|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp năng lượng lớn của phương Tây thoái vốn tại mỏ khí đốt của Nga

20:30 | 27/08/2022
Chia sẻ
TotalEnergies là doanh nghiệp khí đốt lớn duy nhất của phương Tây vẫn còn hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Nga. Cuối tuần này, công ty vừa công bố bán cổ phần tại mỏ khí đốt tại Siberia, nhưng vẫn giữ chân trong một số dự án quan trọng của Nga.

Theo Financial Times, TotalEnergies đang bán 49% cổ phần trong một mỏ khí đốt ở Siberia cho nhà sản xuất năng lượng Novatek của Nga. Quyết định được đưa ra vài ngày sau khi xuất hiện cáo buộc rằng mỏ khí đốt này đang cung cấp đầu vào dùng để sản xuất nhiên liệu máy bay được quân đội Nga sử dụng.

Không giống các tập đoàn dầu khí lớn khác như Shell, BP và Equinor đã tuyên bố rút khỏi Nga ngay sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự, TotalEnergies vẫn cố gắng để không phải thoái vốn khỏi tất cả các dự án chung tại Nga.

Hôm 26/8, TotalEnergies công bố bán cổ phần thiểu số của mình trong Terneftegaz - liên doanh với Novatek. Động thái trên đánh dấu một sự cắt giảm đáng kể trong cổ phần nắm giữ tại Nga của Total. Trong năm nay doanh nghiệp này đã cắt giảm 7,5 tỷ USD đầu tư tại Nga.

“Vào ngày 18/7/2022, TotalEnergies đồng ý bán 49% cổ phần trong Terneftegaz cho Novatek” công ty cho biết trong một tuyên bố. Phía Nga chấp nhận vào hôm 25/8 và một ngày sau, hai bên đã ký thỏa thuận cuối cùng, theo tập đoàn của Pháp.

Total, hiện vẫn nắm giữ 19,4% cổ phần của Novatek, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất của Nga sau gã khổng lồ Gazprom. Total cho biết động thái này phù hợp với chính sách đã công bố vào tháng 3 về việc "tạm ngừng dần dần" các hoạt động không đóng góp vào an ninh năng lượng của châu Âu tại Nga. 

Công ty này cũng thông báo đã hoàn tất việc bán 20% cổ phần trong dự án dầu Kharyaga vào tháng 8 cho Zarubezhneft, một công ty dầu khí quốc doanh của Nga.

Total vẫn giữ cổ phần trong nhà máy xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) Yamal ở Tây Bắc Siberia, và tại dự án LNG Bắc Cực trị giá 21 tỷ USD, dự kiến ​​bắt đầu xuất khẩu vào năm 2023.

Giá khí đốt tại châu Âu tăng nhanh sau khi Nga siết nguồn cung hồi giữa tháng 6.

Việc thoái vốn diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với các chính trị gia châu Âu, khi giá khí đốt đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu tháng 6, có lúc ngưỡng kỷ lục 343EUR/MWh, đẩy châu lục già vào nguy cơ suy thoái sâu.

Các cổ đông khác của Novatek bao gồm Tập đoàn Volga thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Gennady Timchenko, người đang nằm trong danh sách trừng phạt của EU.

Ông Leonid Mikhelson, Giám đốc điều hành và cổ đông lớn của Novatek, đang chịu các lệnh trừng phạt từ Anh và Canada nhưng vẫn chưa phải đối mặt với các hạn chế tương tự từ Mỹ hay EU.

Chỉ là sự trùng hợp

Tổ chức phi chính phủ Global Witness và tờ Le Monde tuần này cáo buộc liên doanh của Total cung cấp khí ngưng tụ (khí thiên nhiên lỏng), dùng để sản xuất nhiên liệu máy bay.  Những nhiên liệu này sau đó được máy bay Nga sử dụng để tấn công Ukraine.

Hôm 26/8, Total phủ nhận việc sản xuất nhiên liệu máy bay cho quân đội Nga và nói rằng các sản phẩm khí ngưng tụ của công ty “chỉ dùng để xuất khẩu”. Công ty cho biết quyết định bán cổ phần tại Terneftegaz chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vì các cuộc thương thảo đã diễn ra từ lâu.

Ở Pháp, Total là một trong những công ty lớn chịu sức ép dữ dội từ các nhà bảo vệ môi trường và chính trị gia cánh tả. Những người này mong muốn chính phủ Pháp áp thuế thu nhập bổ sung vì lợi nhuận khổng lồ mà các doanh nghiệp năng lượng đã kiếm được do trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các công ty dầu mỏ phương Tây đã gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm người mua cổ phần tại các dự án của Nga.

Tháng này, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh cấm các nhà đầu tư từ “các quốc gia không thân thiện” được bán cổ phần trong các ngân hàng và dự án năng lượng quan trọng cho đến cuối năm mà không có sự chấp thuận của ông.

Minh Quang