|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp Mỹ lo sốt vó khi Nhà Trắng xác nhận ông Trump có quyền ép doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc

12:09 | 26/08/2019
Chia sẻ
Hai quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ khẳng định Tổng thống Donald Trump có thẩm quyền buộc doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc như ông đăng tweet mấy ngày trước. Tuy nhiên liệu ông Trump có sử dụng đến thẩm quyền này hay không lại là một vấn đề khác.

Bloomberg đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin mới đây khẳng định Tổng thống Donald Trump có thể viện dẫn Luật Quyền hạn Kinh tế Quốc tế Khẩn cấp (IEEPA), từ đó có thẩm quyền quản lí hoạt động thương mại trong trường hợp xuất hiện "mối đe dọa lớn và bất thường" từ bên ngoài đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế của Mỹ.

trump advisor

Tổng thống Trump cùng các cố vấn. Từ trái sang phải: Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Cố vấn Thương mại Peter Navarro. Ảnh: Getty Image.

Luật IEEPA được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1977 và từng được chính quyền Tổng thống Jimmy Carter sử dụng vào năm 1979 để ngăn chặn các tài sản do chính phủ Iran sở hữu chuyển qua hệ thống tài chính Mỹ.

Hôm 23/8, ông Trump đăng tweet "ra lệnh cho các doanh nghiệp Mỹ phải ngay lập tức tìm kiếm một phương án thay thế cho Trung Quốc, bao gồm cả việc đưa các công ty của mình trở về NHÀ và sản xuất hàng hóa tại nước Mỹ". 

Khi xuất hiện một số nghi ngờ về thẩm quyền của Tổng thống trong việc ra lệnh cho doanh nghiệp thay đổi hoạt động hợp pháp của mình, ông Trump nhắc tới Luật IEEPA nói trên và khẳng định: "Không còn gì phải tranh cãi".

Những dòng tweet này của ông Trump được đăng chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế lên 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Sau đó, Mỹ cũng nhanh chóng phản đòn, tuyên bố tăng thuế với 550 tỉ USD hàng Trung Quốc.

Nhiều quan chức có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền Tổng thống Trump từ lâu đã hối thúc ông dùng đến luật IEEPA trong một số trường hợp. 

Tuy vậy, áp dụng luật IEEPA để hạn chế dòng đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc bị cho là khá cực đoan và có thể ảnh hưởng tới những tập đoàn kinh tế chủ lực của Mỹ như General Motors, Tesla, Caterpillar hay Walmart.

Hồi tháng 5 năm nay, ông Trump đã viện dẫn luật IEEPA để tuyên bố nạn nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề khẩn cấp quốc gia và đe dọa áp thuế quan lên tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico, buộc nước này phải kiểm soát dòng người nhập cư vào Mỹ.

Sau những lời đe dọa đánh thuế qua lại lẫn nhau hôm 23/8, thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 623 điểm (tương đương 2,4%), mất mốc 26.000 điểm mà tụt xuống dưới ngưỡng một năm về trước.

Có thẩm quyền nhưng chưa dùng ngay?

Tuy khẳng định ông Trump hoàn toàn có thể ép doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc, Bộ trưởng Steven Mnuchin cho rằng dòng tweet của Tổng thống mang tính cảnh báo nhiều hơn là ra lệnh.

"Ý của Tổng thống là yêu cầu các doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm các phương án thay thế để phòng trường hợp cuộc chiến thương mại tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp Mỹ có thể chuyển đi một cách dễ dàng", ông Mnuchin nói.

Cố vấn kinh tế Mỹ Larry Kudlow đồng tình với quan điểm này, cho rằng: "Hiện tại Tổng thống không sử dụng quyền lực khẩn cấp nào. Chính phủ Mỹ có thẩm quyền để hành động nhưng chúng tôi sẽ không làm ngay lúc này. 

