|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Gỗ Trường Thành (TTF): 3/5 nhà xuất khẩu lớn nhất Việt Nam đóng cửa vì COVID-19, TTF vẫn hoạt động 100% công suất, dự kiến doanh thu gấp 3,7 lần năm 2019

15:47 | 27/04/2020
Chia sẻ
Nói thêm về kế hoạch 2020, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho rằng: "Cổ đông đừng nên nhìn con số doanh thu. Tôi có thể làm con số đó lớn hơn. Cái cam kết của chúng ta là năm nay phải có lãi, đây mới là vấn đề quan trọng. Anh em chúng tôi sống chết để năm nay có lãi, nếu không tôi xin từ chức, tôi không làm nữa".
ĐHĐCĐ Gỗ Trường Thành (TTF):  - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ thường niên 2020 của TTF chiều ngày 27/4. Ảnh: Nguyên Ngọc.

Chiều ngày 27/4, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 tại Hội trường công ty, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Mở đầu đại hội, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF cho rằng, ngành gỗ Việt Nam đang phát triển mạnh, mục tiêu năm 2020 vượt từ vị trí thứ 5 lên thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện các thị trường lớn đang đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến thị trường Việt Nam.

Tại Bình Dương, có gần 20 nhà máy đóng cửa và 3/5 nhà xuất khẩu lớn nhất Việt Nam (Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội) đóng cửa. Đến hiện tại, 100% nhà máy của TTF vẫn hoạt động, nhờ hỗ trợ của khách hàng. 

"Tương lai ra sao chưa ai biết cả, tạm thời chúng ta chỉ biết làm hết khả năng trong tình hình hiện nay", ông Mai Hữu Tín nói.

Kế hoạch 2020 lãi gần 70 tỉ đồng, "Cổ đông đừng nhìn vào con số doanh thu"

Trong năm 2020, TTF sẽ chủ động đàm phán với khách hàng truyền thống và đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó tích cực nâng cao hợp đồng trung và dài hạn tại các thị trường như Mỹ, Ý, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các kênh bán lẻ.

Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục cung cấp, lắp đặt sản phẩm nội ngoại thất uy tín cho các công trình lớn của các đơn vị như Vingroup, Tân Hoàng Minh, Sun Group…

Với thương hiệu gỗ Casadora, TTF sẽ tham gia vào phân khúc gỗ phong cách Ý cao cấp, phục vụ giới thượng lưu tại Việt Nam, Bên cạnh thị trường nội địa, công ty sẽ đánh vào các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga.

Hiện tại, TTF đã có 70% sản lượng gỗ dành cho xuất khẩu tại các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia… với các chuỗi cửa hàng Walmart, Tesco là khách hàng của TTF.

Vào tháng 1/2020, TTF đã khánh thành nhà máy Tủ Bếp với công suất 60 container mỗi tháng. Hiện tại, nhà máy của TTF đã nhận đủ đơn hàng đến cuối năm 2020 và dự kiến doanh số xuất khẩu sang Mỹ đạt bình quân 50 tỉ đồng mỗi tháng.

Chủ tịch TTF chia sẻ, "nhà máy này được xây dựng từ hai nhà máy cũ của TTF với diện tích 20.000 m2. TTF làm ngày làm đêm để có nhà máy đầu tiên, có hết hàng cho năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh".

Đại diện TTF cho biết, các sản phẩm từ nhà máy đáp ứng nhu cầu của các khách hàng Mỹ, trong bối cảnh tủ bếp từ Trung Quốc chịu cùng lúc ba loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế chống trợ giá và thuế chống phá giá) khi xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Ngoài nhà máy Tủ Bếp, TTF đang đầu tư xây dựng nhà máy ván ép mới mang tên CTCP Central Wood với công suất 9.000 m3 mỗi tháng. Nhà máy này được đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định.

"Nhìn vào con số trên BCTC 2019, chúng ta thấy những con số cực kì xấu. Nhưng đây đều là những dự báo từ trước. Thay vì nhìn những con số xấu đó, chúng tôi muốn các vị đi thăm nhà máy.

Năm ngoái, khi chúng ta ngồi ở Sứ Thiên Thanh thì năm nay, đơn vị này cũng đã có những bước chuyển mình lớn.

Năm 2020, Sứ Thiên Thanh kỉ niệm 70 năm thành lập. Rất hiếm hoi có doanh nghiệp nào ở Việt Nam có 70 năm tuổi đời. Sau những cải biến kĩ thuật, Sứ Thiên Thanh đã kí hợp đồng xuất lô hàng đầu tiên đi Mỹ trong 2-3 tháng tới.   

