Doanh nghiệp xuất khẩu gạo được dự báo tiếp tục hưởng lợi nhờ giá duy trì ở mức cao
Ngày 21/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị đánh giá xuất khẩu gạo năm 2022, bàn giải pháp tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân khi vào vụ Đông Xuân năm 2022-2023 và dự báo xuất khẩu gạo năm 2023.
Tại hội nghi, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 359.300 tấn gạo, mang về 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, con số này giảm 29% về số lượng, giảm 24,2% trị giá nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2022 và duy trì ở mức cao trong tháng 1 và tháng 2/2023, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Cụ thể, tính đến ngày 15/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, bằng với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại nhưng tăng 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, lượng xuất khẩu tháng đầu tiên năm 2023 đạt trên 129.300 tấn, giảm 44,7% so với cùng gao kỳ năm 2022 do trong tháng 1 có hai kỳ nghỉ lễ kéo dài là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, Trung Quốc chiếm trên 13,2% trong tổng lượng với số lượng hơn 47.400 tấn, tăng 13,2% với cùng kỳ năm 2022 do hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã trở lại bình thương tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khi Trung Quốc mở cửa biên giới phía Bắc từ 8/1/2023.
Cũng trong tháng 1, ghi nhận tăng trưởng 100% sang thị trường Indonesia trong khi cùng kỳ tháng 1/2022 Indonesia không phát sinh hoạt động nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia chiếm 24% tổng xuất khẩu của cả nước tương đương gần 86.000 tấn, chủ yếu là chủng loại gạo trắng cao cấp và gạo thơm.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, dự báo xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, năm 2023, ngành hàng vẫn sẽ đối diện một số khó khăn như chi phí nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá thành xuất khẩu chưa tăng tương ứng gây khó khăn về nguồn vốn cho thương nhân; chưa có sự kết nối chia sẻ thông tin giữa các thương nhân để nâng cao chất lượng, hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam, tránh cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến uy tín gạo tại một số thị trường trọng điểm.
Bên cạnh đó, biến động địa - chính trị, lạm phát tăng cao, ảnh hưởng thiên tai gây ra hạn hán, mất mùa tại các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn gây ảnh hưởng đến nguồn cung thương mại gạo thế giới cùng xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí logistic gia tăng...