|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đồng sáng lập Grab: Chúng tôi muốn có nhiều đối thủ

06:42 | 12/09/2018
Chia sẻ
Chia sẻ tại Việt Nam, bà Tan Hooi Ling cho rằng, chỉ thông qua các đối thủ, Grab mới thêm bài học để phục vụ khách tốt hơn.

Sáng 11/9, lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Grab, gồm bà Tan Hooi Ling - đồng sáng lập, Jerry Lim - Tổng giám đốc Grab Việt Nam và Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Grab Financial, cùng có mặt để chia sẻ với báo chí.

Ban lãnh đạo Grab nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh các đối thủ mới, trước việc Việt Nam đang bùng nổ các ứng dụng gọi xe và Go-Jek, một trong những đối thủ chính của Grab sắp ra mắt tại Hà Nội.

"Thực sự chúng tôi muốn có nhiều đối thủ cạnh tranh. Bởi vì chỉ nhờ vậy mới có những bài học, để biết làm thế nào nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó phục vụ khách hàng tốt hơn", bà Tan Hooi Ling khẳng định.

Theo đồng sáng lập Grab, thị trường Việt Nam tăng trưởng rất nhanh đến mức chúng tôi không nói theo hằng năm mà phải theo hằng tháng. Một trong những điều thú vị với thị trường này là rất năng động, thay đổi rất nhanh. Bằng chứng là ngay sau khi Grab sáp nhập với Uber tại Đông Nam Á, Việt Nam đã có 9 đơn vị làm ứng dụng gọi xe. "Tôi đoán, con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng tôi quan tâm đến khách hàng đang nghĩ gì và sẽ tiếp tục đầu tư để đảm bảo những điều này", bà nói.

dong sang lap grab chung toi muon co nhieu doi thu
Tan Hooi Ling - Đồng sáng lập Grab. Ảnh: Anh Tú

Trong khi đó, Jerry Lim - Tổng giám đốc Grab Việt Nam cho biết, những đối thủ mới đang tiêu rất nhiều tiền nhưng chưa đầu tư vào việc đảm bảo an toàn cho khách hàng. "Chúng tôi là công ty đầu tiên có bảo hiểm cho cả tài xế, khách hàng trên mỗi chuyến xe. Grab đang phát triển thêm bảo hiểm cho dịch vụ giao hàng, đồ ăn", Jerry cho hay. Bên cạnh đó, Grab sẽ ra mắt thêm các tính năng đảm bảo an toàn cho khách hàng, đào tạo các khoá học tự vệ cho tài xế...

Tuy nhiên, "đối thủ" với Grab không chỉ là những ứng dụng gọi xe công nghệ mà còn là các taxi, tài xế truyền thống.Về điều này, Jerry khẳng định, công ty vẫn đang làm việc với Chính phủ Việt Nam để giảm bớt những điều kiện cho đối tác kinh doanh truyền thống để có hợp hợp tác với chính họ. "Chúng tôi tin rằng, Nghị định 86 sửa đổi đang được soạn thảo sẽ giúp giảm bớt xung đột giữa các hãng công nghệ mới và truyền thống", ông nói.

Trước báo giới, các lãnh đạo Grab cũng nhiều lần nhắc đến việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để trở thành một siêu ứng dụng. Mới đây, Grab cũng vừa công bố hợp tác chiến lược với Moca - một startup về thanh toán di động tại Việt Nam để lấn sân trong lĩnh vực thanh toán. Thế nhưng, khi được hỏi, đại diện cả hai bên từ chối tiết lộ chi tiết về thoả thuận.

Grab nhìn nhận, sự kiện sáp nhập Uber đánh dấu bước ngoặt một startup Đông Nam Á. Là một đồng sáng lập của Grab, Tan Hooi Ling cho rằng, bí quyết thành công của ứng dụng gọi xe này không phải nhờ có nhiều vốn, hay cách nhiều người vẫn gọi là "đốt tiền".

"Như các bạn có thể thấy trong phòng hôm nay có rất nhiều tài năng đến từ bản địa. Đó mới là bí quyết thành công. Bên cạnh đó là đầu tư vào công nghệ. Hai điều này quan trọng hơn rất nhiều vốn", bà nói.

dong sang lap grab chung toi muon co nhieu doi thu
Jerry Lim - Tổng giám đốc Grab Việt Nam. Ảnh: Anh Tú

Grab hiện có 175.000 đối tác là tài xế xe 2 bánh và 4 bánh tại Việt Nam. Theo Jerry Lim, cứ 2 trên 10 người Việt dùng ứng dụng của Grab và hãng kỳ vọng con số sẽ tăng lên thành 5 trên 10 vào năm 2020.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam đề nghị, Chính phủ nên mở rộng, đón nhận hơn với kinh tế chia sẻ. Theo ông, bước đầu sẽ có mâu thuẫn nhưng tinh thân đón nhận cái mới nhiều hơn sẽ giảm bớt những bất cập, kích thích nền kinh tế đi lên.

Xem thêm