|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đầu tư điện mặt trời áp mái hoàn vốn sau 5,5 năm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực

16:59 | 17/05/2023
Chia sẻ
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết doanh nghiệp dệt may đầu tư điện mặt trời áp mái có thể hoàn vốn sau 5,5 năm, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng xuất khẩu... Nhiều lợi ích là vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính và không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng cấp vốn cho doanh nghiệp đầu tư.

Tại Diễn đàn “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Trong đó, Quy hoạch điện VIII nêu rõ điện mặt trời mái nhà được lĩnh vực được ưu tiên phát triển cho mô hình tự sản tự tiêu, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, mà không phải nâng cấp lưới tải.

Tuy nhiên ông Hoàng Quang Phòng cho rằng trong thực tế, chỉ có số ít doanh nghiệp xuất khẩu dệt may chọn phương án mua điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của các Quỹ đầu tư nước ngoài.

Còn rất nhiều ngành sản xuất mong muốn sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh nhưng hiện vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng.

“Các doanh nghiệp sản xuất vẫn còn lúng túng, chưa chủ động trong việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó, chúng tôi cho rằng cần gói giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

 Diễn đàn: "Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn". (Ảnh: Phạm Mơ)

Về phía hiệp hội, doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) cho rằng việc các doanh nghiệp dệt may tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

"Thực tế ở doanh nghiệp dệt may của chúng tôi, việc sử dụng điện mặt trời áp mái cực kỳ hiệu quả, thời gian hoàn vốn 5,5 -6 năm, phần còn lại, 14-15 năm là lợi ích và hiệu quả, chúng ta chỉ cần bỏ một phần nhỏ cho chi phí bảo trì", ông Vũ Đức Giang nói.

Tuy nhiên, ông Vũ Đức Giang cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh chính là tài chính, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào việc phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này. Ngoài ra, ông Giang cũng có những băn khoăn về việc xử lý, tái chế các tấm pin năng lượng mặt trời đã hết hạn sử dụng.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Vitas đề xuất các nhà quản lý cần chuẩn hóa chất lượng các tấm pin năng lượng mặt trời, đảm bảo an toàn cho người lắp đặt, đem lại hiệu quả cho người dùng.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, từ đó tạo ra nguồn thu đóng góp vào việc giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

Để khuyến khích đầu tư vào hệ thống điện mặt trời áp mái, cơ quan quản lý cần có các cơ chế cụ thể cho các doanh nghiệp. Còn các nhà phát triển điện mái, điện mặt trời thì cần có tầm nhìn xa, tính đến phương án xử lý nhanh khi lắp đặt, sử dụng, các phương án tái chế, xử lý tấm pin hết hạn sử dụng…

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trong doanh nghiệp không chỉ hướng đến lộ trình xanh mà Chính phủ cam kết tại COP 26, mà còn giúp doanh nghiệp có điểm cộng khi giao thương với các nước.

Hiện nay, ngành thủy sản có khoảng 900 nhà máy trên toàn quốc có quy mô công nghiệp, trong đó hầu hết là đông lạnh. Trong đó hoạt động cấp đông dưới 40 độ C và trữ đông (kho lạnh) sử dụng năng lượng nhiều nhất. Ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định nhu cầu tiêu thụ điện của ngành thủy sản rất lớn, do vậy câu chuyện lắp đặt điện mặt trời áp mái là vô cùng cấp thiết.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ở miền Trung cần lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì đang gặp vướng mắc ở văn bản pháp quy liên quan đến Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về lắp hệ thống điện áp mái cho doanh nghiệp.

Với sự ra đời của Quy hoạch Điện VIII, đại diện VASEP mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành về mặt cơ chế, hướng dẫn để đầu tư, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu, đồng thời thực hiện đúng lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chi phí năng lượng.

 

Phạm Mơ