Dịch COVID-19 hôm nay 31/3: Một số nước dừng tiêm vắc xin AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi
Dịch COVID-19-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Dịch COVID-19 hôm nay 1/4
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (31/3) không có ca mắc COVID-19-19. Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 2.594 ca bệnh, trong đó có 1.603 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tính đến ngày 30/3, 48.256 người trên cả nước tiêm vắc xin phòng COVID-19-19.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.008.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.359/2.594 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 18 ca; số ca âm tính lần hai là 15 ca, lần ba là 35 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 128,78 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,81 triệu người tử vong và 103,91 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trở lại.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
DW đưa tin, Canada và thủ đô Berlin của Đức mới đây đã dừng tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca lần lượt cho người dưới 60 và 55 tuổi do lo ngại nguy cơ đông máu, và các tác dụng phụ.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 31,09 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 61.180 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 858 ca, nâng tổng số lên 564.125.
Tổng số người phục hồi là hơn 23,58 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ đang chững lại ở mức 60.000 trong gần hai tuần trở lại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/3 công bố loạt động thái mới nhằm mở rộng chiến dịch tiêm chủng và đảm bảo 90% người lớn đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19 trước ngày 19/4; đồng thời cảnh báo cuộc chiến đánh bại COVID-19 tại Mỹ "còn lâu mới thắng" và kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng dịch khi đất nước có nguy cơ đối mặt với đợt sóng lây nhiễm thứ tư, theo CNBC.
143 triệu mũi vắc xin đã được tiêm cho các Nhân viên y tế Mỹ và 16% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong đó có 50% người trên 65 tuổi.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 86.704 và 3.668 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 12,66 triệu và 317.936 người.
Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 11,07 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. Nước này đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba tồi tệ nhất với số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày cao chưa từng thấy.
Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 12,14 triệu ca nhiễm và 162.502 ca tử vong, tăng lần lượt 53.158 và 355 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,42 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới hàng ngày tại đây tăng mạnh trở lại trong hơn một tháng qua.
Pháp trở thành vùng dịch lớn thứ 4 thế giới sau khi ghi nhận thêm 30.702 ca bệnh và 348 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Nước này hiện đã có tổng cộng hơn 4,58 triệu ca nhiễm, trong đó có 95.337 người không qua khỏi và 292.796 người hồi phục (6%). Ca bệnh mới tại đây tăng liên tục trong gần hai tháng qua.
Các bác sỹ tại thủ đô Paris cảnh báo hệ thống y tế sắp quá tải và phải từ chối bệnh nhân nếu giới chức không áp lệnh phong toả toàn quốc, theo AFP.
Chính phủ Pháp tự hào về việc đã giữ cho các trường học được mở cửa trong khi hệ thống giáo dục của các quốc gia láng giềng đã đóng cửa từ đầu năm nay, nhưng giới chuyên gia giáo dục và y tế hiện đang yêu cầu một sự xem xét nghiêm túc trong bối cảnh các ca mắc trong trường học tăng cao.
Nga, vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 8.277 ca mắc và 409 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,53 triệu trường hợp, trong đó 98.442 trường hợp tử vong, và hơn 4,15 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang tiếp tục giảm, số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Áo đang đàm phán với Nga về việc mua một triệu liều vắc xin Sputnik V, dù loại vắc xin này vẫn chưa được các cơ quan quản lý của EU phê duyệt, theo The Moscow times.
Nga đã đồng ý trong một thỏa thuận với hơn 60 triệu liều vắc xin Sputnik V sẽ được sản xuất tại Trung Quốc từ tháng 5.
Ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Viện Nghiên cứu Gamaleya ở Moskva cảnh báo virus SARS-CoV-2 có thể trở nên dễ lây lan hơn và lây sang một nhóm vật chủ hoàn toàn mới, theo TTXVN.
"SARS-CoV-2 vẫn chưa nhận ra hết khả năng gây bệnh của nó. Giai đoạn tiếp theo là xuất hiện sự lây nhiễm trong các trang trại và vật nuôi trong nhà.", nhà khoa học cho biết.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.190 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.381 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Tính tới hôm 28/3, Trung Quốc đã tiêm 106,61 triệu liều vắc xin COVID-19 với tốc độ tiêm chủng có thể đạt tới 3 triệu liều/ngày.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 441 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 102.582 ca, trong đó có 1.729 trường hợp tử vong, và 94.563 người đã hồi phục (90%). Dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tại đây.
Tính đến ngày hôm qua, tổng cộng 822.448 người đã được tiêm vắc xin COVID-19, theo Yonhap.
Tình hình tại Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau hai ngày tạm lắng với số ca mới chỉ tăng thêm vài chục, Campuchia hôm qua thông báo số ca mắc mới tăng trở lại mức ba chữ số trong một ngày (105 ca), trong đó số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất là ở thủ đô Phnom Penh, và hầu như đều có liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20/2", theo TTXVN.
Các ca mới là người Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam ở các tỉnh, thành gồm Phnom Penh (46 ca), Sihanoukville (34 ca), Svay Rieng (20 ca), Prey Veng (1 ca), Kampong Cham (2 ca) và Tbong Khmum (1 ca).
Hôm 29/3, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã công bố kế hoạch phân bổ một triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho 500.000 người trong tháng tới, và đặt mục tiêu tiêm phòng cho một triệu người/tháng.
Kế hoạch đẩy nhanh tiêm phòng COVID-19 được đưa ra sau khi lô hàng 1,5 triệu liều vắc xin Sinovac của Trung Quốc đã đến Sân bay quốc tế Phnom Penh ngày 26/3 vừa qua. Hôm nay, Campuchia dự kiến nhận thêm 700.000 liều vắc xin của Sinopharm là quà tặng của Trung Quốc cho Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế Campuchia.