|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao EVN phải điều chỉnh giá điện vào mùa nắng nóng?

12:08 | 16/05/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết trước cơn bão giá nguyên liệu, nếu EVN không tăng giá điện thì dòng tiền của doanh nghiệp này sẽ bị ngắt và không có điều kiện để tiếp tục sản xuất kinh doanh, cung ứng điện cho nền kinh tế.

Nếu không điều chỉnh giá điện, dòng tiền của EVN sẽ bị ngắt

Tại tọa đàm về giá điện sáng 16/5 do báo Thanh Niên tổ chức, một vấn đề được độc giả đặt ra là tại sao ngành điện lại tăng giá điện ngay trong mùa nắng nóng? sao không chờ đến mùa mưa, dùng điện ít lại hãy tăng?

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam. (Nguồn: Thanh Niên)

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng việc điều chỉnh giá bán điện bình quân EVN thực hiện trên cơ sở các hướng dẫn, quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Tuy nhiên, 4 năm qua, giá bán lẻ điện không điều chỉnh trong khi giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng, điều này khiến EVN gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh cung ứng đủ điện cho nền kinh tế quốc dân.

Sau khi có kết quả kinh doanh được kiểm toán của năm 2022, các báo cáo giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN được công bố, EVN đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch hội thẩm định giá Việt Nam. (Nguồn: Thanh Niên) 

Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch hội thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng từ năm 2019 đến nay, thị trường nguyên liệu biến động nhanh và các chi phí đều tăng lên, do vậy ngành điện phải tiếp tục điều chỉnh giá.

Nếu tính trong giai đoạn 2019-2022, lạm phát luỹ tiến đã tăng khoảng 10% thì nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng lên khoảng 20,3%.

Năm 2022, giá than nhập khẩu về pha trộn với than trong nước để sản xuất điện đã gấp 2,6 lần so với năm 2021 và gấp 6 lần so với năm 2020. Giá than tăng nên EVN phải mua nhiệt điện than tăng khoảng 25% và nhiệt điện khí tăng khoảng 11,3%, chưa kể trượt giá. Trong khi đó, giá thành sản xuất điện của EVN đã kiểm toán năm 2022 tăng 9,27% so với 2021.

“Nếu không tăng giá điện, bù đắp chi phí cho đơn vị sản xuất thì dòng tiền của EVN bị ngắt. Khi đó EVN sẽ không có điều kiện để sản xuất kinh doanh, cung ứng điện cho nền kinh tế.

Chi phí đầu vào tăng là ngoài tầm tay của EVN và của Việt Nam vì đó là giá thị trường thế giới", ông Nguyễn Tiến Thoả nói.

Giá thành sản xuất của nhiều ngành hàng tăng thêm 0,45%

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, khi chi phí đầu vào biến động, EVN được phép điều chỉnh giá điện trong khoảng 3% mà không cần báo cáo Chính phủ, còn nếu giá điện tăng 10% trở lên sẽ phải trình Thủ tướng quyết định.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá cho rằng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, việc điều chỉnh giá điện tăng phải thận trọng, không giật cục nhằm đảm bảo an ninh cho ngành điện và hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước (EVN) cũng cần chia sẻ với người tiêu dùng. Nếu cần phải điều chỉnh giá thì điều chỉnh 1/3 của giá thành tăng. Còn phần thiếu, EVN sẽ cần một giải pháp.

Thực tế, việc nâng giá điện 3%, tương đương mới mức tăng 56 đồng/1 kWh. Khi đó việc giá điện tăng sẽ tác động đến các ngành nghề khác khoảng 0,18%. Trong đó ngành sản xuất cần nhiều điện như thép thì làm tăng giá thành của ngành thép lên 0,18%. Xi măng tăng lên 0,45% còn dệt may là 0,4%.

Còn đối với người tiêu dùng, giá điện cũng tăng ít. Bởi, Việt Nam đang cung cấp điện sinh hoạt cho khoảng 25 triệu hộ, bình quân mỗi hộ gia đình tiêu thụ 200 kWh /hộ/tháng. Như vậy với mức tăng 3%, bình quân mỗi hộ gia đình trả thêm 12.000 đồng.

Còn người sử dụng ít, khoảng 5 kWh/tháng thì chỉ tăng lên khoảng 2.500 đồng/tháng. Còn dùng nhiều thì trả thêm 35.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng mức độ tác động từ việc tăng giá điện là không lớn, thậm chí đây cũng là tiền đề để kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Hoàng Anh