Dịch COVID-19 hôm nay 1/4: Pháp tái phong tỏa toàn quốc
Dịch COVID-19-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Dịch COVID-19 hôm nay 2/4
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (1/4) không có ca mắc COVID-19-19. Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 2.603 ca bệnh, trong đó có 1.603 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tính đến ngày 31/3, 49.743 người trên cả nước tiêm vắc xin phòng COVID-19-19.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.008.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.359/2.603 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 18 ca; số ca âm tính lần hai là 15 ca, lần ba là 35 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 129,43 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,82 triệu người tử vong và 104,38 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trở lại.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Giới chức y tế Đức hôm 30/3 đã quyết định hạn chế sử dụng vắc xin AstraZeneca ở những người dưới 60 tuổi, trong bối cảnh lo ngại về các cục máu đông bất thường được báo cáo ở một số ít người đã được tiêm. Trước đó, Canada và thủ đô Berlin của Đức cũng đã có động thái tương tự, theo AFP.
Ở một diễn biến khác, các chuyên gia vắc xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết qua phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng hai loại vắc xin do Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc sản xuất cho thấy chúng an toàn và có "hiệu quả tốt", nhưng còn thiếu dữ liệu với nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền, theo Reuters.
AFP đưa tin, hãng dược BioNTech/Pfizer hôm qua tuyên bố vắc xin của họ có hiệu quả 100% trong việc phòng COVID-19 ở trẻ 12 - 15 tuổi.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 31,16 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 63.698 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.052 ca, nâng tổng số lên 565.193.
Tổng số người phục hồi là hơn 23,67 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ đang chững lại ở mức 60.000 trong khoảng một tháng qua.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 89.200 và 3.950 ca (mức tăng cao kỷ lục) trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 12,75 triệu và 321.886 người.
Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 11,16 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. Nước này đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba tồi tệ nhất với số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày cao chưa từng thấy.
Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 12,22 triệu ca nhiễm và 162.960 ca tử vong, tăng lần lượt 72.182 và 458 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,47 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới hàng ngày tại đây tăng mạnh trở lại trong hơn một tháng qua.
Pháp trở thành vùng dịch lớn thứ 4 thế giới sau khi ghi nhận thêm 41.907 ca bệnh và 303 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Nước này hiện đã có tổng cộng hơn 4,64 triệu ca nhiễm, trong đó có 95.640 người không qua khỏi và 294.638 người hồi phục (6%).
AFP đưa tin, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo mở rộng lệnh phong toả tại 19 khu vực bao gồm cả Paris ra toàn bộ nước Pháp trong 4 tuần từ ngày 3/4. Các trường học và trung tâm chăm sóc cũng phải đóng cửa trong ba tuần cho đến ngày 26/4.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh số ca COVID-19 mới hàng ngày ở Pháp tăng gấp đôi kể từ tháng 2 lên gần 40.000 ca.
Ông Macron hứa rằng tất cả người dân trên 60 tuổi sẽ có thể được tiêm vắc xin từ ngày 16/4 và từ ngày 15/5 với người trên 50 tuổi. Chương trình thu mua vắc xin đang gặp khó khăn của EU đã dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Pháp khi mới chỉ có 11,75% dân số nước này được tiêm một liều tính tới 29/3.
Nga, vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 8.277 ca mắc và 409 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,53 triệu trường hợp, trong đó 98.442 trường hợp tử vong, và hơn 4,15 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang tiếp tục giảm, số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Cơ quan thú y nhà nước cho biết Nga đã phê duyệt loại vắc xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới dành cho vật nuôi, theo The Moscow times.
Trước đó, ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Viện Nghiên cứu Gamaleya ở Moskva cảnh báo virus SARS-CoV-2 có thể trở nên dễ lây lan hơn và lây sang một nhóm vật chủ hoàn toàn mới, theo TTXVN.
"SARS-CoV-2 vẫn chưa nhận ra hết khả năng gây bệnh của nó. Giai đoạn tiếp theo là xuất hiện sự lây nhiễm trong các trang trại và vật nuôi trong nhà.", nhà khoa học cho biết.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, trong đó có 6 trường hợp bản địa ở tỉnh Vân Nam, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.201 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.385 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung Quốc đang viện trợ vắc xin COVID-19 cho 80 quốc gia và ba tổ chức quốc tế, xuất khẩu vắc xin đến hơn 40 quốc gia và hợp tác với hơn 10 nước trong việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết hôm 30/3. Về chương trình tiêm chủng trong nước, tính tới hôm 29/3, Trung Quốc đã tiêm 110,96 triệu liều vắc xin.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 506 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 103.088 ca, trong đó có 1.731 trường hợp tử vong, và 95.030 người đã hồi phục (90%). Dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tại đây.
Ca nhiễm mới tại nước này trong 24 giờ qua đã tăng vượt mức 500, một dấu hiệu cho thấy sự lây nhiễm đang gia tăng trên khắp đất nước khi người dân đi lại nhiều hơn trong thời tiết mùa xuân.
Tính đến ngày hôm qua, tổng cộng 852.202 người đã được tiêm vắc xin COVID-19, 26 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin cũng đã được báo cáo, theo Yonhap.