ĐHĐCĐ Saigonres: Chuyển nhượng vốn tại liên doanh với Đất Xanh vẫn chưa thu được tiền do thủ tục quá dài và quá rắc rối
Sáng ngày 10/6, CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres - Mã: SGR) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020. ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch doanh thu 650 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 146 tỉ đồng. Theo đó, mức cổ tức năm 2020 dự kiến 15-20%.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, "mức cổ tức 15% không phải cao. Thế nhưng nếu xét về vốn điều lệ đã tăng lên bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng ở những năm trước, mức cổ tức này tương đương với tỉ lệ 30%. Kế hoạch đề ra dao động 15-20%, HĐQT sẽ phấn đấu chia cổ tức 20%".
Đã chuyển nhượng vốn tại Gem Premium nhưng chưa thu được tiền
Ban lãnh đạo công ty cho biết, do thời gian thực hiện dự án dài nên khả năng đến năm sau mới có sản phẩm.
Do vậy, để hoàn thành được kế hoạch năm nay, Saigonres sẽ chuyển nhượng vốn góp tại Gem Premium, dự án liên doanh với Đất Xanh để có thể ghi nhận lợi nhuận.
Năm 2017, Saigonres Group cùng liên doanh với Đất Xanh thành lập ra công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside có vốn gần 1.000 tỉ đồng, qua đó đầu tư dự án Gem Premium.
Dự án này nằm trên tổng diện tích đất 6.7 ha, gồm các khối nhà chung cư cao 25 tầng, khối thương mại dịch vụ cao 7 tầng và khoảng 2.630 căn hộ.
Ngày 20/1 vừa qua, Saigonres đã hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp 25% tại Đầu tư Sài Gòn Riverside cho Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Biển Đông. Tổng giá trị hợp đồng gần 335 tỉ đồng.
Bà Mai Thanh cho biết: "Saigonres hiện có danh mục dự án dài, ghi nhận tồn kho gần 900 tỉ đồng. Phần lớn giá trị này nằm trong đất đai và nhiều dự án đền bù dở dang.
Trong đó, phần vốn lớn nhất nằm ở Gem Premium. Dự án này hiện đang vướng ở con đường đi vào, trách nhiệm làm đường này thuộc UBND quận Thủ Đức và bằng kinh phí của Saigonres. Thủ tục quá dài và quá rắc rối".
Theo thông tin Phó Chủ tịch trình bày tại đại hội, hiện những hộ dân ở con đường này đã đồng ý giá đền bù. Công ty sẽ nhanh chóng hoàn tất, dự án sẽ được giải tỏa và dòng tiền sẽ về 300-400 tỉ đồng.
Liên quan đến dự án này, ông Phạm Tuấn, Giám đốc đầu tư phát triển của Saigonres chia sẻ thêm: "Năm 2017, Saigonres đã kí hợp đồng với Đất Xanh để hợp tác đầu tư dự án theo tỉ lệ Đất Xanh 75% và Saigonres 25%.
Về thực chất, Saigonres đã đền bù xong dự án. Còn Đất Xanh xem như mua lại 75% và phải trả tiền cho Saigonres. Do vướng tuyến đường nên công ty chưa thu tiền về được".
Ngoài ra, Saigonres sẽ ghi nhận 300 tỉ đồng còn lại từ Dự án Lê Gia Plaza đã chuyển nhượng cho BĐS An Gia (Mã: AGG). Trước đó trong năm 2019, công ty đã ghi nhận một phần doanh thu.
Đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng cho các dự án, quĩ đất khoảng 100 ha
Theo dự kiến, Saigonres sẽ đầu tư trên 1.000 tỉ đồng vào các dự án trong năm nay. Trong đó, có ba dự án đang ở công đoạn cuối cùng cấp phép xây dựng và dự kiến khởi công, bao gồm: Chung cư An Phú Riverview, An Phú Residence và Phú Định Riverside.
Lãnh đạo công ty cho biết, quá trình thực hiện dự án rất dài và phức tạp, đặc biệt là những dự án liên quan đến đất công.
