|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh số bán lẻ thủy sản năm 2020 tại Mỹ cán mốc kỷ lục

20:45 | 18/02/2021
Chia sẻ
Tại Hội nghị Tiếp thị Thủy sản Toàn cầu của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ ngày 1/2, các nhà bán lẻ Mỹ đã công bố doanh số kỷ lục trên nhiều mặt hàng thủy sản tươi sống, đông lạnh và bảo quản lâu.

Bà Anne-Marie Roerink, nhà sáng lập của công ty nghiên cứu thị trường 210 Analytics, dẫn dữ liệu từ IRI Worldwide cho biết, trong năm 2020 doanh số bán hàng thủy sản đông lạnh, thủy sản tươi sống và thủy sản bảo quản lâu lần lượt tăng 35% lên 7 tỷ USD, 24,5% lên 6,7 tỷ USD và 20,3% lên 2,9 tỷ USD.

Lĩnh vực tạp hóa trực tuyến khởi sắc cũng giúp ngành thủy sản của Mỹ hưởng lợi. Theo đó, doanh số thương mại điện tử ngành thủy sản tăng gấp ba lần trong năm 2020, đạt 1,1 tỷ USD. Bà Roerink cho hay: "Các mặt hàng thủy sản trên sàn thương mại điện tử đang đắt hàng".

Ở nhóm mặt hàng đông lạnh, doanh số bán tôm nguyên liệu nhảy vọt 48% lên 2 tỷ USD và tôm hấp chín tăng 25% lên 1,8 tỷ USD, SeafoodSource cho hay.

Doanh số bán thủy sản tươi sống theo trọng lượng ngẫu nhiên cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. 

Trong đó, doanh số bán cá có vây tươi tăng 22%, động vật có vỏ tăng 24,6% và các loại khác tăng 18%. Còn doanh thu của thủy sản tươi sống có trọng lượng cố định tăng 28% lên 871 triệu USD.

10 loài thủy sản tươi sống bán chạy nhất lần lượt là cá hồi, cua, tôm, tôm hùm, cá da trơn, cá rô phi, cá tuyết, sò điệp, cá ngừ và cá trout. Cua dẫn đầu nhóm 5 mặt hàng có doanh số tăng mạnh nhất, tiếp theo sau là tôm hùm, cá hồng, bánh cua/hải sản, và cá bơn.

Bà Roerink lưu ý, mức tăng trưởng doanh số 62% của cua tươi sống trong năm 2020 là "chưa từng có". Cá hồi vẫn là một mặt hàng thu hút trong phân khúc thủy sản tươi sống, với doanh số tăng 19% lên 2,2 tỷ USD vào năm 2020.

Trong khi đó, cá ngừ là mặt hàng bán chạy nhất trong danh mục thủy sản bảo quản lâu, doanh thu năm 2020 tăng gần 19% lên ngưỡng 2,1 tỷ USD. Doanh số bán cá hồi và nghêu bảo quản lâu cũng tăng rất mạnh, lần lượt là 30,3% lên 286 triệu USD và 27% lên 62 triệu USD.

Doanh số bán lẻ thủy sản năm 2020 tại Mỹ cán mốc kỷ lục - Ảnh 1.

Một số sản phẩm cá hồi bày bán tại siêu thị ở Mỹ. (Ảnh: Shutterstock).

Dấu hiệu đáng lo

Bất chấp các con số ấn tượng về doanh số bán lẻ của ngành thủy sản Mỹ, bà Roerink vẫn chỉ ra một số điểm đáng lo ngại mà ngành này nên giải quyết.

Theo số liệu, khoảng 70% hộ gia đình tại Mỹ tiếp cận các sản phẩm thủy sản bảo quản lâu và khách hàng bình thường chi gần 33 USD cho các mặt hàng này. 

Thế hệ Baby Boomers (sinh trong giai đoạn 1946 - 1964) là khách hàng lớn nhất của phân khúc thủy sản bảo quản lâu, song bà Roerink cho rằng ngành thủy sản thiếu sự quan tâm với các thế hệ trẻ tuổi hơn như Gen X, Millennials và Gen Z.

"Bằng cách nào ngành thủy sản có thể tương tác nhiều hơn với người tiêu dùng trẻ tuổi?", bà Roerink đặt câu hỏi.

Hơn nữa, doanh số bán thủy sản đông lạnh thường tập trung ở các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 100.000 USD. Do đó, nhà sáng lập của 210 Analytics nhận định, ngành thủy sản Mỹ nên đưa ra các sáng kiến nhằm khuyến khích các hộ gia đình có thu nhập thấp mua nhiều thủy sản hơn.

Ông Chris DuBois, Phó Chủ tịch cấp cao của IRI Worldwide, cho biết công ty của ông dự đoán tăng trưởng trên tất cả ngành hàng thủy sản sẽ tiếp tục trong năm 2021. Tuy nhiên, ngành thủy sản Mỹ không nên tự mãn, ông DuBois cảnh báo.

"Doanh số bán hàng tăng cao trong tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, nhiều tuần chúng tôi chứng kiến doanh số tăng vọt 50 - 90% so với cùng kỳ năm 2019. 

Nguyên nhân là do doanh nghiệp trữ hàng và người tiêu dùng mua sắm trong hoảng loạn khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ. Song, chúng ta khó có thể lặp lại mức tăng đó", ông DuBois chia sẻ với SeafoodSource.

Ngoài ra, khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 tăng lên và nhiều người dân Mỹ cảm thấy an toàn để đi du lịch và ăn nhà hàng, doanh số bán thủy sản đông lạnh có thể giảm, ông DuBois lưu ý.

"Thủy sản đông lạnh là mặt hàng hưởng lợi lớn nhất khi chính phủ yêu cầu người dân giãn cách xã hội và ở yên trong nhà. Doanh số bán thủy sản đông lạnh có nguy cơ giảm. Do đó, tìm cách giữ chân người tiêu dùng sẽ là một bài toán lớn", vị phó chủ tịch lý giải.

Khả Nhân