|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su (GVR): Đầu tư mạnh vào KCN trong năm 2020

09:18 | 12/06/2020
Chia sẻ
Cả trong năm nay và giai đoạn 5 năm (2021-2025), đầu tư vào các khu công nghiệp là một trong những mục tiêu trọng tâm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
ĐHĐCĐ GVR: Đầu tư mạnh vào KCN trong năm 2020 - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ GVR sáng ngày 12/6 (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Kế hoạch lãi 4.029 tỉ đồng, đầu tư mạnh vào KCN

Sáng ngày 12/6, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020.

HĐQT GVR cho biết, trong năm 2020, ngoài việc kinh doanh hiệu quả để đảm bảo cổ tức cho cổ đông, GVR còn phải tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế nhằm đạt kế hoạch 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ở mức cao nhất.

GVR có 5 công ty công nghiệp cao su và hiện quản lí hơn 410.000 ha cao su trong và ngoài nước.

Trong đó, diện tích cao su trong nước khoảng 300.000 ha, Campuchia 87.000 ha và Lào 30.000 ha.

Về chế biến, tập đoàn có 55 nhà máy và xưởng chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế 538.300 tấn mỗi năm.

Bên cạnh đó, tập đoàn đang đầu tư vào 12 công ty hoạt động ở lĩnh vực hạ tầng KCN và quản lí 16 KCN với tổng diện tích trên 6.566 ha, đơn cử như: Nam Tân Uyên, Tân Bình, Hố Nai, Long Khánh, Bắc Đồng Phú, Dầu Giây, Rạch Bắp, Thống Nhất, VRG Long Thành, Bình Long, Chí Linh,...

Cụ thể, tập đoàn chỉ tập trung vào 5 ngành nghề truyền thống và có lợi thế: (1) Trồng, chăm sóc, chế biến mủ cao su; (2) chế biến gỗ cao su; (3) sản phẩm công nghiệp cao su; (4) khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su và (5) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, hai mảng trồng, chăm sóc, chế biến mủ cao su và sản phẩm công nghiệp cao su hiện có lợi nhuận không cao do giá giảm. Do vậy, tập đoàn chỉ duy trì qui mô hiện tại và không thực hiện đầu tư mở rộng.

Ngược lại, chế biến gỗ cho lợi nhuận khá tốt và có cơ hội phát triển nên GVR sẽ đầu tư bổ sung, kết hợp với sáp nhập một số doanh nghiệp gỗ trong ngành.

Mảng khu công nghiệp vừa có lợi nhuận cao, tiềm năng và nhiều lợi thế nên GVR sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh trong năm nay và giai đoạn 2021-2025.

Riêng mảng nông nghiệp công nghệ cao có rủi ro đầu ra nên tập đoàn đầu tư thận trọng, sẽ nâng dần qui mô phù hợp với tình hình thực tế.

Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Bảo cho biết: "Ngành cao su đang đứng trước những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp và bệnh hại cây cao su diễn biến phức tạp.

Đồng thời, diễn biến khó lường của dịch COVID-19 vừa qua cũng là một thách thức đối với hoạt động kinh doanh".

ĐHĐCĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su (GVR): Đầu tư mạnh vào KCN trong năm 2020 - Ảnh 3.

Kế hoạch kinh doanh 2020 của GVR. Kế hoạch này có thể được điều chỉnh tùy tình hình thực tế (Nguồn: GVR)

Với những định hướng trên, HĐQT trình kế hoạch kinh doanh 2020 và đã được ĐHĐCĐ thông qua, doanh thu dự kiến 24.647 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.029 tỉ đồng, lần lượt tăng 8% và 5% so với kết quả đạt được ở năm 2019.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh, kế hoạch này được xây dựng trước khi dịch COVID-19 diễn ra nên ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT được điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

Về kế hoạch 5 năm (2021-2025), GVR sẽ tập trung đầu tư ba lĩnh vực: Sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển các khu công nghiệp.

Mục tiêu thoái vốn 2.061 tỉ đồng, cơ cấu lại quĩ đất

Tính đến ngày 31/12/2019, tập đoàn đã thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành và thu về gần 2.343 tỉ đồng (giá trị sổ sách xấp xỉ 1.391 tỉ đồng) và lãi 952 tỉ đồng.

Theo đó, giá trị cần phải thoái vốn còn lại trên 2.061 tỉ đồng, riêng 5 công ty chiếm hơn 50% giá trị thóa vốn còn lại.

Theo ông Huỳnh Văn Bảo, việc thoái vốn mang về cho tập đoàn nguồn thu đáng kể để cân đối vốn đầu tư phát triển, tạo ra lợi nhuận trước mắt để bù đắp phần thiếu hụt ở mảng cao su trong bối cảnh giá giảm.

Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ tiến hành chuyển đổi 20 công ty TNHH do tập đoàn sở hữu 100% vốn sang mô hình CTCP. Điều này tạo tính minh bạch cho doanh nghiệp, qua đó thu hút vốn đầu tư bên ngoài dễ hơn và tập đoàn sẽ giảm vốn tại các đơn vị này.

Ngoài ra, tập đoàn sẽ sáp nhập các đơn vị cùng ngành. Trong năm nay, sáp nhập Cao su Quavan vào Cao su Việt Lào, VRG Oudomxay vào Quasa Geruco, Cao su Hương Khê vào Cao su Hà Tĩnh, Cao su Đồng Phú Đăk Nông vào Cao su Đồng Phú,…

Liên quan đến vấn đề về quĩ đất, tập đoàn sẽ chuyển đổi những quĩ đất không phù hợp trồng cây cao su sang cây trồng khác (nông nghiệp, trồng rừng,…).

