|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đến lượt ‘ông lớn’ BIDV cũng muốn tăng vốn lên hơn 38.600 tỷ đồng

07:17 | 20/04/2017
Chia sẻ
Là một trong 10 ngân hàng sẽ triển khai Basel II trong năm nay, BIDV cũng không ngoại lệ trong cuộc đua tăng vốn điều lệ.
 

Theo kế hoạch trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2017 diễn ra ngày 22/4 sắp tới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV dự định tăng vốn thêm 4.445 tỷ đồng, lên 38.632 tỷ đồng.

Hình thức tăng thông qua phát hành 239 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2016 với tỷ lệ 7%, phát hành cho người lao động (ESOP) 102,6 triệu cổ phiếu, phát hành riêng lẻ cũng với 102,6 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 3% số cổ phần tại thời điểm cuối năm 2016).

Trong đó, việc phát hành riêng lẻ 106,2 triệu cổ phiếu cho tối đa 20 nhà đầu tư, giá phát hành sẽ do đại hội ủy quyền Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định theo phương thức thỏa thuận. Thời gian thực hiện trong năm 2017. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Đối với việc phát hành ESOP, BIDV trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định giá phát hành, đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2016. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời gian thực hiện cổ phiếu ESOP và cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý II, III/2017.

Ngoài ra, BIDV tiếp tục thực hiện kế hoạch phát hành cổ phần cho Nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2017 theo chủ trương đã được ĐHĐCĐ phê duyệt.

Để tăng tính linh hoạt cho kế hoạch tăng vốn, đảm bảo vốn điều lệ cho hoạt động kinh doanh, theo tình hình cụ thể của thị trường BIDV sẽ có phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi phù hợp theo chủ trương đã được ĐHĐCĐ phê duyệt.

Căn cứ tình hình triển khai các phương án tăng vốn nêu trên, BIDV còn xem xét đến phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại phù hợp với tình hình thực tế.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh. Tiến độ sử dụng vốn điều lệ tăng thêm do HĐQT (hoặc cấp được HĐQT phân cấp, ủy quyền), xem xét, quyết định.

den luot ong lon bidv cung muon tang von len hon 38600 ty dong
Ngân hàng BIDV.

Kế hoạch lợi nhuận 7.750 tỷ đồng, cổ tức 2017 dự kiến tối thiểu 7%

Về kế hoạch kinh doanh, theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), BIDV đặt mục tiêu huy động vốn 2017 tăng trưởng 16,5% so với kết quả 2016, tương đương đạt 1.095 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng tối thiểu 16%, lên khoảng 1.100 nghìn tỷ đồng.

Lãi trước thuế 7.750 tỷ đồng, tăng khoảng 40 tỷ đồng so với 2016. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%. Tỷ lệ trả cổ tức 2017 tối thiểu là 7% và không thấp hơn lãi suất tiết kiệm 12 tháng VNĐ.

den luot ong lon bidv cung muon tang von len hon 38600 ty dong
(Nguồn: BIDV).

Giai đoạn 2017 – 2020, BIDV xây dựng kế hoạch tái cơ cấu tổng thể gắn với đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2 theo chỉ đạo của NHNN.

Về công nghệ thông tin, BIDV tập trung triển khai các dự án trọng điểm như dự án Corebanking, dự án Trang bị giải pháp quản lý khoản vay (LOS), các dự án Basel liên quan đến công nghệ thông tin, chỉ đạo xây dựng kế hoạch số hóa và thực hiện chuyển sang các giao dịch điện tử. 7.

Đối với hoạt động bán lẻ, BIDV xác định đây là hoạt động kinh doanh chiến lược, lâu dài. Qua đó, Ngân hàng tạo cơ chế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển các Phòng giao dịch bán lẻ, Phòng giao dịch quy mô lớn trong hệ thống. Đồng thời, chú trọng thành lập các Phòng giao dịch ở khu vực nông nghiệp nông thôn có tiềm năng phát triển.

Ở nước ngoài, BIDV gia tăng hợp tác với các đối tác Ngân hàng Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Séc... nhằm gia tăng phân khúc khách hàng FDI.

Đến 31/12/2016, tổng tài sản BIDV đạt trên 1.006 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18% so với năm 2015 và chiếm 14% tổng tài sản toàn ngành. Vốn huy động đến cuối năm 2016 đạt hơn 940 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động vốn từ tổ chức, cư dân đạt 797,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 21% so với 2015. Thị phần huy động vốn chiếm 12,2%. Dư nợ tín dụng 2016 đạt 723,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,2% ngành.

Trong đó, hoạt động bán lẻ tăng trưởng cao với dư nợ tăng trưởng gần 32%, chiếm tỷ trọng 25% tổng dư nợ. Huy động vốn bán lẻ tăng trưởng gần 23%, chiếm 55% tổng huy động vốn. Thu nhập ròng bán lẻ chiếm 33% tổng thu nhập ròng. Phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đạt mức tăng khá với dư nợ tăng trưởng 34%, huy động vốn tăng trưởng 44% so với năm 2015.

Tín dụng tăng bình quân gần 21%/năm trong giai đoạn 2012 - 2016

Kết quả giai đoạn 2012 – 2016, tổng tài sản tăng bình quân 20%/năm; huy động vốn tăng 22,7%/năm; dư nợ tín dụng tăng 20,8%/năm, cao hơn mức bình quân ngành là 13,1%/năm.

Hiệu quả kinh doanh cho thấy lợi nhuận trước thuế 2016 đạt 7.709 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2015, bình quân 5 năm là 15,5%/năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng ở mức 1,95%.

Thù lao HĐQT, BKS chiếm 0,44% lợi nhuận sau thuế

Với kết quả nhuận sau thuế 2016 đạt trên 6.070 tỷ đồng, BIDV dự kiến dành ra 2.393 tỷ đồng chia cổ tức tỷ lệ 7% với hình thức bằng cổ phiếu (nằm trong kế hoạch tăng vốn điều lệ); trích quỹ bổ sung vốn điều lệ 304 tỷ đồng; quỹ dự phòng tài chính 607 tỷ đồng; khen thưởng phúc lợi gần 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mức thù lao Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong năm 2017 dự kiến tối đa 0,44% lợi nhuận sau thuế. Năm 2016, Ngân hàng đã thực hiện mức thù lao là 0,44% lợi nhuận sau thuế, tương đương 26,7 tỷ đồng.

Tiến Vũ