ĐHCĐ Gelex: 'Chỉ sáp nhập những công ty đầu ngành, loại 1'
Sáng nay 19/4 tại Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – Mã: GEX) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019.
Sau khi nghe Hội đồng quản trị công ty trình bày các tờ trình, các cổ đông và khách mời đã nêu ý kiến trao đổi với lãnh đạo Gelex.
Phần thảo luận:
Đề nghị ban lãnh đạo cho biết kết quả kinh doanh sơ bộ quí I/2019?
Ông Nguyễn Trọng Tiếu - Phó Chủ tịch HĐQT: Doanh thu quí I đạt 3.064 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 214 tỉ đồng.
Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 16.700 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.380 tỉ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện 18,34% kế hoạch doanh thu và 15,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Dự tính của công ty khi mua cổ phần tại Viglacera?
Bà Đỗ Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch HĐQT: Định hướng phát triển của Gelex tương đối đặc biệt là thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, Gelex không phải cái gì cũng mua mà chỉ mua những doanh nghiệp đầu ngành như Thibidi, Cadivi, ..., không mua hạng 2 hay hạng 3; vì Gelex xác định các công ty đầu ngành chắc chắn có nhiều điểm mạnh trong hoạt động.
Việc mua cổ phần tại Viglacera cũng tương tự như vậy. Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn, hiện Gelex đã sở hữu 24,9% cổ phần của Viglacera và hoạt động của Gelex và Viglacera có nhiều điểm bổ trợ cho nhau. Gelex tự tin về khả năng quản trị, và kinh nghiệm điều hành công ty nhà nước sau cổ phần hóa của mình khi đưa ra mục tiêu mua lại Viglacera.
Chẳng hạn mảng Khu công nghiệp và Nhà ở xã hội của Viglacera có thể bổ trợ cho mảng Bất động sản của Gelex. Mảng vật liệu xây dựng của Viglacera phù hợp với mảng sản xuất vật liệu của Gelex.
Ông Tuấn cho biết việc đầu tư vào Viglacera (Mã: VGC) là một quyết định khó khăn của công ty. Từ năm 2017, Gelex đã có ý định này nhưng khi đó điều kiện thị trường không phù hợp nên Gelex không đầu tư nữa. Đến năm 2018 - 2019 công ty quyết định đầu tư sau những tính toán rất kĩ lưỡng.
Bà Đỗ Thị Phương Lan cũng chia sẻ định hướng M&A của Gelex là mua dòng tiền chứ không phải mua tài sản. Vị nữ Phó chủ tịch HĐQT này đánh giá mua dòng tiền là một chiến lược an toàn, doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra dòng tiền trong thời gian từ lúc bắt đầu mua đến lúc nắm quyền chi phối, sau đó có thể sáp nhập dòng tiền của doanh nghiệp bị chi phối vào dòng tiền của mình.
Ngược lại, nếu M&A theo tiêu chí mua tài sản, có rủi ro công ty bỏ ra một dòng tiền để mua lại một tài sản chưa sinh ra dòng tiền.
Gelex muốn thực hiện dự án Cadivi Tower, khách sạn Trần Nguyên Hãn và đầu tư thêm mảng thiết bị điện. Ngân sách đầu tư là bao nhiêu?
Cadivi Tower là tòa nhà trụ sở của Cadivi, nay cần xây lại, nhưng Cadivi không muốn bỏ tiền thực hiện dự án này do muốn tập trung vào sản xuất dây cấp điện. Vì vậy, một công ty con khác của Gelex là Gelex Land sẽ thực hiện dự án này, theo cơ chế cạnh tranh kinh tế thị trường, sau khi đầu tư xong Gelex Land sẽ khai thác tòa nhà này trong một số năm để thu hồi vốn, sau đó bàn giao lại cho Cadivi. Từ lâu công ty đã có định hướng ai làm việc nấy.
Về dự án khách sạn trên đường Trần Nguyên Hãn (Hà Nội), công ty định hướng xây dựng hai khách sạn, một tiêu chuẩn 6 sao và một tiêu chuẩn 5 sao. Bà Lan đánh giá đây không phải là đất vàng mà là đất kim cương. Dự tính mỗi năm hai khách sạn này có thể mang lại dòng tiền khoảng 20 triệu USD, từ đó suy ra định giá của dự án này lên tới vài trăm triệu USD.
Các đối tác rất quan tâm đến dự án này của Gelex nên việc huy động vốn không có gì khó khăn, bà Lan lạc quan. Gelex có dòng tiền dồi dào từ mảng sản xuất công nghiệp (thiết bị điện) nên các ngân hàng cũng rất thích cho Gelex vay.
