|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư vào nông nghiệp sạch, cảng biển tại Việt Nam

21:49 | 04/11/2018
Chia sẻ
Tập đoàn Citic, nắm giữ 60% cổ phần của McDonald ở Trung Quốc, cho biết có thể giúp sản phẩm Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc. Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc cho hay đã nghiên cứu kỹ về thị trường Việt Nam và thấy có nhiều tiềm năng hợp tác về xây dựng các khu công nghiệp, cảng biển...

Qua kênh McDonald có thể tiêu thụ sản phẩm Việt Nam tại Trung Quốc

Báo Chính phủ đưa tin, chiều 4/11, trong khuôn khổ Hội chợ CIIE 2018 tại Thượng Hải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc tọa đàm với một số tập đoàn hàng đầu Trung Quốc.

Theo đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác nhập khẩu nông sản Việt Nam, hướng tới cân bằng cán cân thương mại song phương, kết nối để "hai bên cùng thắng".

cac tap doan trung quoc muon dau tu vao nong nghiep sach cang bien tai viet nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự cuộc tọa đàm với các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc dự tọa đàm (là các tập đoàn đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, năng lượng và phân phối) đều đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn ICBC châu Á cho biết, Tập đoàn đã thành lập riêng một cơ quan để hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Ông Pu Jian, Giám đốc điều hành Tập đoàn Citic cho hay có thể giúp sản phẩm Việt Nam xâm nhập mạnh, sâu hơn vào thị trường Trung Quốc khi doanh nghiệp này nắm giữ 60% cổ phần của McDonald ở Trung Quốc với chuỗi 3.500 cửa hàng.

“Qua kênh của McDonald cũng có thể tiêu thụ sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”, ông Pu Jian nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc như Tập đoàn Sunwa, Tập đoàn đã xuất khẩu 80.000 tấn cà phê Việt Nam đi khắp các thị trường, cho biết sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Quang Minh, tập đoàn thực phẩm lớn nhất Thượng Hải đánh giá tiềm năng hợp tác nông nghiệp với các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn.

“Chúng tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm thì ngoài thương mại, chuyển giao kỹ thuật, chúng ta có thể tính đến hợp tác đầu tư xây dựng”, đại diện Tập đoàn Quang Minh cho biết

Về lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có 20 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.

Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá ba sa, tôm,…

Nhiều chuỗi cung ứng trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam. Nhiều nông sản nhiệt đới được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy vậy, các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện mới được biết đến và tiêu thụ rộng rãi ở các địa phương phía Nam Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam) chứ chưa thâm nhập được sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc.

Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương, theo thống kê của Trung Quốc là trên 120 tỷ USD, cao hơn kim ngạch thương mại của Trung Quốc với nhiều nước châu Âu cộng lại.

Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc quan tâm đến tiềm năng hợp tác về cảng biển

Liên quan đến lĩnh vực hạ tầng, lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc, một trong những nhà thầu xây dựng lớn của Trung Quốc, đang hợp tác với Tập đoàn Sunwa đầu tư xây dựng một tòa nhà ở TP HCM nói: “Chúng tôi từ nhà thầu đã chuyển thành đối tác đầu tư. Bây giờ chúng tôi thấy lý thú với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về thị trường Việt Nam và thấy có nhiều tiềm năng hợp tác về xây dựng các khu công nghiệp, cảng biển thông qua các hình thức hợp tác như BOT, EPC…".

Trước ý kiến này, Thủ tướng hoan nghênh việc một doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển từ nhà thầu trở thành một nhà đầu tư tại Việt Nam, đồng thời nhắc lại thông tin, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 25 tỉ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng và cần tới 138 tỉ USD vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện vào năm 2030. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, Thủ tướng cho biết.

Xem thêm

Phương Nam

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.