|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đế chế hàng trăm tỉ USD và những thị phi xung quanh tỉ phú ẩn dật Mã Hóa Đằng

08:39 | 05/11/2019
Chia sẻ
Dù là một trong những người giàu nhất nhì châu Á và cũng tạo ra nhiều tranh cãi về bản quyền phần mềm, Mã Hóa Đằng vẫn là một trong những doanh nhân khá kín tiếng với giới truyền thông.

Thời niên thiếu của ông chủ Tencent

Mã Hóa Đằng sinh ra và lớn lên tại Sán Đầu, Quảng Đông vào năm 1971. Tuy nhiên cuộc sống của ông nhanh chóng xáo trộn. Ông Ma Chensu chuyển công tác tới Thâm Quyến để quản lí một bến cảng và đem theo cậu con trai Mã Hóa Đằng.

Năm 1989, Mã Hóa Đằng nhập học tại Đại học Thâm Quyến chuyên ngành Khoa học máy tính và tốt nghiệp năm 1993.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Mã Hóa Đằng vào làm việc tại China Motion Telecom Development, một nhà mạng chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông. Công việc chính của Mã là phát triển phần mềm cho các thiết bị nhắn tin. Thời điểm này, mức lương của ông chỉ là 176 USD mỗi tháng.

Ngoài phát triển phần mềm, Mã Hóa Đằng còn từng làm nghiên cứu và phát triển dịch vụ Internet cho công ty truyền thông Thâm Quyến trước khi quyết định khởi nghiệp. Những kinh nghiệm tích lũy thời gian này giúp Ma khởi nghiệp cùng 4 người bạn học để lập ra Tencent.

Những tranh cãi xung quanh việc sao chép sản phẩm

China Daily đưa tin Mã Hóa Đằng đã bắt đầu xây dựng đế chế từ việc bắt chước ý tưởng của các công ty nước ngoài. Ông cùng nhóm bạn lập ra Tencent vào năm 1998.

Thời điểm đó, dịch vụ nhắn tin tức thời ICQ của Israeli đang cực kì phổ biến ở các nước phương Tây, nhưng lại chưa có phiên bản Trung Quốc. Mã Hóa Đằng cùng các đồng sự quyết định cho ra mắt OICQ, một phần mềm gần tương tự ICQ vào tháng 2/1999.

17494_Tencent

Tencent thua kiện và phải đổi tên OICQ thành QQ. Ảnh: South China Morning Post

Đến cuối năm 1999, số lượng lượt đăng kí sử dụng OICQ đã vượt mốc 1 triệu người, biến nó thành phần mềm nhắn tin tức thời lớn nhất Trung Quốc.

Vừa có những thành quả đầu tiên, Mã Hóa Đằng lại đối mặt những tin không vui khi AOL (công ty chủ quản của ICQ sau này) kiện Tencent vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công ty thua kiện và  phải đóng website, và đổi tên OICQ thành QQ.

Năm 2005, Tencent bắt đầu xây "chợ điện tử" Paipai, vận hành theo đúng mô hình của đối thủ cạnh tranh trực tiếp Alibaba. 

WeChat, sản phẩm của Tencent ra đời năm 2011 cũng thường xuyên được so sánh với Facebook và WhatsApp, theo CNBC.

Trong lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn báo chí, Mã Hóa Đằng có dẫn lại một câu nói nổi tiếng của Newton: "Muốn nhìn xa hơn, cần phải đứng trên vai người khổng lồ".

Tuy nhiên, sau đó ông cũng khẳng định: "Việc chỉ bắt chước người khác không thể nào khiến bạn trở nên vĩ đại. Bí quyết ở đây chính là việc nội địa hóa một ý tưởng tốt để tạo ra sự phát triển ở thị trường nội địa".

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Tencent của Mã Hóa Đằng đầu tư vào lĩnh vực game từ rất sớm. Năm 2004, công ty đã có giấy phép sản xuất game. Một trong những sản phẩm đáng chú ý đầu tiên của Tencent chính là Cross Fire, sau này được Việt hóa với tên gọi Đột kích.

