|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đối tượng nào được hưởng lợi chính từ quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN?

15:51 | 01/10/2020
Chia sẻ
Theo SSI Research, lãi suất điều hành giảm chưa tác động nhiều đến hoạt động của ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các khách hàng vay vốn tại các lĩnh vực ưu tiên sẽ được hưởng lợi nhờ chi phí đi vay có thể giảm từ 8.500 đến 10.700 tỉ đồng.
Đối tượng nào được hưởng lợi chính từ động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN? - Ảnh 1.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Quang Hưng).

Lãi suất điều hành giảm chưa tác động nhiều đến ngân hàng thương mại 

Bộ phân phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo cập nhật nhanh về động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với nhận định lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ không thay đổi nhiều.

Lí giải cho nhận định này, SSI Research cho rằng các NHTM đang rất dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ NHNN. 

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù lượng bơm/hút ròng của NHNN gần như bằng 0 nhưng một lượng tiền đồng khá lớn đã được đẩy vào hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua vào ngoại tệ của NHNN, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỉ lục là 92 tỉ USD. Thủ tướng Chính phủ nhận định dự trữ ngoại hối sẽ cán mốc 100 tỉ USD vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến tiền đồng dư thừa trong hệ thống là do đầu ra tín dụng yếu. Theo Tổng cục Thống kê, đến 22/9/2020, trong khi huy động vẫn tăng trưởng khá tốt (đạt 7,7%) thì tăng trưởng tín dụng chỉ là 5,12% so với đầu năm, thấp hơn nhiều cùng kì 2019 là 8,79% và còn cách xa mục tiêu của NHNN (ban đầu là 14%, sau điều chỉnh là 10%).

Thực tế, trong 4 tháng gần đây, NHNN tạm ngừng các giao dịch trên thị trường mở và lãi suất trên liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, chỉ 0,1-0,5%/năm với kì hạn qua đêm và 0,2% - 0,7%/năm với kì hạn 1 tuần, vẫn thấp hơn rất nhiều các lãi suất vay vốn mới từ NHNN.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi VND đã giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng từ 1,2% đến 2,5%/năm ở tất cả các kì hạn. Lãi suất tiền gửi kì hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 3,0 - 3,8%/năm, cá biệt một số ngân hàng chỉ ở mức 2,2-2,5%/năm, tức là đã thấp hơn mức trần mới.

"Bởi vậy, lãi suất tiền gửi sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định của NHNN. Yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng và chúng tôi vẫn giữ kì vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1 -0,3%/năm trong quí IV/2020", nhóm phân tích SSI Research đánh giá.

Chi phí lãi vay có thể giảm hơn 10.000 tỉ đồng nhờ trần lãi suất mới

Theo SSI Research, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến thị trường trong nhóm các lãi suất điều hành này là lãi suất cho vay kì hạn ngắn bằng VND với 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù trần lãi suất này đã được giảm hai lần, tổng cộng 1%, nhưng tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và xuất khẩu chỉ khoảng 3 - 4%, thấp hơn mức tăng trưởng chung.

Mặt khác, trong năm 2019, tỉ trọng cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên chiếm hơn 42% tổng dư nợ toàn hệ thống. Dựa trên tỉ lệ cho vay ngắn hạn/tổng dư nợ trung bình của các NHTM tại 30/6/2020 là 50%, SSI Research ước tính tỉ lệ cho vay ngắn hạn với 5 nhóm ngành ưu tiên hiện là 20-25% tổng dư nợ hệ thống (tức là khoảng 1,7-2,1 triệu tỉ đồng). Giả sử các khoản nợ này được điều chỉnh giảm 0,5%/năm theo trần lãi suất mới, từ năm sau, người đi vay có thể giảm được từ 8.500 đến 10.700 tỉ đồng chi phí lãi vay.

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng trần lãi suất mới chỉ áp dụng với các khoản giải ngân mới hoặc các khoản vay đến kì điều chỉnh lãi suất nên số dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất trong quí IV/2020 sẽ khá ít, do vậy ảnh hưởng đến lợi nhuận các NHTM trong năm 2020 là không đáng kể.

Quốc Thụy