|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nhân người Hoa kín tiếng - Bài 1: Biti's hai lần 'lột xác' và đường thành công của gia tộc Vưu Khải Thành

07:39 | 07/10/2019
Chia sẻ
Trong khi nhiều thương hiệu truyền thống trong nước dần đi vào dĩ vãng trước sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngoại, Biti’s của gia tộc họ Vưu dù có lúc vẫn gặp khó khăn không nhỏ, song đã vượt qua và hiện là một trong những nhà sản xuất giày dép hàng đầu Việt Nam.
Doanh nhân người Hoa kín tiếng - Bài 1: Biti's hai lần 'lột xác' và đường thành công của gia tộc Vưu Khải Thành - Ảnh 1.

Ông Vưu Khải Thành và vợ (Nguồn: Internet)

Biti’s và công cuộc hai lần lột xác

Ông Vưu Khải Thành sinh ngày 26/1/1950, dân tộc Hoa. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông cùng vợ là bà Lai Khiêm khởi đầu sự nghiệp kinh doanh với 15 công nhân và những chiếc máy rỉ sét năng suất thấp.

Thời điểm đó, Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành nằm tại đường Bình Tiên, quận 6, TP.HCM. Phải đến năm 1986, 2 tổ hợp này sáp nhập lại thành hợp tác xã cao su Bình Tiên chuyên sản xuất giày dép chất lượng cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và Tây Âu. Cái tên Biti's là viết tắt của cái tên Bình Tiên này.

Cuối thập niên 1980, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ khiến Biti’s cũng mất luôn thị trường chính. Trong khi đó, thị trường nội địa lại gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt khi giày dép xốp Thái Lan, Trung Quốc làm bằng chất liệu mới, đẹp, nhẹ và tiện lợi hơn dép cao su Việt Nam.

Xuất khẩu bết bát, bán trong nước cũng không xong, hai vợ chồng họ Vưu phải “xuất ngoại” sang Đài Loan. Chính tại đây, họ phát hiện một loại dép xốp đặc biệt làm bằng chất liệu hạt nhựa EVA, có thể cạnh tranh được với dép xốp đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khi đó, và họ nắm ngay cơ hội này. Vợ chồng Vưu Khải Thành ngày đêm tìm hiểu công nghệ EVA và dành tiền mua dây chuyền sản xuất mang về Việt Nam.

Cũng phải lưu ý, một điểm đặc biệt của doanh nghiệp gốc Hoa là ngoài yếu tố căn cơ, họ rất am tường các thị trường lân cận Việt Nam, đặc biệt những nơi nhiều người Hoa như Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia.

Bên cạnh việc mang về nước chuỗi công nghệ hiện đại, ông Vưu Khải Thành cũng nhận ra doanh nghiệp Trung Quốc chú trọng xuất khẩu, nhưng lại bỏ ngỏ thị trường nội địa khổng lồ.

Việc xuất khẩu hàng hóa vừa giải quyết bài toán tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, vừa tránh phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc và Thái Lan. Và như thế, hai vợ chồng ông đã rẽ hướng xuất khẩu sang thị trường Tây Nam Trung Quốc - nơi khá gần Việt Nam, có nhiều nét tương đồng về văn hóa và là thị trường dễ tính gồm nhiều tầng lớp dân cư khác nhau.

Sự thành công tại đây là bàn đạp để Biti's tổ chức hệ thống phân phối chân rết từ tổng đại lý đến đại lý kinh doanh để phủ dày và hiện diện khắp nơi từ Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây, Quảng Đông,… đến cả Bắc Kinh, Thượng Hải.

Những chiến lược thông minh và quyết liệt của ban lãnh đạo đã đem về quả ngọt cho Biti's khi có thời điểm doanh thu bình quân hàng năm tại thị trường Trung Quốc của Biti's đạt khoảng 30%, riêng khu vực Tây Nam chiếm tới 80% tổng doanh thu toàn thị trường Trung Quốc.

Thắng lớn tại thị trường Trung Quốc, đầu thập niên 1990, Biti's chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và ghi dấu ấn bằng thông điệp quảng cáo nổi tiếng “Nâng niu bàn chân Việt”.

Thời đó, những chiếc sandal rất bền của Biti’s đã nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu với thế hệ 8X và 9X đời đầu. Còn riêng sản phẩm dép xốp, đã có lúc mỗi gia đình Việt Nam có 1 đôi.

Thế kỷ XX qua đi, nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân cải thiện, lẽ dĩ nhiên giới trẻ có xu hướng đào thải mẫu sandal cũ kỹ của Biti’s để tìm đến những đôi sneaker của hãng giày nổi danh toàn cầu như Nike, Adidas, Puma,….