Nếu việc đầu tư không hiệu quả, tập đoàn sẽ chuyển nhượng tài sản trên đất để thu hồi vốn đầu tư và bàn giao đất cho địa phương.

Bên cạnh đó, tập đoàn có kế hoạch trồng 20.00 ha rừng, tương đương 5% quĩ đất cao su hiện nay, định hướng phát triển mạnh ở các khu vực miền trung thay vì phát triển đồng đều.

Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, tập đoàn sẽ không trồng rừng hoặc trồng với diện tích nhỏ. Quĩ đất ưu tiên phát triển cao su hoặc đầu tư các lĩnh vực khác có hiệu quả.

Thảo luận:

Trường hợp xấu nhất đối với mảng cao su nếu giá cao su tiếp tục giảm sâu? Dư địa giảm giá thành còn không?

Ông Phạm Văn Thành, Thành viên HĐQT: Vào thời điểm dịch COVID-19 vừa rồi chúng tôi cũng rất lo lắng về vấn đề này.

Tuy nhiên, qua diễn biến thị trường thời gian qua, chúng tôi hi vọng từ đây đến cuối năm vẫn giữ như hiện nay và khó có khả năng giảm thêm. Tập đoàn làm ra bao nhiêu sẽ bán bấy nhiêu.

Nếu giá cao su giảm dưới giá thành, quan điểm của tập đoàn vẫn tiếp tục sản xuất vì vấn đề này liên quan người lao động. Nếu ngưng hẳn, khi giá mủ lên, chúng ta sẽ không tìm được người lao động.

Do vậy, ít nhất chúng tôi sẽ tìm được đầu ra để có thể trả lương người lao động. Hiện tại mảng này vẫn có lãi chứ không đến nỗi dưới giá vốn.

Mảng gỗ MDF hiện có khá nhiều cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại (Thái Lan, Malaysia,…), khả năng cạnh tranh của công ty như thế nào?

Ông Phạm Văn Thành: Chúng tôi đã làm các thủ tục chống bán phá giá trình các cơ quan để xem xét vấn đề cạnh tranh nhưng chưa có kết quả.

Tôi cho rằng, những nhà máy của tập đoàn vẫn đủ sức cạnh tranh, chỉ có điều biên lợi nhuận thấp nên không hiệu quả như những năm trước.

Khi sản phẩm ngoại vào, giá thành trong nước giảm ngay. Thời gian dịch vừa rồi, hàng tồn kho cũng khá lớn và nay đã giảm dần.

Về định hướng tương lai, tập đoàn xác định không phát triển MDF nữa do sản lượng trong nước đã đáp ứng gần như đủ nhu cầu, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Mảng khu công nghiệp khá tiềm năng nhưng cũng lấp đầy khá nhiều. Tiến độ mở rộng các KCN ở miền Bắc?

Ông Phạm Văn Thành: Năm 2019, dù giá thuê tốt như tập đoàn vẫn không đạt được diện tích cho thuê như kế hoạch do vướng thủ tục, không kịp đưa các KCN vào hoạt động.

Trong năm nay, dự kiến có hai khu công nghiệp bắt đầu có sản phẩm thương mại. Thực tế, thủ tục phát triển một khu công nghiệp rất lâu, nếu nhanh cũng mất 2-3 năm. Riêng những khu qui hoạch mở rộng sẽ cố găng hoàn thành vào năm 2025.

Dự kiến giai đoạn 20210-2025, tổng diện tích đất thương phẩm đưa vào hoạt động khoảng 15.000 ha và cho thuê 600-1.000 ha.

Cụ thể về tiền đền bù sân bay Long Thành đã ghi nhận trong năm 2019 và dự kiến ghi nhận trong năm 2020, cũng như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiến độ đã đến đâu?

Ông Phạm Văn Thành: Với giá 600 triệu đồng mỗi ha, tập đoàn nhận về trên dưới 1.000 tỉ đồng. Khoản một nửa hoạch toán ở năm 2019, một nửa còn lại ghi nhận trong năm nay. Đến tháng 11 năm nay tập đoàn sẽ hoàn tất bàn giao cho tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, theo phương án cổ phần hóa, chúng tôi phải bàn giao về địa phương khoảng 1.000 ha mỗi năm để phát triển cơ sở hạ tầng. Tập đoàn cũng đấu tranh rất nhiều về giá đền bù.

Ông Huỳnh Văn Bảo: Tập đoàn phải bàn giao cho địa phương trên 2.100 ha, trong đó năm 2019 đã bàn giao 5.300 ha, còn lại 1.800 ha.

Tiến độ thoái vốn ở các công ty ngoài ngành?

Ông Phạm Văn Thành: Chúng tôi có danh mục các công ty ngoài ngành cần phải thoái vốn. Trong đó, có VRG (Mã: SIP) vẫn còn lấn cấn về cơ chế.

Chúng tôi muốn bán trực tiếp trên sàn, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước đây yêu cầu đấu giá, đến nay chưa có kết luận cuối cùng.

Hiện tại, tập đoàn đang cho thẩm định giá lần hai. Nếu vẫn tiếp tục không có kết quả, chúng tôi sẽ cho đấu giá trong năm 2020.

Nam Tân Uyên 4 do Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư hay Phước Hòa?

Ông Phạm Văn Thành: Không có khu Nam Tân Uyên 4. Còn hiện khu Nam Tân Uyên mở rộng mà chúng tôi tạm gọi là Nam Tân Uyên 2 do Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư.

Gần Nam Tân Uyên mở rộng còn một khu đất gần 100 ha phải chờ các thủ tục mới có thể ra quyết định, chứ không đơn giản muốn giao ai là giao.

Nguyên Ngọc