"Thậm chí, nếu không có liên quan đến đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước thì việc đền bù, giải tỏa cũng rất khó khăn.
Bây giờ theo chính sách đền bù mới, chúng ta phải tự thỏa thuận với người dân, dẫn đến thời gian kéo dài để thỏa thuận hết với các hộ dân có đất trên dự án.
Tuy nhiên, các dự án kéo dài cũng đã nhiều năm, giờ đã đến thời điểm kết thúc. Các dự án còn lại sẽ tiếp tục khẩn trương để có sản phẩm trong năm 2021 và 2022", bà Thanh cho hay.
Chia sẻ bên lề đại hội, Giám đốc đầu tư phát triển Phạm Tuấn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Saigonres sở hữu quĩ đất khoảng 100 ha. Trong đó, Bình Thuận 18 ha, Nhơn Trạch 10 ha, Hòa Bình 40 ha, Phú Quốc 16-17 ha,…
Đối với quĩ đất này, trước mắt công ty sẽ hoàn tất đền bù và các thủ tục pháp lí, sau đó xem xét tình hình thực tế để ra quyết định.
Bài toán vốn và giải pháp cho thanh khoản cổ phiếu SGR
Tại đại hội, một cổ đông đã gắn bó với Saigonres trên 10 năm chia sẻ, các dự án đang triển khai của Saigonres tương đối nhiều, trong khi đó lượng tiền mặt giảm.
Theo đó, cổ đông đặt câu hỏi liệu lượng tiền này có đủ triển khai dự án theo kế hoạch không và nếu hụt tiền thì giải pháp của công ty như thế nào?
Bên cạnh đó, vị cổ đông lâu năm cho rằng, "hành trình cổ phiếu SGR từ UPCoM lên HOSE là một bước tiến. Việc niêm yết cổ phiếu lên sàn là một công cụ để quảng bá thương hiệu miễn phí.
Thế nhưng khi nhìn lại, hình như cổ phiếu SGR không có giao dịch, thanh khoản rất kém. Do đó, cổ đông không biết mình là ai, trong khi lợi thế về thương hiệu của Saigonres so với một số doanh nghiệp cùng ngành rất lớn".
Trước ý kiến đóng góp của cổ đông, Phó Chủ tịch Saigonres chia sẻ: "Nếu làm một dự án hoàn thiện từ A đến Z thì mỗi năm chúng ta chỉ làm được một dự án.
Có những dự án chúng ta chỉ đi được nửa đường, không thể đi tiếp vì nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Nếu chúng ta nhìn qua đối thủ sẽ thấy sản phẩm của họ rất đẹp và phong phú. Chính điều đó hấp dẫn nhà đầu tư, giao dịch trên thị trường chứng khoán rất sôi động. Saigonres muốn sôi động như vậy phải có những dự án, sản phẩm đẹp.
Cho nên, mục tiêu trong tay luôn luôn có 3-5 dự án đẹp phát triển để trước hết hấp dẫn người mua, sau đó mới đến hấp dẫn nhà đầu tư. Còn nếu chúng ta làm một động thái gì đó tạm gọi là đánh bóng để nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu thì không bền vững".
Đối với kế hoạch huy động vốn, ông Phạm Tuấn cho biết, định hướng của Saigonres là phát triển bền vững và đảm bảo cổ tức cho cổ đông. Tính đến hiện tại, công ty chưa có kế hoạch huy động vốn bằng các hình thức như trái phiếu hay vay ngân hàng.
"Một dự án từ giai đoạn đầu tiên đến khi xây dựng và hoàn thành mất 2-3 năm tiền mới về. Cho nên, có nhiều dự án hoàn tất thủ tục xong công ty chuyển nhượng luôn. Tiền về sẽ tiếp tục phát triển các dự án khác.
Có nhiều hướng để Saigonres lựa chọn: Hợp tác với đối tác làm dự án và phát triển sản phẩm; Saigonres tự đầu tư nếu dự án vừa tầm; hoặc sẵn sàng chuyển nhượng nếu có đối tác trả giá cao,…", ông Phạm Tuấn chia sẻ.