Apple hứng bão chỉ trích vì gửi dữ liệu duyệt web cho Tencent
Cảnh báo của tập đoàn Apple đối với người dùng trên trình duyệt Safari. Ảnh: Getty Images
Trong khoảng hai năm qua, như một phần của tính năng bảo mật dành cho iPhone và iPad (cảnh báo người dùng nếu trang web độc hại hoặc không an toàn trước khi họ tải đường link), Apple đã gửi dữ liệu thu được cho Tencent.
"Táo khuyết" kiểm tra địa chỉ web dựa trên danh sách web đáng ngờ mà hãng lưu trữ. Danh sách này do Tencent nắm giữ ở Trung Quốc đại lục và ở các khu vực khác, bao gồm Mỹ, là Google.
Trong phiên bản hệ điều hành iOS mới hơn, Apple cho biết tính năng trên có thể đăng nhập vào địa chỉ IP của người dùng. Nhiều khả năng Apple đã cung cấp dữ liệu, như vị trí của người dùng, cho Tencent - công ty có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc.
Tính năng duyệt web an toàn hợp tác với Google lần đầu được tích hợp vào iOS vào năm 2008, tuy nhiên Apple cũng đã mở rộng hợp tác thêm với Tencent trong phiên bản iOS 11 hồi năm 2017.
Theo Bloomberg, Apple đã cập nhật mô tả về tính năng trên trong các phiên bản iOS gần đây.
"Chúng tôi xứng đáng được thông báo về thay đổi này và có quyền lựa chọn sử dụng nó hoặc không", ông Matthew Green, nhà mật mã học và cũng là giáo sư tại Đại học John Hopkins, viết trên trang blog cá nhân.
"Người dùng nên biết về những thay đổi trên trước khi Apple cho tính năng bảo mật hoạt động và từ đó mới có thể khiến hàng triệu khách hàng tin tưởng hãng", ông Green nhấn mạnh.
"Táo khuyết" từng rơi vào tình huống tương tự
Đây không phải lần đầu tiên Apple hứng chịu chỉ trích khi hợp tác cùng một công ty Trung Quốc để xử lí dữ liệu. Năm 2018, Apple đã bắt tay cùng Guizhou-Cloud Big Data lưu trữ dữ liệu iCloud cho người dùng ở thị trường Trung Quốc đại lục.
Gần đây hơn, Apple đã phải chịu sự giám sát để "dỗ dành" Trung Quốc. Cụ thể, BuzzFeed từng đưa tin Apple đã yêu cầu các nhà sáng tạo nội dung cho dịch vụ truyền phát TV+ tránh phát họa hình ảnh Trung Quốc tồi tệ và thiếu đẹp mắt.
Thậm chí gần đây Apple còn gỡ cờ Đài Loan khỏi bộ biểu tượng cảm xúc trên các thiết bị ở Hong Kong và Macau, sau gỡ khỏi các sản phẩm ở thị trường đại lục.
Đồng thời, Apple cũng hứng chỉ trích khi gỡ một ứng dụng bản đồ tại Hong Kong mà theo các nhà phát triển, ứng dụng được thiết kế để giúp người dùng né những khu vực đang có biểu tình. Apple khẳng định họ đang tuân thủ pháp luật của chính quyền địa phương trong cả hai trường hợp.
Trong một tuyên bố, Apple cho hay tính năng hiện đang dính vào tranh cãi thực chất là nhằm bảo vệ quyền riêng tư cũng như bảo vệ dữ liệu của người dùng. Việc kiểm tra này xảy ra trên các thiết bị và Apple không bao giờ chia sẻ địa chỉ web thực tế cho Tencent hay Google - hai nhà cung cấp trình duyệt an toàn của hãng.
Tính năng được bật theo chế độ mặc định, nhưng người dùng có thể tắt được. Địa chỉ IP của thiết bị chỉ được chia sẻ khi trang web bị nghi ngờ và cảnh báo được gửi đi.
Một số người dùng lo ngại dữ liệu di động trên toàn cầu có thể đều được gửi đến Tencent vì "đại gia" mạng Trung quốc không chỉ xuất hiện ở iPhone ở Trung Quốc mà còn nhiều nơi khác. Nhiều khả năng Apple sẽ làm rõ tính năng này trong một phiên bản iOS mới.
Theo Bloomberg, tính năng đó có thể bị vô hiệu hóa trong phần cài đặt Quyền riêng tư và Bảo mật bằng cách hủy tùy chọn "Fraudulent Website Warning" (cảnh báo trang web lừa đảo).
Nếu người dùng hủy tùy chọn đó, địa chỉ IP của thiết bị sẽ không thể bị chia sẻ cho bất cứ bên nào, song Apple sẽ không thể kiểm tra trang web trong danh sách của Tencent hay Google.