Dịch COVID-19 hôm nay 2/4: Ca bệnh mới tại Mỹ, Hàn tăng trở lại
Dịch COVID-19-19 hôm nay ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (2/4) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 2.617 ca bệnh, trong đó có 1.603 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tính đến ngày 1/4, 51.216 người trên cả nước tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 27.478.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.359/2.617 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 18 ca; số ca âm tính lần hai là 15 ca, lần ba là 35 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 130,14 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,83 triệu người tử vong và 104,87 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trở lại.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Các chuyên gia vắc xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết qua phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng hai loại vắc xin do Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc sản xuất cho thấy chúng an toàn và có "hiệu quả tốt", nhưng còn thiếu dữ liệu với nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền, theo Reuters.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 31,24 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 74.687 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 927 ca, nâng tổng số lên 566.255.
Tổng số người phục hồi là hơn 23,75 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 89.459 và 3.673 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 12,84 triệu và 325.559 người.
Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 11,23 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. Nước này đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba tồi tệ nhất với số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày cao chưa từng thấy.
Tháng ba là tháng có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất ở Brazil kể từ khi đại dịch xuất hiện, với 57.606 ca, nhiều hơn 75% so với tháng chết chóc thứ hai trong đại dịch ở Brazil hồi tháng 7/2020.
Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 12,3 triệu ca nhiễm và 163.428 ca tử vong, tăng lần lượt 81.441 (mức tăng cao nhất trong 5 tháng trở lại) và 468 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,52 triệu người đã khỏi bệnh.
AFP đưa tin, nước này đã bắt đầu tiêm chủng cho hàng chục nghìn người trên 45 tuổi vào hôm qua trong nỗ lực chống lại các ca bệnh mới đang gia tăng liên tục trong hơn một tháng qua.
Pháp trở thành vùng dịch lớn thứ 4 thế giới sau khi ghi nhận thêm 50.659 ca bệnh và 314 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Nước này hiện đã có tổng cộng hơn 4,69 triệu ca nhiễm, trong đó có 95.976 người không qua khỏi và 296.166 người hồi phục (6%).
Số ca COVID-19 mới hàng ngày ở Pháp tăng gấp đôi kể từ tháng 2 lên gần 40.000 ca. Chương trình thu mua vắc xin đang gặp khó khăn của EU đã dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Pháp khi mới chỉ có 11,75% dân số nước này được tiêm một liều tính tới 29/3.
Nga, vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.169 ca mắc và 383 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,55 triệu trường hợp, trong đó 99.233 trường hợp tử vong, và hơn 4,17 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang tiếp tục giảm, số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Nga hôm qua đã quyết định duy trì quy định về khẩu trang trên toàn quốc, theo The Moscow times.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua đã tiêm mũi đầu tiên của vắc xin AstraZeneca, chỉ hai ngày sau khi giới chức y tế nước này khuyến cáo chỉ sử dụng loại vắc xin này cho những người từ 60 tuổi trở lên, trong bối cảnh lo ngại về các cục máu đông bất thường được báo cáo ở một số ít người đã được tiêm, theo AFP.
Một số quốc gia khác, gồm Pháp, Tây Ban Nha và Canada, cũng đã giới hạn độ tuổi người tiêm AstraZeneca. Dịch bệnh tại Đức diễn biến phức tạp khi các ca nhiễm mới tăng trong hơn hai tuần qua.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 16 ca nhiễm mới, trong đó có 6 trường hợp bản địa ở tỉnh Vân Nam, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.217 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.385 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Tất cả các ca bệnh mới đều ở ở thành phố Ruili, tỉnh Vân Nam. Thành phố này đã kích hoạt các biện pháp phòng dịch và bắt đầu tiến hành tiêm chủng COVID-19 từ hôm qua.
Tổng cộng 114,69 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên khắp Trung Quốc tính đến 30/3.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 551 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 103.639 ca, trong đó có 1.735 trường hợp tử vong, và 95.439 người đã hồi phục (90%). Ca nhiễm mới tại nước này đã tăng vượt mức 500 trong ngày thứ hai liên tiếp.
Giới chức y tế cho biết Busan sẽ nâng các quy định về giãn cách xã hội lên Cấp độ 2 từ hôm nay. Một số tỉnh và thành phố cũng đang cân nhắc việc nâng mức độ các hạn chế khi các ca nhiễm COVID-19 ở bên ngoài khu vực Seoul đang gia tăng.
Tính đến ngày hôm qua, tổng cộng 876.573 người đã được tiêm vắc xin COVID-19, 28 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin cũng đã được báo cáo, theo Yonhap.