Đầu tư vào nông nghiệp: Tiếp cận đất đai đang là cản trở lớn
Điểm lại pháp luật kinh doanh 2018 trong một hội thảo vừa diễn ra, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã dùng hai chữ ngập ngừng khi nhận xét về tiến độ giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Tích tụ đất nông nghiệp là vấn đề đã được bàn luận từ lâu, song các quy định pháp luật thời gian qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề này |
Như, quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, bảo đảm thực thi hợp đồng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp.
Trong những vấn đề cốt lõi đó thì quyền tài sản đối với đất đai, xử lý vi phạm về nhãn mác hàng hoá và thực thi hợp đồng đang ảnh hưởng rất lớn với đầu tư vào nông nghiệp, theo báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 của VCCI.
Nhiều ưu đãi
Quan sát những văn bản pháp luật được ban hành trong năm 2018, báo cáo nhận xét, có thể nhìn thấy rất rõ một số lượng lớn các văn bản trong lĩnh vực nông nghiệp được ban hành, sửa đổi. Từ ưu đãi nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến ưu đãi phát triển ngành nghề nông thôn cho đến ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp...
Đáng chú ý là Nghị định 57/2018/NĐ-CP tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Những ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo nghị định này rất rộng, từ lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, giống, thuỷ sản, máy móc, vật tư nông nghiệp, chế biến nông lâm thuỷ sản, cho đến sản xuất hàng thủ công, nước sạch, xử lý chất thải, thương mại nông sản, thậm chí cả xây dựng nhà ở cho người lao động nông thôn, dịch vụ tư vấn và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...
Các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nêu trong nghị định cũng rất đa dạng, từ miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng, đến chi phí nghiên cứu, mua công nghệ, đào tạo lao động, quảng cáo, xây dựng cơ sở sản xuất.
Báo cáo cũng chỉ ra điều đặc biệt ở nghị định này là có những biện pháp ưu đãi, hỗ trợ về thủ tục hành hành chính và cam kết không gây khó khăn từ phía Nhà nước. Trong đó, nghị định 57 hỗ trợ về tập trung đất đai, cho phép doanh nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì không phải chuyển sang thuê đất. Nhà nước cũng cam kết không điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm ảnh hưởng đến dự án trừ trường hợp đặc biệt.
Thủ tục hành chính về đất đai là phiền hà nhất
Nhưng như trên đã nói, cản trở lớn đến từ quyền tài sản đối với đất đai.
Nhóm chuyên gia của VCCI phân tích, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hay sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì đều cần có quy mô sản xuất lớn. Do đó, một trong những vấn đề cốt lõi là Nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp một cách rộng rãi. Tuy nhiên, trên thực tế, tiếp cận đất sản xuất lại đang là một trong những cản trở lớn khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Trưởng ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, theo điều tra PCI 2017, có đến 76% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong hai năm qua. Thậm chí, các doanh nghiệp nông nghiệp cho rằng thủ tục hành chính về đất đai là phiền hà nhất, cao hơn tất cả các lĩnh vực khác như thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường, giao thông...
Khi muốn mở rộng mặt bằng sản xuất, có rất nhiều cản trở đối với các doanh nghiệp như thủ tục thuê, mua đất phức tạp (49% doanh nghiệp đồng ý), quy hoạch chưa phù hợp (38%), cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi (32%)...
Tích tụ đất nông nghiệp là vấn đề đã được bàn luận từ lâu, song các quy định pháp luật thời gian qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề này, các tác giả báo cáo nhấn mạnh.
Liên kết vô cùng lỏng lẻo
Ngoài đất đai thì hàng hoá gian lận về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và nhãn mác cũng được coi là cản trở lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Bởi, chỉ cần trên thị trường tồn tại những cửa hàng bán rau không bảo đảm an toàn canh tác, nhưng lại treo biển rau sạch, rau hữu cơ thì sẽ khiến cho người tiêu dùng không tin tưởng vào các thương hiệu kinh doanh trung thực.
Thậm chí, có doanh nghiệp đưa ra chứng nhận nông sản sạch do Nhà nước cấp như VietGAP, cũng vấn bị người tiêu dùng nghi ngờ đã dùng tiền để "mua" chứng nhận.
Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng lớn đến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp là thực thi hợp đồng. Nghị định 98/2018 dù đã cố gắng để ưu đãi các liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và nông dân, nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để khiến liên kết này được bền vững hơn. Khi có một bên "lật kèo", bên còn lại buộc phải khởi kiện ra toà án để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, với thực trạng giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại kéo dài về thời gian và kém hiệu quả để thực thi bản án, khiến nhiều trường hợp doanh nghiệp và người dân buộc phải chấp nhận thiệt hại. Các liên kết trong nông nghiệp vì thế vô cùng lỏng lẻo, chuyên gia của VCCI nhận xét.
Báo cáo cho rằng, chỉ khi nào các quyền nói trên được bảo hộ một cách đầy đủ, nhanh chóng và hiệu quả thì nông dân, doanh nghiệp mới có thể được thụ hưởng một cách vững chắc những thành quả lao động của mình, từ đó, kinh tế nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững.
Đây là những vấn đề nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thậm chí một số vấn đề nằm ngoài phạm vi quản lý của Chính phủ. Do đó, rất cần có sự thay đổi nhận thức và phối hợp giải pháp từ cả phía Quốc hội và toà án để có thể giải quyết tận gốc vấn đề.