|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đơn hàng xuất khẩu tôm tới tấp đổ về, doanh nghiệp lo không đáp ứng kịp

07:42 | 16/09/2021
Chia sẻ
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, đơn hàng được ký rất nhiều nhưng chỉ lo sản xuất không đủ để đáp ứng bởi hầu hết nhà máy phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.

Xuất khẩu tôm khó giữ đà tăng trưởng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), lũy 7 tháng đầu năm xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt, trừ Trung Quốc. Tuy nhiên, thành quả này khó có thể đạt được quý cuối năm vì nhiều nhà máy chế biến tôm đã giảm công suất hoặc dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng ở các tỉnh phía Nam khiến khoảng 150 doanh nghiệp thủy sản tạm dừng xuất khẩu, số còn lại đều giảm từ 16 – 50% công suất trong tháng 8.

Đơn hàng xuất khẩu tôm tới tấp đổ về, doanh nghiệp lo không đáp ứng kịp - Ảnh 1.

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới đang tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn như Mỹ, EU.

Nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel và đón năm mới, nhất là nhu cầu nhập khẩu tôm cỡ lớn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng được ký rất nhiều, chỉ lo sản xuất không đủ để đáp ứng. Như vậy, cơ hội cho Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm 2021 là rất lớn.

Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, cần kịp thời tháo gỡ khó để ngành tôm khôi phục chế biến và xuất khẩu.

Xuất khẩu tôm từ tháng 7 tăng chậm lại khi tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn, các nhà máy chế biến tôm phải giảm hoạt động, thu mua tôm bị đình trệ.

Giá tôm giảm mạnh

Theo các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu, ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước, hiện nay, các nhà máy phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.

Chi phí cho sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" rất cao vì doanh nghiệp phải thuê nhà trọ, khách sạn, thậm chí thuê cả đội xe vận chuyển công nhân…

Vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào cho nuôi tôm gặp nhiều ách tắc khi đi qua các chốt trạm. Doanh nghiệp giảm thu mua tôm nguyên liệu do giảm công suất chế biến đã tác động tới giá tôm. Người nuôi lo lắng giảm thả nuôi dẫn đến nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trong quý cuối năm nay.

Cụ thể, đầu tháng 9, giá tôm nguyên liệu tại tỉnh Cà Mau tiếp tục giảm sau khi đã giảm trong tháng 7 và 8.

Giá tôm sú nguyên liệu cỡ 20 con/kg đang giao dịch ở mức 215 nghìn đồng/kg, giảm 3% so với giá cuối tháng 6. Giá tôm sú cỡ 40 con/kg giao dịch ở mức 118 nghìn đồng/kg, giảm 21% so với cuối tháng 6.

Giá tôm thẻ chân trắng cỡ 20 con/kg giao dịch ở mức 171 nghìn đồng/kg, giảm 10% so với cuối tháng 6. Giá tôm thẻ chân trắng cỡ 40 con/kg giao dịch ở mức 88 nghìn đồng/kg, giảm 11% so với cuối tháng 6.

Đơn hàng xuất khẩu tôm tới tấp đổ về, doanh nghiệp lo không đáp ứng kịp - Ảnh 2.

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Các chuyên gia khuyến cáo nông dân tiếp tục thả nuôi, nhưng với mật độ thưa để thu hoạch được tôm cỡ lớn, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.

Cụ thể, người nuôi nên thả mật độ thưa 100-120 con/m2 so với mật độ cao trước đây là 250 - 300 con/m2.

Hiện tại size 10-45 con/kg đang được ký hợp đồng nhiều. Loại 40 con/kg đang được thị trường Mỹ đặt hàng nhiều. Khi tình hình giãn cách được nới lỏng, giá thu mua tôm nguyên liệu sẽ tăng.

Các địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Hoàng Anh