Đối đáp căng thẳng quanh quan điểm \"đồng phạm\" với Phạm Công Danh
Ngày 16/1, phiên xử Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng _ VNCB) và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng tiếp tục với phần đối đáp của VKS đối với quan điểm của các luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
VKS giữ nguyên quan điểm xem xét trách nhiệm của ông Trần Quí Thanh
Các bị cáo tại tòa.
Sau khi các luật sư phản biện, công tố tranh luận đối đáp. Đáng chú ý là quan điểm cha con ông Trần Qúi Thanh là đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Danh rút tiền của ngân hàng.
VKS nêu "Ông Danh và ông Thanh có quan hệ vay tiền, mối quan hệ này có trong thời gian dài. Danh chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hồ sơ vay giả tạo để lấy tiền chi trả cho cá nhân. Do vậy, nhận định giúp sức là có căn cứ". Số tiền 5.190 tỉ đồng trong vụ án, việc chuyển tiền từ bà Trần Ngọc Bích sang Danh là có sự đồng ý của chủ tài khoản. Giao dịch vay tiền là giả tạo để giúp sức cho ông Danh.
"Thực tế, người vay không sử dụng vốn vay. Tiền vay từ VNCB mặc dù giao cho Danh sử dụng nhưng biên bản vẫn thể hiện sử dụng đúng mục đích. Các khách hàng (người đứng tên sổ tiết kiệm) đều xác định việc chuyển tiền vay trước và ủy nhiệm chi sau", VKS nhận định. Ngoài ra, theo VKS còn có sổ giao nhận chứng từ của VNCB Chi nhánh Sài Gòn. Căn cứ đường đi dòng tiền, VKS bác bỏ quan điểm của bà Bích và luật sư bảo vệ.
Đối với quan hệ vay mượn tiền giữa ông Danh và ông Thanh, theo VKS là đã tồn tại trong thời gian dài. Cựu chủ tịch VNCB đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hồ sơ vay giả tạo để lấy tiền từ VNCB chi trả cho cá nhân. Từ đó, VKS nhận định việc đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của ông Thanh và bà Bích với vai trò giúp sức cho ông Danh là "có căn cứ".
Về việc xem xét trách nhiệm đối với hành vi trốn thuế, VKS cho rằng, quá trình xét hỏi tại tòa có cơ sở xác định bà Bích, ông Thanh nhận một số khoản tiền từ Phạm Thị Trang (người giúp ông Danh đi huy động tiền). "Căn cứ vào quy định pháp luật về thu nhập cá nhân, đề nghị của VKS là có căn cứ. Tuy nhiên, việc có nhận tiền lãi hay không, trong quá trình điều tra sẽ làm rõ và kết luận”, VKS nêu quan điểm.
Liên quan đến kháng cáo của bà Quách Kim Chi (vợ ông Danh) về việc giải tỏa kê biên một số tài sản chung của vợ chồng, theo VKS, ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải có trách nhiệm bồi hoàn lại những thiệt hại gây ra. Do đó, việc bản án sơ thẩm tuyên buộc kê biên những tài sản này là đúng pháp luật.
Công tố viên cũng cho rằng, có đủ dấu hiệu chứng minh hành vi sai phạm của bà Hứa Thị Phấn và những người trong Hội đồng tín dụng nên việc khởi tố vụ án của tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ và đúng thẩm quyền. Về các khoản tiền ông Danh chả cho bà Phấn là tiền rút từ hành vi phạm tội nên cần thu hồi.
'Trần Ngọc Bích không phải đồng phạm'
Bà Trần Ngọc Bích (áo trắng ở giữa) tại tòa.
Đối đáp lại quan điểm của đại diện VKS, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích đối đáp. Trần Ngọc Bích, Trần Quí Thanh không phải đồng phải đồng phạm giúp sức Phạm Công Danh rút 5.190 tỷ đồng bởi không có căn cứ, chỉ phụ thuộc vào lời khai của các bị cáo khác. Ngân hàng VNCB đã gian dối tự ý rút tiền 5.190 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng mà không có sự đồng thuận của bà Trần Ngọc Bích.
Không có định nghĩa nào về việc làm kinh tế gia đình vì vậy không có căn cứ cho rằng Trần Ngọc Bích sử dụng sai mục đích. Trên thực tế không có việc ông Vũ Anh Tuấn lên ngân hàng nhận tiền lãi ngoài cũng như việc yêu cầu ngân hàng VNCB rút toàn bộ số tiền ra khỏi tài khoản của Trần Ngọc Bích.
Quan điểm của đại diện VKS cho rằng Trần Ngọc Bích biết số tiền trên tài khoản của mình mới đi gia hạn vì nếu có tiền trên tài khoản thì đã trả nợ rồi chứ không đi gia hạn là không có căn cứ suy diễn nhằm làm thay đổi bản chất vụ án. Nếu Trần Quí Thanh cho Phạm Công Danh vay tiền thì không thể có rằng Trần Quí Thanh là đồng Phạm với Danh. Đồng phạm trong vụ án này là những người tự ý rút 5.190 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của Trần Ngọc Bích. Bà Trần Ngọc Bích là những người bị thiệt hại trong vụ này nhưng nay lại bị cho rằng đồng phạm giúp sức.
Với khoản vay của Phục, Dung, Trang 300 tỷ cầm cố 6 sổ tiết kiệm, tòa căn cứ vào lời khai của Mai, Khương, Quyết cho rằng những người này vay tiền trước nhưng nợ chứng từ, từ đó thu hồi toàn bộ số tiền này là không có căn cứ. Không thể kết luận sổ tiết kiệm nằm trong ngân hàng thì những người này đang vay tiền của ngân hàng.
Đại diện VKS cho rằng Trần Ngọc Bích có dấu hiệu trốn thuế điều này là không có căn cứ, kiến nghị này đã làm ảnh hưởng tới uy tín tới Trần Ngọc Bích, Trần Quí Thanh.