ĐHCĐ PVOIL: Phó Tổng Vietjet vào HĐQT, vốn nhà nước giảm xuống 35,1% thì mới có bước nhảy vọt
Tạm dừng bán cổ phần PVOIL khiến nhà đầu tư thất vọng
Sáng 30/7, Tổng Công ty Cổ phần Dầu Việt Nam (PVOIL - Mã: OIL) tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất.
Đại hội đồng cổ đông của PVOIL sáng ngày 30/7. |
Trình bày về báo cáo tóm tắt quá trình cổ phần hóa, Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương cho biết, có 4 nhà đầu tư chiến lược xác nhận tham gia vào quá trình đàm phán, đặt cọc và đấu giá gồm Tập đoàn Dầu khí SK của Hàn Quốc, Tập đoàn Idenmitsu của Nhật, Sovico và HDBank. PV Oil đã có văn bản xin gia hạn chào bán thêm 4 tháng.
Tuy nhiên, Chính phủ không chấp thuận gia hạn thời gian bán cho nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, việc thoái vốn sẽ tiếp tục thực hiện sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần từ ngày 1/8. Việc quyết toán cổ phần hóa dự kiến hoàn tất trong quý I/2019. Nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn sau khi PVOIL chuyển thành công ty cổ phần.
Tại đại hội, một số cổ đông thắc mắc tại sao công ty không xây dựng kế hoạch kinh doanh 3-5 năm, ông Dương cho biết, điều này phục thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến giá dầu thế giới, cung cầu thị trường trong nước và đặc biệt là việc PVOIL bao giờ có cổ đông chiến lược.
Ông Dương cho hay, khi nào vốn Nhà nước giảm xuống dưới chi phối, đồng thời có thêm kinh nghiệm và nguồn lực tài chính từ các cổ đông chiến lớn thì công ty hy vọng sẽ có bước nhảy vọt về hiệu quả kinh doanh cũng như phát triển mở rộng hệ thống. PVOIL kỳ vọng có thể sớm niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào năm 2019.
Ông Dương ví von việc Nhà nước nắm cổ phần như hiện nay giống sẽ như "bình cũ rượu mới", PVOIL sẽ khẩn trương xây dựng thoái vốn theo phương thức khớp lệnh trên sàn hoặc đấu giá theo lô. Vấn đề tạm dừng bán cổ phần cho cổ đông chiến lược đã khiến nhà đầu tư thất vọng. Ông Dương tiết lộ có một nhà đầu tư bỏ ra 1,2 triệu USD thuê 4 công ty tư vấn định giá. Thời gia tới, nhà đầu tư này vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu, trở thành cổ đông lớn của PV OIL.
Về kế hoạch kinh doanh 5 tháng 2018, PVOIL đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.240 tỷ đồng và lãi trước thuế 130 tỷ đồng. Cổ đông cho rằng kế hoạch này khá thấp.
Ông Dương cho hay, với đặc thù kinh doanh xăng dầu, biến động không ai có thể nói trước được. Khi giá dầu thế giới biến động sẽ ảnh hưởng đến giá trong nước trong đó có giá chiết khấu. Kế hoạch này căn cứ vào tình hình thực hiện của những năm trước đó. Nếu tình hình thuận lợi, lợi nhuận của công ty có thể tăng thêm 50-100 tỷ đồng.
Liên quan đến tăng trưởng thị phần, PVOIL và Petrolimex xuất phát điểm khác nhau mặc dù kinh doanh cùng một ngành. Ông Dương cho biết, PVOIL thành lập được 10 năm trong khi Petrolimex đã hơn 60 năm. Hiện công ty có 550 cửa hàng xăng dầu nhưng vị trí không được "đẹp" như Petrolimex.
Thời gian tới, công ty cố gắng rút ngắn khoảng cách, sau 5 năm thị phần sẽ tăng từ 22% đến 30-32%. Điều này phục thuộc rất lớn vào cổ đông lớn và quá trình mua bán sáp nhập (M&A). Nếu PVOIL có cổ đông lớn sẽ linh hoạt hơn khi triển khai công tác M&A.
Phó Tổng giám đốc Vietjet làm thành viên HĐQT PVOIL
Do hết thời gian thực hiện chào bán cổ phần theo phương án cổ phần hóa được duyệt, HĐQT đã trình cổ đông tạm thời giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại PVOIL theo kết quả IPO là 6,621%.
Đại diện Dragon Capital cho rằng, với tỷ lệ nới room như hiện nay là chưa hợp lý, nhà đầu tư khó có thể mua cổ phiếu PVOIL trên sàn và không có lợi cho giá cổ phiếu.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua danh sách thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ I. Trong đó, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet làm thành viên HĐQT với tỷ lệ phiếu bầu gần 78%.