|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp bán khẩu trang y tế tại sân bay Nội Bài với giá 35.000 đồng/cặp thu hơn 3 tỉ mỗi ngày, 2 đồng vốn 1 đồng lãi

07:25 | 31/01/2020
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí IV/2019 vừa được CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs - Mã: AST) công bố, doanh thu của doanh nghiệp này tiếp tục tăng 31,1% so với năm 2018, đạt 1.141 tỉ đồng doanh thu năm 2019, tương ứng mỗi ngày thu hơn 3 tỉ đồng.

Lãi gộp Taseco Airs đạt 618 tỉ đồng; biên lợi nhuận gộp đạt đến 54,16%, tương ứng với 2 đồng doanh thu, Taseco thu lãi hơn 1 đồng. Đây là tỉ suất sinh lời cao hàng đầu trên thị trường hiện nay bên cạnh các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thuộc nhóm độc quyền kinh tự nhiên như như trường hợp CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco)...

Riêng trong quí IV, Taseco Airs đạt 296 tỉ đồng doanh thu thuần, thu về 154 tỉ đồng lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 51,96%; Sau khi trừ các chi phí, Taseco Airs báo lãi trước thuế quí IV đạt 53 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kì năm trước; riêng lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm 12% xuống 37 tỉ đồng.

Dù vậy, tính chung cả năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Taseco Airs vẫn tăng đến 29% so với năm trước lên mức 263 tỉ đồng; phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty vẫn tăng 18,6% so với cùng kì năm trước, ghi nhận mức 191 tỉ đồng.

Nhờ lợi nhuận tăng, tổng tài sản Taseco Airs đã tăng hơn 200 tỉ đồng lên mức 874 tỉ đồng tại thời điểm chốt sổ năm 2019 so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu cũng tăng gần 100 tỉ đồng lên mức 644 tỉ đồng.

Tỉ suất sinh lợi trên tổng vốn chủ sở hữu của Taseco Airs lên đến 32%, một con số trong mơ đối với nhóm doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Doanh nghiệp bán khẩu trang y tế tại sân bay Nội Bài với giá 35.000 đồng/cái thu hơn 3 tỉ mỗi ngày, 2 đồng vốn 1 đồng lãi - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC Taseco Airs

Taseco Airs có tiền thân là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco Nội Bài được thành lập vào năm 2015. Năm 2017, Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh thành Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco và đưa cổ phiếu AST lên sàn HOSE vào đầu tháng 1/2008.

Công ty hiện đang kinh doanh cửa hàng bách hoá lưu niệm, cửa hàng miễn thuế tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Vân Đồn... với thương hiệu Lucky và Jalux Taseco thông qua các đơn vị thành viên gồm 99,9% vốn tại CTCP Dịch Vụ Taseco Đà Nẵng, 65% vốn tại Taseco Sài Gòn; 51% vốn tại Công ty TNHH Hàng miễn Thuế Jalux Taseco và 100% vốn tại Taseco Oceanview Đà Nẵng (đơn vị khai thác vận hành khách sạn Alacarte).

Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của Taseco Airs gần giống với một doanh nghiệp khác trong ngành dịch vụ hàng không là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bây Tân Sơn Nhất (Sasco – Mã: SAS) - công ty độc quyền kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất của ông "vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn, cả hai doanh nghiệp đều có biên lợi nhuận rất cao nhờ rào cản gia nhập thị trường lớn.

Cổ đông lớn nhất của Taseco Airs là CTCP Dịch vụ hàng không Thăng Long (nắm giữ 55%), hai cổ đông nước ngoài là quỹ PENM IV của Đức (nắm giữ 16,09%) và quĩ STIC của Hàn Quốc (nắm giữ 10%).

Mới đây, mạng xã hội đưa hình ảnh cùng thông tin Taseco Airs bán khẩu trang y tế tại sân bay Nội Bài với giá 35.000 đồng, cao hơn hàng chục lần giá thị trường. Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng doanh nghiệp lợi dụng lúc hành khách lo sợ dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan đã đẩy giá bán lên cao nhằm thu lợi.

Ngay sau đó, báo chí dẫn lời đại diện công ty này đã nói rằng Công ty đã niêm yết giá bán 35.000 đồng là giá bán cho một cặp 2 cái chứ không phải 1 cái từ năm 2018 và khẳng định không có chuyện lợi dụng mùa dịch để đẩy giá khẩu trang lên cao. 

Tiếp đến, Taseco Air đã gỡ mức giá niêm yết và tiến hành phát khẩu trang miễn phí cho hành khách tại 2 quầy hàng ở khu C nhà ga T1 Nội Bài.

Doanh nghiệp bán khẩu trang y tế tại sân bay Nội Bài với giá 35.000 đồng/cái thu hơn 3 tỉ mỗi ngày, 2 đồng vốn 1 đồng lãi - Ảnh 2.

Cổ phiếu AST trên sàn HOSE đã tăng mạnh trong năm 2019 (nguồn: Fireant)

 

Hoàng Trung