Những tưởng rằng giống Giày Thượng Đình, Biti’s rồi sẽ chìm nghỉm trước cơn sóng toàn cầu. Ấy vậy mà, Biti’s của ông Vưu Khải Thành đã có lần thứ hai lột xác thành công với sản phẩm sneaker - Biti’s Hunter. Không chỉ làm mới với dòng sản phẩm hiện đại, bắt kịp xu thế, Biti’s đã tận dụng khai thác mảng miếng từ Facebook, Instagram, các KOL (những người ảnh hưởng trên mạng xã hội),…

Giới trẻ đánh giá, dù mẫu mã Biti’s Hunter chưa thực sự xuất sắc, nhưng quan trọng nhất là rẻ với mức giá 500 – 700 ngàn, trong khi đó cùng các đôi sneaker của Adidas, Converse, Puma, Nike… đều có mức giá từ 1,5 - 2 triệu đồng trở lên.

Đột phá trong mô hình quản trị

Là một nhân vật khá kín tiếng với công chúng, ông Vưu Khải Thành gần như không có các phát ngôn công khai. Do đó, dư luận có lẽ chỉ biết đến ông thông qua những nước đi của Biti’s trong gần 35 năm hình thành và phát triển.

Mới đây, chân dung vị lãnh đạo cao nhất Biti’s phần nào được hé lộ thông qua lời trưởng nữ Vưu Lệ Quyên - Tổng giám đốc Biti’s.

Bà Quyên nhận xét cha mình giống một nhà kỹ trị. Với tính cách nghiêm khắc, tỉ mỉ, ông sẵn sàng dành mười mấy tiếng một ngày để đào tạo và rèn luyện tất cả các nhân viên.

“Ai sau này cũng đều biết ơn ông vì nhờ ông mà họ có sức bật vượt qua được những giới hạn bản thân. Đó làm một lò luyện thép”, bà Quyên chia sẻ.

Và dĩ nhiên, với tính chất là doanh nghiệp gốc Hoa, Biti’s được nhìn nhận bị ảnh hưởng tới tính gia đình.

Để trở thành Tổng giám đốc Biti’s, bà Quyên phải trải qua thử thách ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong doanh nghiệp, từ kinh doanh xuất khẩu, thiết kế, sản xuất, công nghệ thông tin, tiếp thị, kinh doanh nội địa và chuỗi cung ứng. “Cứ 2-3 năm là tôi trải nghiệm một lĩnh vực hoàn toàn mới”, bà chia sẻ. Đặc biệt, trưởng nữ nhà họ Vưu cũng là người khai sinh ra dòng sản phẩm Biti’s Gosto.

Ngoài bà Quyên, 2 người con còn lại của ông Vưu đang nắm một số chức vụ quan trọng trong công ty, thứ nữ Vưu Lệ Minh là Phó Tổng giám đốc phụ trách về thiết kế, trong khi ái nam Vưu Tuấn Kiệt phụ trách những dự án xây dựng của Biti’s.

Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy, tính gia đình thể hiện càng ngày càng sâu sắc trong công ty Biti’s. Chính phu nhân ông Vưu Khải Thành từng thừa nhận, dù doanh nghiệp được nhiều quỹ đầu tư tiếp cận, nhưng hai ông bà đều đã từ chối.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang ngày càng lớn mạnh, thị trường đang cần mở rộng hơn để gia tăng sức cạnh tranh, câu hỏi về nguồn lực có lẽ sẽ đặt ra với vợ chồng doanh nhân Vưu Khải Thành và các con: Hoặc họ tiếp tục giữ quyền kiểm soát, chấp nhận tăng trưởng cầm chừng, hoặc phải chấp nhận bán một phần quyền sở hữu, niêm yết trên sàn chứng khoán để thúc đẩy sự tăng trưởng.

Về điều này, có thể thấy nhiều doanh nhân gốc Hoa khác đang rất thành công như ông Cô Gia Thọ tại CTCP Tập đoàn Thiên Long, ông Đặng Văn Thành tại Tập đoàn Thành Thành Công…

Tính đến tháng 8/2018, giá trị vốn góp Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên đạt 436,86 tỷ đồng. Trong đó: ông Vưu Khải Thành, bà Lai Khiêm là các cổ đông lớn nhất khi nắm lần lượt 29,650% và 27,250%. Ngoài ra, ba người con của ông Vưu gồm Vương Lệ Quyên, Vựu Lệ Minh, Vưu Tuấn Kiệt cùng sở hữu 10% vốn doanh nghiệp. Như vậy, gia tộc họ Vưu nắm gần 87% vốn Biti's.

Hóa Khoa