Tổng thống chỉ đang đề nghị các doanh nghiệp Mỹ suy nghĩ về việc chuyển chuỗi cung ứng đi khỏi Trung Quốc. Đây là vấn đề mà ông Trump đã nói rất nhiều lần với nhiều doanh nghiệp trong nhiều dịp khác nhau".

Tại hội nghị G7, ông Trump nói: "Xét theo nhiều phương diện thì đây là một vấn đề khẩn cấp. Hiện tôi vẫn chưa có kế hoạch gì. Thực ra Mỹ và Trung Quốc vẫn đang thương lượng với nhau rất tích cực. Tôi nghĩ Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận thương mại nhiều hơn là Mỹ".

Luật IEEPA cho phép ông Trump không cần xin phép Quốc hội mà vẫn có thể "điều tra, quản lí và ngăn cấm rất nhiều hoạt động, từ giao dịch ngoại hối tới cấp tín dụng và đóng băng tài sản. 

Về lí thuyết, ông Trump có thể dùng luật này để cấm giao thương xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc, đóng băng tài sản Trung Quốc và không cho Trung Quốc tham gia hệ thống tài chính Mỹ.

Theo ông Raj Bhala – một chuyên gia luật thương mại quốc tế tại Trường Đại học Luật Kansas, "Viện dẫn luật cho những mục đích chống Trung Quốc như trên không phải là dễ, nhưng cũng không phải chuyện nực cười".

"Luật này ban đầu được Quốc hội thông qua không phải nhằm mục đích phục vụ cho những tình huống như cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là ông Trump sẽ không sử dụng nó".

Doanh nghiệp Mỹ đứng ngồi không yên

Mặc dù các cố vấn của ông Trump cho rằng Tổng thống sẽ chưa buộc doanh nghiệp phải rời khỏi Trung Quốc ngay, giới doanh nghiệp Mỹ vẫn không tránh khỏi lo lắng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CBS, ông Josh Bolten – Tổng Giám đốc của tổ chức Business Roundtable nhận định: "Ông Trump có quyền lực rất lớn thông qua các biện pháp khẩn cấp và hoàn toàn có khả năng gây ra thiệt hại khổng lồ – không chỉ với nền kinh tế Trung Quốc mà với cả nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu".

Ông Bolten từng là Chánh Văn phòng Nhà trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush. Business Roundtable là một hiệp hội tập hợp các CEO của các tập đoàn lớn nhất nước Mỹ như Amazon, Apple, General Motors, … Chủ tịch của Business Roundtable là ông Jamie Dimon – CEO của JP Morgan Chase.

Theo ông Bolten, việc thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, chỉ số Dow Jones mất 623 điểm trong ngày ông Trump tuyên bố tăng thuế và yêu cầu doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc đã thể hiện phần nào sự lo lắng của giới doanh nhân.

"Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chuẩn bị phương án sẵn sàng dừng đầu tư mới nếu vấn đề chiến tranh thương mại không được giải quyết. Rủi ro lớn nhất ở đây là tất cả doanh nghiệp cùng lúc cắt dòng vốn đầu tư – đó đúng là thảm họa, không chỉ đối với Trung Quốc mà với cả Mỹ", ông nói thêm.

Theo ông Bolten, tổ chức Business Roundtable ủng hộ việc ông Trump giải quyết các vấn đề như ăn cắp tài sản trí tuệ nhưng rất lo sợ cuộc chiến thương mại sẽ leo thang vượt tầm kiểm soát.

Giống như Business Roundtable, Hội đồng Ngành Công nghệ Thông tin (ITIC) với các thành viên lớn như Amazon, Facebook … cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc với động thái mới đây của ông Trump:

"Giống như thuế quan, việc sử dụng các quyền lực khẩn cấp quốc gia để buộc doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra bất ổn về kinh tế, tăng chi phí với người tiêu dùng và phủ bóng đen lên môi trường kinh doanh của nước Mỹ", Bloomberg dẫn lời Tổng Giám đốc ITIC ông Jason Oxman cho biết.

Song Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.