|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơ nghiệp kinh doanh đồ sộ nhà vợ doanh nhân Đức 'Cá Tầm'

14:07 | 19/09/2019
Chia sẻ
Doanh nhân Lê Anh Đức được biết đến với thương hiệu Cá Tầm Việt Nam, song ít ai biết rằng thương hiệu trên lại đến từ nhà vợ của doanh nhân này.
Cơ nghiệp kinh doanh đồ sộ nhà vợ doanh nhân Đức 'Cá Tầm' - Ảnh 1.

Doanh nhân Hà Văn Hải (áo đen) là người đầu tiên phát triển thương hiệu Cá Tầm Việt Nam

Hiện nay, nhắc đến Công ty CP Cá tầm Việt Nam (Tập đoàn Cá tầm) chắc hẳn ai cũng nghĩ đến cái tên Đức “Cá Tầm” (tên thật là Lê Anh Đức).

Ngay trên website có tên miền catam.vn được cho là của Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam, khi click vào mục “người sáng lập” cũng xuất hiện bài viết với ảnh là doanh nhân Lê Anh Đức.

Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam được thành lập vào ngày 10/9/2009, đăng ký địa chỉ trụ sở tại 12B Hùng Vương, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Công ty này có 4 cổ đông sáng lập gồm: Hà Văn Hải (40%), Hà Thị Phương Thảo (20%), Hà Vân Hiền (10%) và Lê Anh Đức (30%).

Điều đáng chú ý, 3 cổ đông Hà Văn Hải, Hà Thị Phương Thảo và Hà Thị Vân Hiền có cùng địa chỉ thường trú. Ngoài ra, bà Phương Thảo chính là vợ của ông Lê Anh Đức.

Còn doanh nhân Hà Văn Hải (SN 1951, quê Bắc Giang) được biết từng làm tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Liên Xô (cũ), sau đó về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Ông Hà Văn Hải cũng chính là bố vợ của ông Lê Anh Đức.

Từ những năm 1991, ông Hải đã nghĩ đến việc phát triển kinh tế tư nhân, song đến năm 2000, ông Hải mới vào TP.HCM nghiên cứu thị trường, lập Công ty Bất động sản Hà Quang – một doanh nghiệp được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn.

Trong một chuyến trở lại Nga, ông Hải đã ấp ủ giấc mơ đưa Cá Tầm về Việt Nam. Năm 2007, doanh nhân Hà Văn Hải đã thành lập Công ty TNHH Cá Tầm Việt Nam – Đà Lạt (một thành viên của Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam hiện nay).

Sau nhiều năm phát triển, Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam đã có 6 công ty thành viên từ Bắc vào Nam, vốn đầu tư hơn hàng trăm tỷ đồng. Tại Bình Thuận, Bình Định, Đak Lak và Sơn La các công ty chuyên sản xuất cá Tầm thương phẩm và trứng cá đen. Với việc mở rộng hệ thống nuôi cá Tầm, trong thập kỷ tới, Tập đoàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu về Trứng cá đen (Caviar) trên thị trường.

Là người kết nối, phát triển thương hiệu Cá Tầm Việt Nam, song ông Hải không trực tiếp điều hành, quản lý. Đến tháng 2/2019, ông Hải cùng con gái là bà Hà Thị Phương Thảo đã thoái toàn bộ vốn. Đồng thời, ông Đức “Cá Tầm” tăng tỷ lệ sở hữu từ 30% lên 52,09%.

Như đã nêu, trước Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam, doanh nhân Hà Văn Hải còn sáng lập ra Công ty Bất động sản Hà Quang.

Công ty này được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án lớn tại Nha Trang như: Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I (38,2ha) và Khu đô thị mới Lê Hồng Phong II (67ha).

Trong những năm qua, doanh nhân Hà Văn Hải cùng con gái là Hà Thị Phương Thảo và con rể là Lê Anh Đức không ngừng mở rộng lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Trong đó có thể kể đến việc thành lập Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang năm 2014. Khi mới thành lập, công ty này chỉ có vốn điều lệ khá khiêm tốn 500 triệu đồng. Ngành nghề chính của doanh nghiệp này khi đó là “tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại”.

Tháng 3/2015, Công ty Vịnh Nha Trang tăng vốn điều lệ lên 54 tỷ đồng. Và hơn 1 năm sau đó (tháng 5/2016), công ty này tiếp tục tăng vốn lên 300 tỷ đồng gồm 4 cổ đông: Công ty cổ phần bất động sản Hà Quang (40%); Hà Thị Phương Thảo (40%); Hà Vân Hiền (10%) và Phạm Thanh Tùng (10%).

Sắp bước sang tuổi 70, song dưới sự chèo lái của doanh nhân Hà Văn Hải Bất động sản Hà Quang vẫn không ngừng phát triển, đặc biệt là tại Khánh Hòa.

Bất động sản Hà Quang được biết đến là chủ đầu tư của dự án Panorama Nha Trang. Ngoài ra, công ty này còn thâu tóm gọn dự án The Arena Cam Ranh từ tay Trần Thái – một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại TP.HCM.

Bảo Bảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.