|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dệt may xuất khẩu nhiều vẫn lo

07:10 | 06/07/2018
Chia sẻ
Đơn hàng dồi dào đến hết năm, doanh nghiệp dệt may phải cho công nhân làm thêm ca, tăng giờ để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng lợi nhuận đem về lại chưa tương xứng
det may xuat khau nhieu van lo Vì đâu Dệt may Thành Công chuyển nhượng toàn bộ vốn Chứng khoán Thành Công sau 10 năm nắm giữ?
det may xuat khau nhieu van lo Việt Nam nổi lên như trung tâm sản xuất vải jeans

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2018, dệt may tiếp tục là một trong những mặt hàng chủ lực với kim ngạch cao, đạt 13,4 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) dệt may tương đối thuận lợi vì đơn hàng dồi dào, phần lớn DN đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm nay.

Đơn hàng tăng vọt

Những ngày này, công nhân Công ty CP May Garmex Sài Gòn phải tăng thêm ca, làm thêm giờ để kịp đơn hàng xuất khẩu cho các đối tác. Những năm trước, nửa đầu năm không phải cao điểm đơn hàng của công ty nhưng năm nay, đơn hàng nhiều, lịch sản xuất kín đến cuối năm, thậm chí DN phải "chạy vắt giò" mới kịp giao hàng. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn, cho biết mục tiêu doanh thu của công ty năm nay là 1.700 tỉ đồng nhưng 6 tháng đầu năm đã cán mốc 900 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. "Đây là tín hiệu lạ và tích cực so với những năm trước. Thị trường tốt, các DN cũng có sự lựa chọn trong tìm kiếm thêm khách hàng, đối tác mới" - ông Hùng nói.

det may xuat khau nhieu van lo
Doanh nghiệp dệt may tất bật với đơn hàng xuất khẩu nhưng lợi nhuận thu được lại không tăng tương xứng Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, theo ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.749 tỉ đồng, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Phong Phú như sợi, bông, vải demin, khăn bông... đạt hơn 28 triệu USD và tiếp tục xuất khẩu ổn định vào các thị trường truyền thống. Riêng mặt hàng sợi, DN đã xuất khẩu và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Nhật Bản.

Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây tiếp tục là tín hiệu tích cực giúp ngành dệt may có thêm cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Bởi yêu cầu xuất xứ của hiệp định này là từ vải, thay vì sợi như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây nên sẽ "dễ thở" cho DN trong việc đáp ứng yêu cầu xuất xứ hơn.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành dệt may Việt Nam, sau Mỹ. Ngành dệt may kỳ vọng xuất khẩu sang EU có thể tăng trưởng 15% mỗi năm sau khi hiệp định có hiệu lực, từ mức tăng 10% mỗi năm hiện nay. Các DN xuất khẩu dệt may vào EU đang phải chịu mức thuế từ 7%-17%, nếu EVFTA có hiệu lực thì thuế suất sẽ giảm dần về 0% giúp DN giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ khác cùng xuất sang thị trường này như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan.

Chưa kể, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, tiếp nối từ TPP) đã được ký kết với 11 quốc gia hồi tháng 3-2018, nhiều DN sẽ có thêm 2 thị trường rất tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này là Canada, Úc, bên cạnh các thị trường truyền thống là Nhật, Mỹ...

Đơn giá giảm

Đơn hàng nhiều, cơ hội lớn nhưng nhiều DN dệt may cho biết hiệu quả kinh doanh không cao vì áp lực cạnh tranh về nguồn nhân lực và đơn giá xuất khẩu với các nước khác. Vừa phải lo "đối phó" với các DN dệt may có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngay trên sân nhà nên DN nội muốn có lợi nhuận phải tìm mọi cách giảm chi phí hoạt động. Do đó, dệt may dù có đạt mục tiêu xuất khẩu 35-36 tỉ USD trong năm nay thì hiệu quả đem về cho các DN có tăng tương xứng lại là câu chuyện khác.

Ông Phạm Xuân Hồng nhìn nhận thực tế là các DN đang phải gia tăng sản xuất để đáp ứng kịp đơn hàng xuất khẩu, thậm chí cho công nhân tăng ca, làm thêm giờ nhưng lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh lại chỉ bằng hoặc thấp hơn trước. Hàng loạt chi phí đầu vào đều tăng trong thời gian qua như chi phí nhân công, chi phí nguyên phụ liệu, bảo hiểm... nhưng đơn giá xuất khẩu lại "ổn định".

Ông Phạm Xuân Trình cũng thừa nhận so với 20 năm trước, giá bán vải denim, chỉ... vẫn không thay đổi là bao, giá một số nguyên liệu của dệt may cũng gần như không tăng, trong khi các chi phí sản xuất, hoạt động khác của DN liên tục thay đổi. "Với công nghệ 4.0 được các DN FDI áp dụng vào sản xuất, sắp tới đơn giá xuất khẩu có thể còn thấp hơn. Đây là bài toán DN dệt may trong nước phải giải nếu muốn tồn tại, cần tìm mọi cách giảm tối đa chi phí sản xuất" - ông Trình nói.

Để khai thác được lợi thế từ EVFTA, các DN cần phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải, trong khi hiện ngành dệt may mới chỉ cung cấp được khoảng 30% nguyên liệu vải nội địa, còn lại phải nhập khẩu. Theo ông Phạm Xuân Hồng, cần nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội từ EVFTA cũng như các hiệp định thương mại khác. Bởi nếu giảm thuế mà DN không được hưởng lợi thì không có tác dụng gì. Bản thân DN cũng phải cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, mẫu mã, bao bì... nhằm đáp ứng các quy định từ thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách thu hút, hỗ trợ DN đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu.

Không có tiền đầu tư vào 4.0

Muốn tăng năng suất lao động, giảm tối đa chi phí sản xuất, một yêu cầu quan trọng là DN dệt may cần đầu tư vào công nghệ trong xu hướng bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0. Có điều, theo các chuyên gia, DN dệt may trong nước rất khó để "chạy theo" DN FDI trong cuộc đua này. Chẳng hạn, một dự án của FDI trong ngành dệt may đầu tư ở Việt Nam có tổng vốn cả tỉ USD, mỗi kỳ đầu tư họ rót vốn 300-400 triệu USD. Trong khi đó, DN Việt Nam chỉ đầu tư mới nhà máy chừng 20-30 triệu USD (tương đương khoảng 500-600 tỉ đồng) đã "bở hơi tai". Do đó, rất khó giải bài toán cạnh tranh thời 4.0 với FDI trong bối cảnh hiện nay.

Xem thêm

Thái Phương