Tháng 11/2011, Tencent trở thành cổ đông chính tại Riot Games với việc nắm hơn 90% cổ phiếu của đơn vị phát triển Liên Minh Huyền Thoại. Ngoài ra, Tencent cũng nằm phần lớn quyền sở hữu của Epic Games, công ty với những trò chơi nổi tiếng như Fornite hay Infinity Blade.

fortnite-characters

Tencent nắm cổ phần tại Epic Games, đơn vị phát triển Fornite. Ảnh: Fornite

Bên cạnh game, Mã Hóa Đằng cũng đẩy mạnh việc đầu tư vào các hãng thương mại điện tử và logistic. Danh mục của Tencent ngày được mở rộng thêm những JD.com (thương mại điện tử), China South City Holdings (công ty cung cấp kho bãi), China LotSynergy Holdings (xổ số), Didi Dache (ứng dụng gọi xe), VipKid (công nghệ giáo dục).

Năm 2015, Tencent tiếp tục phát triển WeBank, tích hợp cùng WeChat để biến sản phẩm của mình thành một "siêu ứng dụng", có khả năng làm mọi việc từ nhắn tin, gọi điện, thanh toán, gọi xe cho tới hẹn hò. WeChat hiện tại có số tài khoản sử dụng hàng ngày đã vượt mốc 1 triệu.

Không chỉ rót tiền vào các công ty trong nước, hiện tại Tencent cũng đang nắm 5% quyền sở hữu của Tesla, 10% của Snap và 10% của Spotify ở thời điểm tháng 5/2018, theo CNBC.

Tencent cũng đang là một trong những tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới khi sở hữu cổ phiếu của hơn 600 công ty khác trong danh mục của mình.

Tỉ phú USD

Theo tạp chí Forbes, tài sản của Mã Hóa Đằng ở thời điểm cập nhật gần nhất là 36,7 tỉ USD. Với số tiền này, ông đang là người giàu thứ hai tại Trung Quốc sau Jack Ma và là người giàu thứ 20 thế giới.

Ngày 21/11/2017 đánh dấu một cột mốc quan trọng với Tencent khi công ty của Mã Hóa Đằng có mức vốn hóa 523 tỉ USD, vượt trên Facebook trở thành thành công ty lớn thứ 5 thế giới, chỉ sau Apple, Amazon, Alphabet và Microsoft.

d4f7b8e0-a091-11e8-90bf-ccc49f9b020a_972x_170532

Ma Huateng sở hữu khối tài sản 36,7 tỉ USD. Ảnh: South China Morning Post

Đa phần khối tài sản của Mã Hóa Đằng đến từ 9,7% cổ phần Tencent mà ông đang nắm giữ. Ông cũng chính là cổ đông cá nhân có cổ phần lớn nhất tại Tencent.

Ngoài ra, tỉ phú sinh năm 1971 còn sở hữu khối bất động sản trị giá 150 triệu USD tại Hong Kong. Trong số đó có dinh thự riêng với diện tích 1821 mét vuông.

Tỉ phú kín tiếng

Dù là người giàu nhất nhì Trung Quốc nhưng Mã Hóa Đằng lại khá kín tiếng với giới truyền thông, khác hẳn so với Jack Ma. Hiếm khi chúng ta thấy ông trả lời báo chí hay phát biểu trên truyền thông công cộng.

Ngoài cái tên chính thức, ông còn có biệt danh "Pony". Đây là một cách chơi chữ khi Pony trong tiếng Anh có nghĩa là ngựa con, trong khi ông mang họ Mã, cũng có nghĩa là ngựa.

Theo thông tin từ South China Morning Post, Mã Hóa Đằng gặp vợ qua chính ứng dụng QQ. Ông có một cô con gái 26 tuổi mang tên Ma Manlin.

Ngoài ra, Mã Hóa Đằng cũng sử dụng Volvo S80L, mẫu xe được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc.


Lê Quý

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.