Gelex vẫn đang chờ thiết kế cuối cùng để tính toán được suất đầu tư và ra quyết định. Sơ bộ nguồn vốn đầu tư khoảng 120 – 140 triệu USD, vốn chủ sở hữu khoảng 30-40%.
Các cổ đông đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo Gelex tại Đại hội cổ đông sáng 19/4.
Trong quá trình sáp nhập các công ty khác, công ty vay nợ khá nhiều. Gelex có kế hoạch gì để giảm rủi ro của khoản vay nợ này?
Bà Đỗ Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch HĐQT: Gelex đã chuyển sang mô hình equity holding, công ty mẹ sở hữu và quản lí vốn của các công ty thành viên. Dòng tiền của công ty mẹ liên quan đến dòng tiền M&A. Dòng tiền của các dự án Bất động sản hay Điện mặt trời được quản lí theo mô hình khác (project financing).
Theo mô hình tổ chức của Gelex hiện nay, công ty có hai mảng, một là sản xuất công nghiệp (thiết bị điện) mảng này có lợi nhuận khá dồi dào, mỗi năm khoảng 1.000 tỉ đồng, nhất là sau khi sáp nhập Thiết bị điện kinh doanh EEMC.
Các hoạt động kinh doanh còn lại gồm tiện ích điện nước, bất động sản và logistics đòi hỏi đầu tư vốn ban đầu lớn nhưng sau đó cũng cho dòng tiền đều trong thời gian dài.
Công ty mẹ (Holding) làm nhiệm vụ điều tiết, phân kì dòng tiền đầu tư từ các hoạt động mang lại dòng tiền đều đến các dự án cần vốn.
Dòng tiền cổ tức từ mỗi công ty con về cho công ty mẹ mỗi năm khoảng 500 tỉ đồng trong khi cơ cấu vốn của Gelex thiếu khoảng 2.000 tỉ đồng, tức là khoản này có thể được đáp ứng trong vòng 4 năm.
Nhìn chung tỉ lệ nợ của Gelex hiện vẫn khá an toàn. Để thực hiện các dự án đầu tư, ban lãnh đạo cần cân đối, phân kì đầu tư cho phù hợp dòng tiền từ các hoạt động công nghiệp mang lại. Chúng tôi tự tin về dòng tiền của Tổng công ty trong thời gian tiếp theo?
Lợi nhuận của mảng thiết bị điện và nước đã gần 1.000 tỉ đồng, trong khi vốn hóa của Gelex chỉ khoảng 8.000-9.000 tỉ đồng, tức là nhà đầu tư chưa đánh giá đúng giá trị của công ty. Đề xuất công ty xem xét việc IPO, đưa lên sàn mảng thiết bị điện, tương tự như Vingroup đưa Vincom Retail và Vinhomes lên sàn?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2019, công ty đặt nhiều kế hoạch M&A, chi phí tài chính của công ty mẹ tăng mạnh vì vậy công ty đặt ra mục tiêu lợ nhuận thận trọng, vừa tầm.
Về IPO các công ty con, Gelex đã có kế hoạch này. Tuy nhiên công ty đợi khi đạt qui mô phù hợp, đạt mức đầu ngành, không IPO khi qui mô còn nhỏ.
Về hoạt động đầu tư nước sạch, hoạt động này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, làm cho chi phí tài chính tăng cao.
Dự án nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận?
Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn: Gelex là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy phép làm dự án điện mặt trời ở đây. Công ty xác định vị trí đấu nối là yếu tố quan trọng nhất dự án này cùng với đất sạch và thực tế khoảng cách từ Gelex đến vị trí đấu nối chỉ là 50 mét.
Gelex cũng đã có hợp đồng mua bán điện với EVN bao tiêu toàn bộ trong 20 năm, do vậy ông Tuấn khẳng định Gelex không có rủi ro gì về đầu ra. Theo ông Tuấn, các dự án làm sau này không được bao tiêu như vậy mà chỉ được EVN huy động khi cần. Dự án sẽ chính thức vận hành trong tháng 4 này.
Công ty ước tính dự án sẽ hòa vốn sau 6 năm vận hành.
Thời gian và khả năng vay vốn cụ thể của Gelex?
