Doanh thu xuất khẩu giảm 60%, lãi quý II hơn 6 tỉ đồng của Thủy sản Hùng Vương đến từ đâu?
Doanh thu xuất khẩu giảm 60% xuống 879 tỉ đồng
CTCP Hùng Vương (Mã: HVG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 (kỳ kế toán 1/10/2018 - 31/3/2019) với doanh thu thuần 1.302 tỉ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu xuất khẩu từ 1/10/2018 đến 31/3/2019 đạt 879 tỉ đồng, giảm 60% và chiếm 33% tổng doanh thu; doanh thu nội địa thuần 1.768 tỉ đồng, giảm 36% chủ yếu đến từ thủy sản 1.048 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Do giá vốn hàng bán giảm 90% xuống 1.146 tỉ đồng nên lợi nhuận gộp đạt 156 tỉ đồng, tăng 32%.
Doanh thu tài chính 1,4 tỉ đồng trong khi cùng kỳ âm 76 tỉ đồng. Chi phí tài chính giảm từ 111 tỉ đồng xuống 64 tỉ đồng
Trong quý này, Hùng Vương ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên kết, liên doanh âm 8 tỉ đồng trong khi cùng kỳ âm 101 tỉ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm 50%, 74% xuống lần lượt 54 tỉ đồng, 23 tỉ đồng. Lợi nhuận khác âm 1,6 tỉ đồng trong khi cùng kỳ âm 15 tỉ đồng
Sau khi trừ đi các loại chi phí, Hùng Vương ghi nhận lãi sau thuế hơn 6 tỉ đồng, trong khi kỳ năm trước ghi nhận âm 387 tỉ đồng.
Mới đây, theo thông tin mới nhất từ Vasep (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 1/8/2016 - 31/7/2017.
Cụ thể, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Hùng Vương là 3,87 USD/kg. Trước đó, với kết quả sơ bộ công bố ngày 10/9/2018 của DOC, Hùng Vương có thể sẽ được áp dụng mức 0%.
Thông tin này đã tác động xấu đến cổ phiếu HVG khi giảm sàn 6 phiên liên tiếp, xuống 4.800 đồng/cp (kết thúc phiên 3/5). Theo Phó chủ tịch Hà Việt Thắng, Phó Chủ tịch CTCP Hùng Vương, hiện nay công ty chưa đưa bất kì bình luận nào về tác động của lệnh thuế đối với hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mà phải chờ kết quả từ cuộc họp hội đồng quản trị rồi mới đưa ra kết luận cụ thể.
Diễn biến cổ phiếu HVG trong thời gian gần đây. (Nguồn: VNDirect)
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, việc áp thuế 3,87 USD/kg sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Hùng Vương trong thời gian tới. Đặc biệt, khi tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vào tháng hai, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh nói rằng nếu kỳ rà soát POR của Hùng Vương thành công, thì định hướng của công ty là lâu dài.
Cuối 2020, Hùng Vương sẽ quay về mục tiêu 20.000 tỉ đồng/năm doanh số và dự kiến mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup. Ông Minh cho biết, công ty đã bán cho cổ phần cho Vingroup với giá trị 520 tỉ đồng, chiếm 38% cổ phần.
Khoản thu ngắn hạn tăng mạnh lên gần 4.800 tỉ đồng
Đến ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Hùng Vương đạt 8.827 tỉ đồng, tăng 3% so với thời điểm 1/10/2018. Trong đó, tiền và tương đường tiền giảm mạnh chỉ còn 124 tỉ đồng chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh; Hàng tồn kho 1.809 tỉ đồng, giảm 5% so với thời điểm đầu năm.
Khoản phải thu ngắn hạn tăng 17% lên 4.753 tỉ đồng trong đó khách hàng trong nước 2.568 tỉ đồng, tăng 26%, chiếm 68%. Khoản phải thu khách hàng nước ngoài giảm mạnh từ 1.450 tỉ đồng xuống 1.227 tỉ đồng.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.969 tỉ đồng, giảm 5% trong đó vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 1.936 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) 602 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (HDBank) 170 tỉ đồng...
Vay dài hạn ở mức 118 tỉ đồng, giảm 13% đến từ khoản vay tại BIDV 33 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) 4 tỉ đồng và HDBank 18 tỉ đồng.
Về dòng tiền, lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh của Hùng Vương ghi nhận âm 107 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ dương 557 tỉ đồng
Dòng tiền từ hoạt động tài chính có sự cải thiện khi âm 172 tỉ đồng trong khi cùng kỳ âm 1.276 tỉ đồng.
Hiện Hùng Vương có 5 công ty liên kết và một công ty liên doanh với giá trị còn lại là 672 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm do lỗ liên kết 109 tỉ đồng.