|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quy hoạch điện VIII là căn cứ pháp lý giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án điện gió, điện mặt trời

17:25 | 16/05/2023
Chia sẻ
TS. Hà Đăng Sơn cho rằng Quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà.

Thực hiện song song cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia 

Ngày 15/5, Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh. (Ảnh: Thanh Niên)

Chia sẻ tại tọa đàm giá điện sáng 16/5, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng thách thức lớn nhất của quy hoạch này là vừa thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải điện, giảm khí nhà kính... vừa đảm bảo an sinh xã hội, an ninh năng lượng, đặc biệt là điều chỉnh chi phí liên quan cung ứng điện năng sao cho phù hợp tình hình quốc tế và khả năng chi trả của người dân.

Thực tế, Việt Nam đã có hơn 20.000 MW điện gió, điện mặt trời, tuy nhiên con số thống kê sản lượng điện năng lượng tái tạo thực phát lại không cao do các nguồn điện này không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết.

TS. Hà Đăng Sơn dẫn chứng về điện mặt trời có thời gian phát điện 6h-18h, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9h – 13h, điều này không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường.

Trong khi đó, điện gió phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất. 

“Mặc dù công suất lắp đặt cao nhưng sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió, điện mặt trời rất hạn chế và rất khó để dựa vào nguồn điện này để đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh nói.

TS. Hà Đăng Sơn kỳ vọng Quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ triển khai các dự án kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện.

Ngoài ra, Quy hoạch này cũng là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện, là cơ sở để để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà.

Một mục tiêu quan trọng được TS. Hà Đăng Sơn nhắc đến là Quy hoạch điện VIII hướng đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng. 

EVN đang đàm phán với 31/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp

Trong tọa đàm, độc giả cũng gửi đến câu hỏi về gần 85 dự án điện gió, điện mặt trời đang kêu cứu đã được tính vào Quy hoạch điện VIII, các dự án này có thể giải tỏa áp lực cung ứng cho ngành điện?

Trả lời vấn đề này, TS. Hà Đăng Sơn cho biết về nguyên tắc, 85 dự án năng lượng tái tạo này đã được bổ sung trong quy hoạch điện VII, nếu không có gì thay đổi thì các dự án này sẽ nằm trong quy hoạch điện VIII.

Thông tin thêm về tình hình đàm phán với các chủ đầu tư, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện đã có 31/85 dự nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN.

Trong đó có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án; 5 dự án mới gửi hồ sơ đang được EVN rà soát.

Liên quan đến khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý của dự án và địa phương, EVN đã hướng dẫn chủ đầu tư làm việc với địa phương, tháo gỡ vướng mắc vấn đề đầu tư xây dựng.

Ví dụ như khó khăn liên quan đến thời hạn hợp đồng, EVN đã báo cáo với Bộ Công Thương để có hướng dẫn trong thời gian sắp tới.

Còn việc mua bán trực tiếp điện mái nhà giữa các chủ đầu tư và hộ sử dụng điện, ông Võ Quang Lâm cho biết cơ chế bán điện trực tiếp do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, trình chính phủ.

Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan tư vấn của nước ngoài hoàn thiện cơ chế này, tạo cơ hội cho khách hàng có thể mua bán trực tiếp với chủ các dự án năng lượng tái tạo.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Anh