng đổi 1 JPY) và tỷ giá bán là 176,59 VND/JPY. Tuy nhiên sang đến ngày 6/1, ngân hàng Vietcombank giao dịch yen Nhật với tỷ giá mua - bán tương ứng là 163,19 VND/JPY và 172,74 VND/JPY.
Sau những trận động đất gây ra tàn phá trên diện rộng, đồng yen thường sẽ tăng vọt. Sau trận động đất ở Kobe vào tháng 1/1995, yen Nhật mạnh lên khoảng 18 yen so với 1 USD (USD đổi được ít yen hơn, đồng nghĩa yen mạnh lên). Vào tháng 4/1995, yen Nhật chạm mức cao nhất mọi thời đại.
Ngay sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011, yen Nhật đã lên mức 76 JPY đổi 1 USD, khiến nhóm G7 phải có động thái can thiệp để ngăn chặn đà tăng của đồng tiền này. Tuy nhiên, đến tháng 10/2011, yen Nhật tiến lên ngưỡng 75 JPY đổi 1 USD, thiết lập mức đỉnh mới.
Trong cả hai trường hợp, thị trường ngoại hối đều phản ứng trước viễn cảnh các công ty Nhật Bản chuyển tài sản về nước. Với dự báo rằng các công ty bảo hiểm sẽ chuyển đổi một phần tài sản bằng ngoài tệ để thanh toán các yêu cầu bồi thường, thị trường đã tìm cách đón đầu xu thế trên thông qua việc mua vào đồng yen.
Những sự kiện căng thẳng địa chính trị, chẳng hạn như vụ tấn công 11/9, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cũng khiến yen Nhật tăng giá mạnh do hoạt động đầu cơ. Tuy nhiên, trong những ngày sau trận động đất tại Bán đảo Noto vào ngày 1/1, đồng yen đã tụt giá.
Vào tháng 12, có nhiều đồn đoán cho rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng. Tuy vậy, giờ đây, một số nhà giao dịch lại cho rằng thảm hoạt khiến triển vọng trên khó xảy ra hơn.
Các nhà đầu tư từng mua JPY với kỳ vọng BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm đang rút bớt vị thế của mình, gây áp lực cho đồng tiền của Nhật Bản. Ông Teppei Ino tại Ngân hàng MUFG nhận định: “BOJ có thể bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa chính sách tiền tệ nếu các quốc gia khác bắt đầu cắt giảm lãi suất”.
Xung đột Ukraine cũng cho thấy sức hấp dẫn của đồng yen như một tài sản trú ẩn an toàn đang suy yếu. Thay vì tăng giá trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, đồng yen lại sụt giảm khi thị trường tập trung vào những tác động của giá năng lượng tăng tới cán cân thương mại Nhật Bản. Khi lãi suất chính sách vẫn duy trì ở trạng thái âm, đồng yen đã chạm mốc thấp nhất trong 32 năm.
Đồng tiền của Nhật Bản cũng tiếp tục đối mặt với áp lực giảm giá khi chênh lệch lãi suất JPY - USD vượt quá 5 điểm %.