|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp dệt may chuyển hướng dùng nguyên liệu trong nước

07:59 | 12/12/2020
Chia sẻ
COVID-19 và tiến trình hội nhập ngày càng nhanh khiến các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm thiểu rủi ro đứt gãy nguồn cung ứng và đáp ứng yêu cầu qui tắc xuất xứ.

Tại Hội thảo quốc tế ngành dệt may - da giày Việt Nam tổng kết 1 năm sau Covid-19 và phát triển bền vững do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến 87,1% doanh nghiệp dệt may bị giảm đơn hàng.

Ngoài ra, có 53,5% doanh nghiệp dệt may bị khách hoãn hủy đơn; 22,9% doanh nghiệp dệt may không xuất khẩu được.

Theo Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết các doanh nghiệp đang chuyển dần việc mua nguyên vật liệu trong nước nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy nguồn cung ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn về qui tắc xuất xứ. 

Doanh nghiệp dệt may chuyển hướng dùng nguyên liệu trong nước - Ảnh 1.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Theo đó, vấn đề thiếu nguyên phụ liệu có thể khiến nhãn hàng từ châu Âu và khối CPTPP không được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định EVFTA và CPTPP cũng là một yếu tố quan trọng mà các công ty nhập khẩu phải cân nhắc.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định đại dịch đặt ra vấn đề cần suy nghĩ thấu đáo. 

Cụ thể, các doanh nghiệp không nên bỏ thóc vào một giỏ. Hiện tại, nguyên phụ liệu phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Trong khi đó, chiến lược của ngành từ trước đến nay muốn phát triển nguyên phụ liệu cho  ngành dệt may thay vì phụ thuộc vào nguồn cung ở nước khác. 

Bên cạnh đó, ông Cẩm cũng cho rằng không chỉ tập trung xuất khẩu, ngành dệt may cũng phải chú trọng khai thác thị trường nội địa.

Thực tế, một số doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng trong ngành dệt may. Trao đổi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, cho biết hiện công ty đang xây dựng Cụm Công nghiệp Thái Nguyên nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may như dệt, nhuộm, xơ, vải, chỉ may…

Doanh nghiệp dệt may chuyển hướng dùng nguyên liệu trong nước - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. (Ảnh: Đức Quỳnh)

“Ngành dệt may đang thiếu các cụm công nghiệp trong đó tập hợp các nhà cung ứng nguyên liệu. Nguyên nhân là các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng các cụm này không xin được đánh giá tác động môi trường. 

Cụm công nghiệp này sẽ góp phần khỏa lấp chỗ trống trong vấn đề tự chủ nguyên phụ liệu trong nước, đặc biệt là nguồn vải”, ông Thời nói.

Bên cạnh đó, Công ty Sợi Phú Bài đã thúc đẩy việc bán sợi cho nhiều doanh nghiệp FDI trong nước trong thời gian dịch. 

Một số công ty khác đã thuyết phục nhãn hàng sử dụng vải và nguyên phụ liệu trong nước thay vì nhập khẩu hoàn toàn như trước đây để tận dụng được ưu đãi thuế quan qua các hiệp định thương mại tự do.

Giải pháp công nghệ trong bối cảnh COVID-19 tác động đến tổ chức sản xuất nhanh, tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhanh của các đơn hàng của dệt may và da dày. 

Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2019 Việt Nam có 1.085 doanh nghiệp thuộc nhóm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may và da giày. 

Trong đó, có 226 doanh nghiệp sản xuất sợi, chỉ may, 229 doanh nghiệp sản xuất vải, 76 doanh nghiệp sản xuất vải dệt kim, 204 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngành dệt (in, nhuộm, thêu, ren, giặt tẩy…), 76 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm dệt khác hay các nguyên phụ liệu ngành may (khăn bông, nhãn mác, khăn trải bàn, màn tuyn…), và 44 doanh nghiệp hoạt động trong cả hai lĩnh vực dệt và may.

H.Mĩ