Bà Đỗ Thị Phương Lan: Phó Chủ tịch HĐQT: Gelex có lợi thế về dòng tiền dồi dào từ hoạt động sản xuất kinh doanh thiết bị điện. Nếu thiếu vốn, công ty có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp kì hạn 3-5 năm. Trong quí III năm nay, Gelex có thể tiến hành huy động vốn dài hạn trên thị trường quốc tế, qua đó đáp ứng được nhu cầu vốn dài hạn cho chiến lược M&A của Gelex.
Việc giải thể Ban kiểm soát (trực thuộc Đại hội cổ đông) và lập Ban kiểm toán nội bộ (trực thuộc Hội đồng quản trị) có đảm bảo quyền lợi và thông tin cho cổ đông nhỏ lẻ không? Ban kiểm toán nội bộ sẽ chỉ báo cáo cho HĐQT, không phải báo cáo cho ĐHCĐ?
Bà Đỗ Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch HĐQT: Vai trò của Ban Kiểm soát thể hiện rõ nhất ở các buổi ĐHCĐ như thế này, tức là khá hình thức. Còn phạm vi hoạt động của Ban Kiểm toán nội bộ rộng hơn rất nhiều và gần hơn với thông lệ quốc tế.
Về lo ngại Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT thay vì đại hội cổ đông, bà Lan cho biết việc này pháp luật đã có qui định rất rõ. Ban Kiểm toán nội bộ cũng sẽ làm việc chặt chẽ với các thành viên HĐQT độc lập. Bà Lan tin tưởng Ban Kiểm toán nội bộ sẽ làm tốt công tác giám sát HĐQT và bộ máy quản lí công ty. Các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk cũng đã chuyển sang mô hình Ban kiểm toán nội bội.
Miễn nhiệm các thành viên Ban Kiểm soát, thành lập Ban Kiểm toán nội bộ
Một trong những nội dung được Hội đồng quản trị công ty trình ĐHCĐ bàn bạc thông qua là việc miễn nhiệm các thành viên của Ban Kiểm soát.
Cơ cấu tổ chức quản lí hiện tại của Gelex bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Ban Kiểm soát (trực thuộc Đại hội cổ đông), Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc. Sau khi giải thể Ban Kiểm soát, cơ cấu tổ chức quản lí mới sẽ chỉ còn lại Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc.
Gelex cho biết công ty sẽ thành lập Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị theo qui định tại điểm b Khoản 1, Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014.
Nghị định 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ qui định công ty niêm yết phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ, theo đó công ty có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ, hoặc chỉ định bộ phận có chuyên mô tại công ty để thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.
Để phù hợp với việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lí của Tổng công ty như đề xuất trên, Hội đồng quản trị trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của bà Lê Thị Hồng Lĩnh (Trưởng Ban Kiểm soát), bà Phạm Thị Minh Cúc (thành viên Ban Kiểm soát) và bà Phạm Thị Mỹ Hà – Thành viên Ban Kiểm soát.
Mục tiêu kinh doanh 2019: Lợi nhuận giảm, doanh thu tăng
NĂm 2019, Gelex tiếp tục tập trung vào hai khối kinh doanh chính gồm 1) Sản xuất công nghiệp và 2) Hạ tầng, gồm sản xuất điện, nước, logistics và bất động sản với đại diện là các công ty con bao gồm Gelex Electrics, Gelex Energy, Gelex Logistics và Gelex Land.
Công ty mẹ Gelex có nhiệm vụ như một công ty Holdings – chuyên quản lí phần vốn góp tại các đơn vị kinh doanh. Cụ thể, Gelex dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt khoảng 16.700 tỉ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm 2018. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.380 tỉ đồng, giảm 10% so với thực hiện năm ngoái.
Ngoài ra, Gelex cũng đặt mục tiêu chi trả cổ tức tỉ lệ 15%.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn trình bày báo cáo HĐQT tại Đại hội.
Năm 2018, Gelex đạt doanh thu gần 13.700 tỉ đồng, tăng trưởng 14,3% so với năm 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.533 tỉ đồng, tăng tới 41,6% so với năm trước, đưa Gelex lần đầu góp tên trong câu lạc bộ doanh nghiệp lãi nghìn tỉ.
Tuy nhiên, công ty chỉ hoàn thành 84,2% mục tiêu lợi nhuận cả năm, nguyên nhân là do trong kế hoạch năm 2018, Gelex có tính đến việc hoàn tất mua và sở hữu chi phối Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (EEMC). Tuy nhiên trong năm 2018, việc thoái vốn nhà nước tại EEMC chưa được thực hiện nên Gelex chưa thể hoàn thành hoạt động này.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) giảm trong năm 2018 đã làm giảm doanh thu, lợi nhuận của một số đơn vị trong lĩnh vực thiết bị điện.