Sau khi cân nhắc, TTF tiếp tục giữ lại hai nhà máy ở Đắc Lắc và đổi tên thành TTF Cao Nguyên chuyên làm đồ gỗ ngoài trời. Dự kiến, TTF sẽ tổ chức lại, đủ hàng cho hai nhà máy chạy hết công suất trong năm nay. Trên thực tế, hai nhà máy này nợ rất nhiều và đã âm vốn", Chủ tịch TTF thông tin.

Theo TTF, lợi thế mà công ty tạo ra cho sản phẩm này là nguồn ván ép tự sản xuất với mỗi container tủ bếp xuất khẩu đi Mỹ cần 30 m3 ván ép.

Theo đó, TTF dự kiến doanh thu năm 2020 đạt trên 2.427 tỉ đồng, gấp 3,7 lần kết quả đạt được trong năm 2019 và lãi trước thuế kì vọng đạt gần 70 tỉ đồng.

ĐHĐCĐ Gỗ Trường Thành (TTF):  - Ảnh 2.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020. Nguồn: TTF

Tuy nhiên, TTF cũng cho rằng năm 2020 có nhiều rủi ro, thách thức với công ty, trước mắt là dịch COVID-19 tác động mạnh đến ngành gỗ và chế biến gỗ.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tác động đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Ý, châu Âu…

Ngoài ra, một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã kí, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch. Theo dự kiến của TTF, để kí các đơn hàng mới phải chậm 3-6 tháng.

Nói thêm về kế hoạch 2020, ông Tín cho biết: "Cổ đông đừng nhìn con số doanh thu, tôi có thể làm con số đó lớn hơn. Cái cam kết của chúng ta là năm nay phải có lãi, đây mới là vấn đề quan trọng. Anh em chúng tôi sống chết để năm nay có lãi, nếu không tôi xin từ chức, tôi không làm nữa.

Anh em chúng tôi mất ăn mất ngủ mấy tháng đầu năm. Bây giờ nếu quí vị hỏi chúng tôi dịch COVID-19 ảnh hưởng bao nhiêu đến 2.000 tỉ đồng doanh thu đó, tôi không trả lời được. Khi nào thị trường Mỹ mở cửa trở lại, theo dự kiến từ 1/6 thì mới ước tính được, tới lúc đó không có gì chúng ta mất tự tin cả".

Vì sao chưa bán liên doanh trồng rừng?

Chủ tịch HĐQT TTF chia sẻ, có cổ đông đã gửi vào email cá nhân để hỏi vì sao công ty không bán luôn liên doanh trồng rừng?

"Khi HĐQT và ban điều hành kí cũ với liên doanh, hai bên đã hứa với nhau rõ ràng liên doanh này sẽ trồng 17.000 ha rừng, nếu không sẽ bị phạt.

Trên thực tế, TTF chỉ làm được 6.693 ha đất, trong đó trồng được 6.624 ha rừng. Do sai cam kết, chúng ta bị phạt hơn 2 triệu USD, đây là con số chúng tôi thương lượng mãi.

Liên doanh này có vốn hơn 7 triệu USD, không đi vay ngân hàng, hai bên cùng bỏ vốn, trong đó TTF sở hữu 51%.

Đến hiện tại, liên doanh vay 3,2 triệu USD của cổ đông. Nếu bán, trừ đi chí phí, chúng ta còn hơn 3 triệu USD. Tuy nhiên, chúng ta từng nghĩ không bán vì cơ hội còn đây, tiềm năng khách hàng mấy năm qua rất nhiều.

Sau đó, chúng tôi tính đến bước nếu còn tiền, chúng ta mua luôn 49% còn lại của Nhật Bản và một năm chúng ta lãi được 3-4%, không đáng để làm. Do đó hiện tại, cả chúng ta và Nhật Bản đang thương lượng để bán hết 100%, có vậy mới tìm đối tác dễ dàng hơn.

Sẽ không chia cổ tức 2019 và 2020 do thua lỗ

Theo báo cáo của HĐQT, doanh thu bán hàng trong năm 2019 của TTF không đạt được như kì vọng, chỉ thực hiện được 56% kế hoạch bởi nhiều nguyên nhân. Các dự án lớn trong nước đều chững lại, kéo theo thị phần của công ty giảm.

Tính đến ngày 31/12/2019, TTF trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi 418 tỉ đồng và dự phòng giảm giá hàng tồn kho 693 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TTF chủ động chia tay với nhiều khách hàng không hiệu quả và dành nhiều thời gian để xử lí dứt điểm các vấn đề tồn đọng của công ty.

Ngoài ra, TTF đã trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi và hàng tồn kho, dẫn đến lỗ sau thuế hơn 1.000 tỉ đồng (kế hoạch chỉ lỗ 558 tỉ đồng).

Do kết quả kinh doanh trong năm bị lỗ và TTF cần vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên HĐQT trình các cổ đông thông qua việc không trích lập quĩ và không chia cổ tức cho hai năm 2019 và 2020.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.