Đầu tư vào công ty con không hiệu quả, công ty mẹ Thuỷ sản Minh Phú báo lỗ trong quý II
CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC) vừa công bố BCTC công ty mẹ quý II với 1.671 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 38% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng là 1.494 tỷ đồng chiếm 89% doanh thu và giảm 35% so với quý II/2022. Biên lãi gộp giảm từ 14% xuống 11%.
Kỳ này, doanh thu tài chính giảm 81% xuống 39 tỷ đồng, chủ yếu là do hụt thu cổ tức từ các công ty con. Các chi phí như tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm đáng kể so với quý II/2022.
Trừ hết chi phí, lợi nhuận sau thuế công ty âm 18 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 196 tỷ đồng. Theo giải trình, kết quả kinh doanh sụt giảm là do doanh thu bán hàng giảm và công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào công ty con.
Cụ thể, cuối quý II, Thuỷ sản Minh Phú trích lập dự phòng 1.128 tỷ đồng cho 7 công ty con (tăng 210 tỷ so với đầu năm), đứng đầu là Công ty TNHH Nuôi trồng Thuỷ sản Minh Phú – Lộc An với 574 tỷ đồng (giá gốc là 1.020 tỷ đồng). Tiếp theo là Công ty TNHH Thuỷ Hải sản Minh Phú Kiên Giang với khoản trích lập dự phòng gần 421 tỷ đồng và giá gốc là 1.027 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận 2.650 tỷ đồng doanh thu thuần, 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 45% và 93% so với cùng kỳ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo Thuỷ sản Minh Phú nhận định, kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2023 chưa lạc quan hơn nhưng công ty đã và đang có những mục tiêu phát triển trong tương lai. Cụ thể, công ty đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador.
Trước đó, hồi tháng 4, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú cho biết, giá thành tôm nguyên liệu hiện nay Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm con tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.
Rót 5.200 tỷ đồng vào công ty con
Về tình hình tài chính, cuối quý I, tổng tài sản của công ty mẹ Thuỷ sản Minh Phú đạt 9.908 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 133 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 11% so với đầu năm lên 2.367 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản (53%) là khoản đầu tư vào các công ty con với 5.244 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Tại ngày 30/6, Thuỷ sản Minh Phú có 16 công ty con và 1 công ty liên kết, các công ty này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thuỷ sản.
Cuối kỳ, tổng nợ vay của công ty khoảng 1.765 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 5.633 tỷ đồng bao gồm 1.302 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Xét về dòng tiền, 6 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 137 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 62 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 321 tỷ đồng khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 520 tỷ đồng.
Chốt phiên 31/7, cổ phiếu MPC dừng tại 18.700 đồng/cp, tăng 9% so với thị giá đầu năm.
Mới đây, một doanh nghiệp trong ngành tôm là CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) đã công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu thuần đạt 1.033 tỷ đồng, lãi ròng 71 tỷ đồng giảm lần lượt 27%, 38% so với cùng kỳ.
Trong một chia sẻ hồi tháng 5, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta cho biết giá tôm thương phẩm trong nước đã giảm đến sát đáy. Ông kỳ vọng giá tôm khó có thể giảm thêm và kỳ vọng phục hồi sức cầu khi mùa tiêu thụ cao điểm đang tới, là những trợ lực giúp xuất khẩu tôm tăng tốc vào quý III.
“Quý III là quý tăng tốc của ngành thủy sản ta nói chung, của con tôm nói riêng. Các doanh nghiệp chắc đều cảm nhận được tình hình và có sự chuẩn bị thấu đáo. Hy vọng quý này sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ”, Chủ tịch Sao Ta dự báo.